Thứ sáu, 29/03/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe trong kháng chiến và kiến quốc: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe". "Dân cường thì quốc thịnh". Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Khi được sống thì sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì. Chính vì vậy mà Người dạy chúng ta:"Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công".

TTHCM ve cham soc SKND 1

Trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác y tế dự phòng. Quan điểm về y tế dự phòng của Hồ Chí Minh sâu sắc, toàn diện và hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng, chống dịch bệnh”. Người giải thích: “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”. Cho nên, đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề đều phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Ðó chính là tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao kiến thức về y tế, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho chính mình và đồng thời góp sức chăm lo sức khỏe cộng đồng. Từ vấn đề tích cực rèn luyện thân thể để nâng cao thể chất, sức đề kháng chống lại bệnh tật, ốm đau; cho đến vệ sinh môi trường; xây dựng các công trình y tế dân sinh trong chăm lo xây dựng đời sống mới, nhất là khu vực nông thôn - đó là cách thức, phương châm xây dựng nền y học dự phòng tích cực, chủ động, hiệu quả, đem tài dân, sức dân để chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người dân cũng phải chủ động, tự giác rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể chất qua giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong lành. Người khuyên đồng bào: “Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”.

Làm tốt công tác y tế dự phòng không chỉ là bảo đảm sức khỏe nhân dân, mà còn là góp phần xây dựng “đời sống mới”. Tháng 3 năm 1947, trong tác phẩm Ðời sống mới, Bác Hồ nhấn mạnh: “Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”. Những điều cụ thể đó đối với nhân dân ta hằng ngày theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh thật có tác dụng to lớn biết bao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng trong tình hình hiện nay.

Theo quan niệm của Người thì sức khỏe của cá nhân và sức khỏe của cộng đồng có quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là một nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung; tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cộng đồng. Bằng cách gắn nhiệm vụ tự chăm sóc sức khỏe với khái niệm yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe. Theo Người, tự chăm sóc sức khỏe không chỉ vì mục đích cá nhân mà còn có mục đích vì đất nước. Cũng bằng cách đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa khái niệm yêu nước: “Yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, mà nó được thể hiện bằng các hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày”.

Đồng thời, để bảo đảm sức khỏe của nhân dân phải gắn với xây dựng một nền y tế nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, “lấy dân làm gốc”. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2 năm 1955, Người nêu rõ: “Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”. Nhằm xây dựng nền y - dược hiện đại, kết hợp truyền thống dân tộc với hiện đại, bảo đảm chăm lo sức khỏe cho đồng bào, cùng với quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy y tế (trong những ngày toàn dân ta đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 36-SL, ngày 27-3-1946 Quy định tổ chức Bộ Xã hội, trong đó có Nha Y tế Trung ương - tiền thân của Bộ Y tế), Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y rất toàn diện. Bác chỉ dạy: “thầy thuốc phải như mẹ hiền”- đó là cốt lõi y đức của người thầy thuốc. Cán bộ ngành y vừa là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phải mẫu mực về đạo đức cách mạng, giàu lòng nhân ái, yêu thương người bệnh như chính những người thân yêu, ruột thịt của mình. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu…”. Nhưng để làm tròn nhiệm vụ ấy, Bác Hồ đòi hỏi cán bộ y tế phải: “Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu””. Những chỉ dạy của Người đối với cán bộ y tế vừa sâu sắc, toàn diện, vừa thiết thực, cụ thể, từ quan tâm xây dựng y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân, củng cố lòng tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ y tế. Noi gương Người, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua các giai đoạn cách mạng, cán bộ, nhân viên ngành y tế đã và luôn tâm niệm, thực hiện đúng những chỉ dạy của Bác về y đức: “phải có chí chịu khó, chịu khổ, phải giàu lòng bác ái, hy sinh” -“Lương y phải như từ mẫu”.

Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm của Ðảng về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh, điều kiện mới của đất nước. Nghị quyết của Ðảng nhiều lần nhấn mạnh: “Sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được trong những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ðó là tiền đề, nền tảng quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, đứng trước đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới, việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân chính là kim chỉ nam để Việt Nam thành công hơn trong công tác này. Việc phòng, chống COVID-19 không phải trách nhiệm của riêng ai, của riêng tổ chức, cá nhân nào mà phải của mỗi người dân, toàn xã hội. Phòng, chống COVID-19 “không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt”.

TTHCM ve cham soc SKND 2

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong những ngày tháng qua, lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ nét trong “cuộc chiến” chống COVID-19, chúng ta đã thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong cuộc chiến đấu chống đại dịch. Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng lực lượng vũ trang, lực lượng y tế; lực lượng thanh niên xung kích… ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan; các lực lượng chính trị nòng cốt mọi ngành, mọi giới đã góp công sức, vật chất để đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp sức cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; cỗ máy ATM gạo lại khởi động để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn…. Đó là hình ảnh những chuyến hàng, trang thiết bị chống dịch được cấp tốc gửi đến những nơi bị cách ly. Đó là hình ảnh những y-bác sĩ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm chi viện cho vùng có dịch. Đó là hình ảnh những y, bác sĩ gần như kiệt sức sau khi đã xét nghiệm hàng nghìn người ở Bắc Giang… Hình ảnh những “bác sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh là những thành công bước đầu trong việc phòng chống, kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, là những hình ảnh sinh động, cảm phục, cao đẹp nhất về những người thầy thuốc - chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã không quản ngại gian khổ khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình. Đó không chỉ là “thông điệp từ trái tim” mà còn là tinh thần đoàn kết coi bệnh nhân “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Ðó cũng là biểu hiện cụ thể, sinh động của đội ngũ cán bộ ngành y đã thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam hiện nay.

Cuộc chiến chống Covid-19 phía trước còn rất nhiều khó khăn, phức tạp. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục nhân lên và biến thành động lực to lớn để nhân dân ta vượt qua những mọi gian nan, thử thách. Chúng ta càng phải ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết là vấn đề sống còn”“Không đoàn kết thì suy và mất”. Đặc biệt, tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe nhân dân mãi mãi là cơ sở lý luận cho mọi hành động đúng đắn của chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trước mắt là cuộc chiến phòng, chống dịch. Thấm nhuần lời dạy của Người, chắc chắn Việt Nam sẽ dành thắng lợi trong cuộc chiến đầy cam go ấy./.

Kim Anh

Bài viết khác: