Năm 1987, tổ chức khoa học, giáo dục, văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”. Bài viết này khái quát những đánh giá của UNSECO về Hồ Chí Minh thể hiện trong Nghị quyết, qua đó khẳng định tầm vóc văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đây như là những tiêu chí mà UNESCO đã căn cứ để phong tặng Người là nhà văn hóa lớn.

Không phải bất cứ ai hoạt động và sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá đều là nhà văn hoá, mà chỉ được thừa nhận là nhà văn hoá nếu chủ thể hoạt động và sáng tạo đó vươn tới tầm cao của tri thức văn hoá, khoa học…ở thời đại, để từ đó sáng tạo ra những giá trị văn hoá đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên trên những tiêu chí đó để xứng đáng là nhà văn hóa lớn của thế giới.

Trong Nghị quyết Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24, khi phong tặng Hồ Chí Minh danh hiệu kép “ Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” (Vietnamese hero of national liberation anh great man of culture - nguyên văn bản dịch tiếng Anh), UNESCO đã đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm, và những lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Hồ Chí Minh được thừa nhận là nhà văn hoá lớn vì trước hết Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập tự do cho các dân tộc bị bóc lột, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hoá cao cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam, lấy đó làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hoá mới ở Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hoá mới ở Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới…chưa từng có trong lịch sử văn hoá Việt Nam.

Trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam, định hướng cho sự ra đời một nền văn hoá mới, một xã hội nhân cách mới. Người là kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người đã đưa nền văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước thế giới cũng như góp phần đưa văn hóa Việt Nam giao lưu, hòa nhập với văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc, cốt cách văn hóa của dân tộc mình đã hình thành từ những năm 20 của thể kỷ XX. Năm 1924, khi đến thăm Triển lãm nghệ thuật tổ chức tại Matxcơva, Người đã nhấn mạnh: “Mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính dân tộc của mình trong văn hóa nghệ thuật”.[1] Hồ Chí Minh còn có những đóng góp quan trọng trong việc “thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”giữa các dân tộc mà trước hết là hiểu biết về văn hóa. Đây chính là những chủ trương về văn hóa của các dân tộc cũng như của UNESCO trong xu thế giao lưu, hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hoà tinh hoa văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại, thể hiện một cách tiêu biểu và nổi bật sự kết hợp giữa những giá trị nhân văn của dân tộc, những đạo lý của con người Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lý của thời đại và tinh hoa văn hoá nhân loại bao gồm cổ, kim, Đông, Tây. Tư tưởng của Người về văn hóa thể hiện ở ý thức rõ ràng của Người về bản sắc và giá trị của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, Người xác định càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông[2]. Người giáo dục nhân dân: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” [3].

Với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại.

Sinh thời, Hồ Chí Minh vẫn thẳng thắn khước từ mọi danh hiệu làm văn hóa - nghệ thuật mà mọi người thường gắn cho mình. Đúng là người không chú tâm làm nghệ thuật nhưng sự nghiệp cầm bút vì cách mạng của Người đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn hóa “vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, vô cùng cao thượng và phong phú” như chính cuộc đời của Người.

Thơ Hồ Chí Minh phần lớn là những bài thơ “đuổi giặc”, bài nào cũng có thể tìm thấy ở đó một ý nghĩa chính trị nhất định, song không bài nào vắng bóng con người. Khát vọng tự do công lý, ấm no, hạnh phúc, hòa bình..., sự cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đó là một nội dung chủ đạo trong thơ Hồ Chí Minh. Vì vậy, những bài thơ của Người, trong đó có một số bài đã trở thành “thơ của muôn đời”, đã làm “xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Về mặt nghệ thuật, một số bài thơ chữ Hán của Người đã đạt đến trình độ kiệt tác, có thể đem so sánh với thơ Đường, thơ Tống, bởi vì ngoài cái gốc là tính trữ tình, nó đã vượt ra khỏi cái đỉnh cao nhất của kỹ xảo điêu luyện, đã trở thành một nghệ thuật hầu như tự nhiên”.

Hồ Chí Minh cũng đồng thời là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người đã tìm tòi, thử bút trên nhiều thể loại: Tiểu thuyết, du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, truyện ký, kịch, tiểu thuyết, văn chính luận... và ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu đặc sắc. Người đã đem lại cho văn chương cách mạng nước ta những yếu tố rất mới, rất hiện đại, không chỉ so với các nhà nho, các chiến sĩ cách mạng cùng thời mà cả với văn nghệ sĩ hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngòi bút của Người trên mặt trận báo chí đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Chính Người đã sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta và trên thế giới, trước hết là tờ Báo Người cùng khổ ở Pháp, Báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Việt Nam độc lập ở Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hoá kiệt xuất bởi Người còn là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hoá. Người nhắc nhở phải giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng không tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận mà kêu gọi phải ra sức nghiên cứu học tập tinh hoa văn hoá của thế giới xưa và nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hoá kiệt xuất vì Người còn là hiện thân của văn hoá hoà bình, của đường lối ngoại giao hoà bình, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Ngay từ năm 1947, Người đã khẳng định phương hướng đối ngoại của nước ta là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[4].

Là nhà văn hoá lớn, Hồ Chí Minh đã nêu lên trước nhân loại tấm gương của một con người luôn luôn vươn tới đỉnh cao của văn hoá. Tiêu biểu cho những giá trị đỉnh cao của Người khi trở thành nhà văn hoá lớn phát triển về nhiều mặt:

Về mặt trí tuệ, Người là nhà văn hoá uyên bác cả Đông, Tây, kim, cổ, thể hiện tài năng trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá…

Về mặt tình cảm, Người mang một “trái tim mênh mông”, “ôm cả non sông vạn kiếp người”. Người thương yêu nhân dân mình và thương yêu cả nhân dân thế giới, lo lắng đến vận mệnh cả nhân loại và quan tâm đến số phận của từng con người.

Về mặt hành động, Người là anh hùng kết hợp cả Nhân, Trí, Dũng, nổi lên ở một nghị lực phi thường và một đầu óc vô cùng nhạy bén và sáng tạo.

Về tư tưởng triết học, ở phương Tây, Người tiếp thu truyền thống nhân văn từ cổ Hy- La đến Mác- Lênin, đem lại cho truyền thống nhân văn tính hiện thực và tính chiến đấu. Ở phương Đông, Người gạn đục khơi trong, tiếp thu mọi nhân tố tích cực của cả Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo.

Trong đời sống riêng tư, Người vừa theo đuổi những hoài bão lớn nhất của nhân loại, vừa sống một cuộc sống giản dị và bình thường về nhu cầu vật chất nhưng lại vô cùng phong phú về tinh thần. Người là chiến sỹ đồng thời là nghệ sỹ, là anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá. Trong những ngày căng thẳng nhất về công việc kháng chiến và kiến quốc, Người vẫn ung dung làm thơ và câu cá, thể hiện một sự hài hoà hiếm có: Gần gũi với thiên nhiên, gắn bó với xã hội và tu dưỡng bản thân.

Có thể khẳng định nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hoá mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển của văn hoá thế giới. Nhiều chủ trương văn hoá được Người đề ra rất sớm - từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ XX như: Xoá mù chữ, trồng cây phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái…đến đầu những năm 90 đã được Liên hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới.

Nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh cho thấy rõ vị trí và ý nghĩa của văn hoá ứng xử. Người đã từng nói một cách vắn tắt: “Chúng ta sống trong thời vẻ vang thì phải sống cho xứng đáng”. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh lại được UNESCO tôn vinh danh hiệu anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. Nhà văn Xôviết Ôxips Manđenxtam, từ năm 1923 đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” [5]. Đó là nền văn hóa thống nhất giữa văn hóa với cách mạng. Bởi vì, bản thân cách mạng cũng là một sự nghiệp văn hóa, nó biểu hiện trọn vẹn một thiên hướng và khả năng sáng tạo, chứng minh và đòi hỏi chúng ta một niềm tin sâu sắc ở tương lại, như nhà văn hóa lớn Côlômbia là Máckét, người được giải thưởng Nobel, tại cuộc gặp lần thứ hai các nhà trí thức Mỹ Latinh, đầu tháng 12 năm 1985, đã phát biểu. Nền văn hóa đó kết hợp truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, phương Đông và phương Tây, thể hiện lý tưởng chung của loài người là độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhân loại đã thấy ở Hồ Chí Minh biểu tượng của nhà văn hoá tương lai. Nhân loại đã thấy ở Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lớn, nhà lý luận mà còn thấy ở Người một mẫu mực của con người phát triển toàn diện, con người nói văn hoá và thực hành văn hoá. Sự nghiệp và phong cách văn hóa Hồ Chí Minh như là một trong những dòng chủ lưu đã và đang hòa mình vào dòng chảy của văn hóa thời đại.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Tòan tập, tập 3Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002

3. GS.PTS. Đõ Huy, Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội, 1997.

4. PGS. TS Đinh Xuân Lý-PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội, 2008

5. Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội,1985

ThS. Trần Nguyên Hào
Diễn đàn Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Kim Yến (st)

 

Bài viết khác: