Với khát vọng đưa đất nước phát triển vững mạnh, hùng cường, Đảng, Nhà nước ta khuyến khích mạnh mẽ đội ngũ cán bộ đột phá để tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt đang kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Thực tiễn đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần có tư duy sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Phá điểm nghẽn về thể chế

Nghẽn về thể chế đang là hòn đá tảng cản trở sự phát triển toàn diện của đất nước. Đó chính là những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật.

Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế đang là “đơn đặt hàng” đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trí thức, nhà khoa học hiện nay. Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là hành lang pháp lý tin cậy để khoan phá vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, có những việc mà nhiều cán bộ lãnh đạo, chủ trì trăn trở, muốn làm ngay nhưng đó lại là việc chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế, chính sách, chưa đủ hành lang pháp lý. Nếu làm sẽ có thể rủi ro, hoặc thành công, hoặc thất bại. Một nguyên nhân khác đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật cũng khiến nhiều cán bộ sợ trách nhiệm, không dám quyết định.

Đơn cử như thời gian qua có việc xem xét, phê duyệt các dự án, đầu tư mua sắm công, giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng có tiền mà không dám tiêu...

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch rất cần thiết. Tuy vậy, sau khi nhiều cán bộ ngành y tế vướng vào vòng lao lý do làm trái quy định thì cũng xuất hiện tâm lý sợ sai, tâm lý trông chờ trong một bộ phận cán bộ.

Từ thực tế này, rất cần đội ngũ cán bộ đột phá vào điểm nghẽn trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Có nhiều nơi, nhiều cán bộ chưa nhận thức đúng tầm về công tác này, chưa coi đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển.

Cũng từ thực tiễn, điều đáng khích lệ là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý đã dám đột phá vào điểm nghẽn này. Quảng Ninh là một ví dụ. Cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

can bon dam bai 3
Cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: quangninh.gov.vn

Ngay từ năm 2012, tỉnh đã bắt tay vào triển khai Dự án “Xây dựng mô hình chính quyền điện tử”. Với mô hình này, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được cắt giảm trung bình 40-60% so với thời gian quy định của Trung ương.

Năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 4 chỉ số quan trọng là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Cùng với đó, Quảng Ninh đã quyết tâm đột phá vào thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Đơn cử như, tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược trên tinh thần có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, đây là yếu tố đột phá để thu hút các nguồn lực.

Tỉnh đã chủ động đề xuất với Trung ương các cơ chế thí điểm đột phá thông qua các đề án lớn; xây dựng và vận dụng sáng tạo các hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng, nhờ đó, những năm gần đây, tỉnh đã huy động nguồn vốn khoảng 47 nghìn tỷ đồng, trong đó cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8 đến 9 đồng ngoài ngân sách...

Muốn tháo được điểm nghẽn, chuyển biến thực sự trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thì vai trò của đội ngũ cán bộ, chủ chốt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ trì rất quan trọng. Cán bộ phải thực sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; xác định đột phá vào chính những khâu mà bộ, ngành, địa phương mình có tiềm năng, thế mạnh.

Nội dung đột phá phải xuất phát từ chính thực tiễn đòi hỏi, xuất phát từ lợi ích chung. Theo đó, mọi chủ trương, quyết định phải được thống nhất trong tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, không được trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Việc đột phá qua từng bước thực hiện phải khơi dậy được ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, vì nhân dân phục vụ của tập thể, nhất là của đội ngũ cán bộ các cấp ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đó.

Đối với cán bộ là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần đột phá vào các công trình, các lĩnh vực mũi nhọn, các chương trình, đề án góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế-xã hội vượt trội. Khoa học, công nghệ phải thực sự gắn chặt với thị trường, gắn với thực tiễn; khoa học mở đường cho các lĩnh vực phát triển.

Đảng, Nhà nước đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến. Đây là điều kiện thuận lợi để đội ngũ các nhà khoa học thực sự phát huy năng lực tinh hoa của mình.

Cởi nút thắt trong phân cấp, phân quyền

Từ những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay cho thấy, dù là một khâu, một mắt xích trong thể chế nhưng vấn đề phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm khi phân cấp, phân quyền cần tách ra để làm rõ bởi hiện đang có những vướng mắc làm trì trệ, hạn chế nhiệt huyết, sáng tạo của người cán bộ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chưa phân cấp, phân quyền tốt, nhưng nổi lên một số vấn đề sau: Thứ nhất, chưa xây dựng được chính sách và luật pháp cho việc phân cấp, phân quyền hoàn chỉnh. Thứ hai, có ràng buộc cả về quyền lực và lợi ích khiến nhiều nơi, nhiều khâu, nhiều cấp không muốn phân cấp, phân quyền.

