Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Nguyễn Trãi, trước hết là tư tưởng vì dân, trọng dân, yêu dân.

Nguyễn Trãi viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”. Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tuyên bố đường lối: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Tiếp thu tinh thần ấy, Hồ Chí Minh đã hơn một lần nói: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, bị áp bức”. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Kế thừa, phát triển tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh khẳng định sự tất thắng của sức mạnh nhân dân:

Quân tốt dân tốt,

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

Nguyễn Trãi yêu cầu “phàm người có chức vụ... đối dân tận hòa, bỏ thói tham ô, trừ tệ lười biếng; bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa, coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo của mình”.

Ngay từ những ngày đầu giải phóng, Bác Hồ đã đề ra nhiệm vụ “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Người nghiêm khắc phê phán những kẻ cơ hội: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia”. Người dạy cán bộ phải biết kính trọng dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều”. Để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, Bác Hồ yêu cầu cán bộ phải "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Người từng lên tiếng báo động: “Đề phòng hủ hóa... có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán...” và đề ra một tiêu chuẩn của người cách mạng là “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”; “ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”.

Trong Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử, Nguyễn Trãi yêu cầu nhà vua phải “hòa thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân”. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện thật sâu sắc ở phương châm giản chính, khoan hình: “... có khi dùng đến uy pháp, nhưng không nên lâu la phải chóng trở về với nhân nghĩa”, nếu phải dùng quyền mưu thì “chỉ dùng để trị gian tà. Cốt nhân nghĩa gìn giữ thì thế nước mới yên ổn”. Hồ Chí Minh học tập tinh thần ấy của Nguyễn Trãi, Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.Tư tưởng vì con người của Bác Hồ rất gần với Nguyễn Trãi, dĩ nhiên được mở rộng, cụ thể hơn: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”.

Nhìn dưới góc độ văn chương cũng cho thấy Hồ Chí Minh học tập từ Nguyễn Trãi. Cụ Ức Trai có câu thơ: “Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”(Bao giờ làm được nhà dưới núi dưới mây/ Múc nước suối nấu chè, gối hòn đá ngủ - Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác), Hồ Chí Minh cũng từng có mong muốn: “... Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa,...”. Câu thơ “Cháo bẹ rau măng vẫn sẫn sàng” của Hồ Chí Minh có hình bóng câu thơ Ức Trai: “Cơm ăn chẳng quản dưa muối/ Áo mặc nài chi gấm thêu” (Thuật hứng). Âm hưởng tiếng suối trong thơ Nguyễn Trãi: “Côn Sơn có suối/ Tiếng nước chảy rì rầm/ Ta coi làm đàn cầm…”, hơn năm trăm năm sau vọng vào thơ Hồ Chí Minh: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Trong câu thơ của Hồ Chí Minh: “Giang tâm như kính tịnh vô trần” (Lòng sông gương sáng bụi không mờ), thì cái nhìn mặt nước trong suốt lung linh ấy cũng có từ Nguyễn Trãi: “Nhất bàn lam bích trừng minh kính” (Một mặt phẳng sắc lam sắc biếc như tấm gương trong suốt - Vân Đồn). Có khi là ảnh hưởng tứ thơ. Nguyễn Trãi viết về tuổi già nhưng chí trẻ: “Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc/ Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh”. Bác Hồ cũng có tứ thơ ấy: “Chưa năm mươi tuổi đã kêu già/ Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai...”...

Có thể thấy trước tác của hai nhà tư tưởng lớn này có điểm giống nhau là rất giản dị, dễ hiểu, gần với đời sống nhân dân, biểu đạt một cách nhuần nhị lời ăn tiếng nói của nhân dân, bởi ở họ có một điểm chung là rất có ý thức kế thừa ngôn ngữ quần chúng lao động. Thơ Nguyễn Trãi là một trong những mạch nguồn tư tưởng và mạch nguồn ngôn ngữ nghệ thuật ở tác phẩm của Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh Tú
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: