Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng
quyết định mở Chiến dịch Biên Giới (1950)
Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước dân chủ, ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động của Người.
Trong hàng trăm, hàng nghìn câu nói của Người về dân chủ đều luôn luôn nổi bật vai trò chủ động, tích cực của dân, đều luôn luôn nhất quán với tinh thần trọng dân gắn liền với trọng pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rành mạch và tường minh trong những khẳng định sau đây:
- Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không có sức mạnh nào mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
- Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân.
- Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.
- Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương là do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng, đều ở nơi dân...
Người còn nhấn mạnh, trong một nước dân chủ thì nhân dân là chủ. Cán bộ, đảng viên cũng như nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Dân đã có quyền làm chủ thì cũng phải thi hành nghĩa vụ của người chủ. Đây là những tóm tắt cô đọng nhất bản chất của dân chủ và quyền làm chủ, có giá trị như những định nghĩa kinh điển về dân chủ. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, dân là chủ thể gốc của quyền lực. Dân ủy quyền cho Nhà nước để Nhà nước thực hiện quyền lực nhân dân, phụng sự lợi ích, nhu cầu và cả ý chí của dân. Đảng cũng chỉ vì dân mà tồn tại.
Dân chủ và quyền làm chủ của dân phải trở thành một giá trị thực tế chứ không phải một lời nói suông. Dân chỉ biết đến dân chủ, công bằng, bình đẳng khi dân được ăn no, mặc ấm. Độc lập tự do phải tranh đấu mà có được thì phải làm sao cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đã tranh được tự do độc lập rồi mà dân vẫn đói rét, cực khổ, lạc hậu thì độc lập tự do cũng chẳng để làm gì. Thiết thực đến như vậy cho nên chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành tiến bộ, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do, hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. Đó là dân chủ thực chất để làm chủ thực chất, không hình thức giả dối, cũng không phù phiếm giả tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên trước hết là những người lãnh đạo phải có tác phong tập thể dân chủ thực sự. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể, mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ.
Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời tinh thần ấy cũng thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, mà luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, khi cần thiết, triệu tập cả Hội nghị chính trị đặc biệt - một hình thức Diên Hồng của thời đại mới - để xin ý kiến các đại biểu quốc dân.
Khi bàn về cách làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Người nói: "Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa".
Thứ hai, là phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể. Người thường nói: Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người đứng đầu ở nơi đó còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị nếu đã không thông thì sẽ không quyết tâm thực hiện. Vì vậy, Người yêu cầu: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". "Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"; "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn". Bản thân Người là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, sức mạnh tập thể và sức mạnh tổng hợp của quần chúng, nhân dân. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, Người đều hỏi lại cẩn thận và chu đáo những người đã giúp mình. Tất cả những ai đã được Bác giao việc đều cảm nhận sâu sắc điều đó.
Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ: Chuẩn bị ra một nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo... Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật... Người đều huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
Thứ ba, là nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, nhưng Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Người giải thích: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung".
Tác phong tập thể - dân chủ của Bác luôn luôn tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Cương vị lãnh đạo càng cao, thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ không phải hình thức. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể. Mọi thói hình thức chủ nghĩa, sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. Nhiều lần, Người đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc. Từ thực hành dân chủ cho nhân dân, đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Bác Hồ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước, như Người từng khẳng định 5 điểm đạo đức mà người đảng viên phải giữ gìn cho đúng, đó là:
- Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
- Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.
- Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu.
- Vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi, hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ. Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo, đói. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói, nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.
Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)