Hậu quả của việc này dẫn đến tình trạng ôm đồm công việc mà hiệu quả không cao, công việc trì trệ; không biết mà vẫn quản và đó chỉ là hợp thức hóa, rất dễ dẫn đến sai sót. 

Điều này cho thấy, rất cần đội ngũ cán bộ các cấp nhìn nhận thấu đáo để tập trung tháo gỡ, thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền. Người cán bộ khi được tổ chức giao nhiệm vụ phải có đủ hành lang pháp lý để họ là người được quyết định việc tổ chức nhiệm vụ đó và chịu trách nhiệm trước tập thể.

Có như vậy, người cán bộ mới thực sự dám nghĩ, dám làm, quyết làm và dám chịu trách nhiệm. Nếu làm tốt việc phân cấp, phân quyền, nó sẽ là thanh bảo kiếm để người cán bộ dám dấn thân trong công việc.

Đơn cử như trong phòng, chống dịch Covid-19. Khi dịch đang có chiều hướng bùng phát rất mạnh ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện đến tận cấp cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ.

Điều này đã mang lại hiệu quả rất rõ nét trên thực tế. Về thực hiện nhiệm vụ này, Đà Nẵng đã rất thành công trong việc khống chế dịch. Đà Nẵng đã thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền và gắn trách nhiệm khi được phân cấp, phân quyền. Chủ tịch UBND thành phố phân cấp cho các giám đốc sở và các quận, huyện.

Thành phố cũng quan tâm cơ chế bảo đảm nguồn lực cho phân cấp, phân quyền, nhất là nguồn lực con người và cơ sở vật chất.

Yêu cầu cao đối với cán bộ “bốn dám”

Một trong những yếu tố cốt lõi của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược là phải có năng lực tư duy. Phẩm chất này giúp người cán bộ có tầm nhìn chiến lược, đánh giá, nhìn nhận được toàn cục để tìm ra mâu thuẫn cơ bản, điểm nghẽn chí tử để tập trung tháo gỡ.

Năng lực tư duy giúp quá trình phân tích, đánh giá, nhận định mọi mặt thấy được thuận lợi, khó khăn, thấy được thời cơ để tìm ra các nguồn lực mới. Năng lực tư duy tốt sẽ giúp cho hoạt động lãnh đạo, hoạch định, điều hành tốt, khắc phục được sự bảo thủ, giáo điều.

Năng lực tư duy phải thể hiện được đó là khả năng dự báo xa, sáng tạo, loại bỏ được kiểu tư duy nhiệm kỳ. Năng lực tư duy tốt sẽ giúp quá trình cụ thể hóa chủ trương, đường lối đi vào thực tiễn, làm cho lý luận gắn với thực tiễn, mở đường cho thực tiễn phát triển.

Người cán bộ “bốn dám” phải là người có khát vọng vươn lên, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết liệt, quyết đoán, xuất phát từ cái chung, không vì danh vọng, không vì tư lợi. Càng trong khó khăn càng là môi trường sàng lọc cán bộ nghiêm túc.

Nhiều khi chủ trương, đường lối đúng, nhưng nếu cán bộ không quyết liệt, năng động, không dám nghĩ, dám làm mà thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt. Đặc biệt, càng không thể chấp nhận những cán bộ không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân.

Cán bộ sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm hoàn toàn khác với sự độc tài, độc đoán, thái độ liều lĩnh, cực đoan, bất chấp hậu quả hay cách nhìn nhận vấn đề đơn giản, chủ quan. Cũng không có chỗ cho những cán bộ có tư tưởng ảo vọng, háo danh khi lợi dụng việc đổi mới, đột phá để đưa ra những ý tưởng, việc làm không có tính khả thi, xa rời thực tế, viển vông.

Đặc biệt, cần lên án những cán bộ cố tình lợi dụng cơ chế khuyến khích “bốn dám” nhằm phô trương, đánh bóng hình ảnh cá nhân của mình. Cũng cần xử lý nghiêm minh những người lợi dụng cơ chế khuyến khích cán bộ đột phá để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn rất cần những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá. Từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đòi hỏi cán bộ phải bắt tay tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, nhất là những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: