Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên bộ ghế mây, chăm chú sửa văn bản trong bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, đã trở thành một biểu tượng về sự vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị của người Cha già dân tộc. Và biểu tượng ấy một lần nữa lại được thế giới tôn vinh: Nhà điêu khắc người Mêhicô đã sáng tác 4 bức tượng “Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch” bằng đồng để trưng bày tại Mêhicô và làm quà tặng cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã vinh dự được sở hữu một phiên bản, hiện được an vị tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia ở số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Người ngồi đó...
Bức tượng Bác Hồ bằng đồng của nhà điêu khắc Pedro Ramirez Ponzanell, mang tên “Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch” do Đảng Lao động Mêhicô (PT) trao tặng. Đây là phiên bản thứ ba tại Việt Nam, và là phiên bản cuối cùng trong tổng số 4 phiên bản tượng Bác Hồ của cùng một khuôn đúc mà Pedro Ramirez Ponzanell thực hiện, do Đảng PT đặt làm, nhằm thể hiện sự tôn vinh với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và thế giới.
Nhà điêu khắc Pedro Ramirez Ponzanell
Khác với 3 phiên bản trước, phiên bản tượng Bác Hồ đặt tại nhà số 5 Lý Thường Kiệt được thể hiện đúng như bức ảnh mà nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp Bác Hồ đang ngồi làm việc ở Phủ Chủ tịch, bức ảnh mà Pedro Ramirez Ponzanell đã chọn để làm mẫu cho tác phẩm điêu khắc của mình. Có nghĩa là không có thêm một chiếc ghế kê đối diện phía Bác ngồi, như một nơi để mọi người có thể ngồi lại, ngắm tượng Bác, và "đàm đạo" cùng Người như bức tượng đặt tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô Mêhicô.
Bức tượng Bác Hồ an vị tại tầng 2
tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Lê Phú
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái kể, năm 2011, khi ông sang Mêhicô công tác, như tất cả người Việt Nam đã có dịp tới Mêhicô, và cũng như rất nhiều những người nước ngoài yêu quý và tôn kính Hồ Chủ tịch, ông đã tới thăm tượng đài Hồ Chủ tịch tại Trung tâm lịch sử của Thành phố Mêhicô. Bức tượng đài được dựng năm 2009, đúc bằng đồng, theo kích thước người thật với hình ảnh Bác Hồ ngồi trong bộ bàn ghế mây, đang xử lý các văn bản... Xúc động trước bức tượng đài đầy ý nghĩa này, Phó Tổng Giám đốc đã tìm hiểu và được ông Hồ Quang Minh - điều phối viên của Đảng PT - cho biết, đã có 2 phiên bản của tượng đài được Đảng PT tặng Việt Nam. Một bức tượng đã được đặt ở Phủ Chủ tịch, đúng nơi bức ảnh của tác giả Đinh Đăng Định chụp, và bức thứ hai tặng cho thành phố Hà Nội. Theo ông Hồ Quang Minh, khuôn đúc tượng chỉ còn được 1 phiên bản nữa là sẽ không thể đúc thêm, vì thế dự kiến sẽ đúc phiên bản cuối cùng để tặng cho một địa điểm nào đó có ý nghĩa của Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc Ngô Hà Thái đã bàn bạc với điều phối viên Hồ Quang Minh, và cả hai đều nhất trí rằng địa điểm cuối cùng này nên là TTXVN, bởi như nhiều người cho biết, bức ảnh này nhà báo Đinh Đăng Định đã chụp khi Bác đang sửa bản tin của TTXVN, và trên bàn của Người lúc ấy cũng có cuốn Báo Ảnh của TTXVN. Không thể ý nghĩa hơn khi phiên bản cuối cùng được tặng cho TTXVN. Chính bởi vậy, phía Đảng PT cũng nhất trí ngay với đề nghị này. Và phiên bản cuối cùng đã được gấp rút đúc, để trao tặng cho TTXVN đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập TTXVN năm nay (15/9/2012).
Ở Việt Nam, như đã nói, còn 2 phiên bản nữa của bức tượng. Và hai phiên bản này thì giống hoàn toàn với bức tượng tại Mêhicô. Phiên bản thứ nhất được Đảng PT trao tặng thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội (năm 2010). Đồng chí Pedro Vaquez Gonzalez, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Đảng PT tại Hạ viện, Trưởng nhóm Nghị sĩ Quốc hội Mêhicô với Việt Nam, đã trao tặng bức tượng này cho lãnh đạo thành phố Hà Nội như một món quà vô giá, thể hiện tình đoàn kết cao cả, hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước.
Tiếp sau đó, vào tháng 6/2011, phiên bản thứ hai đã là món quà của Đảng PT trao tặng nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 100 năm Ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Bức tượng đã được khánh thành ngày 15/6 và được đặt tại Phủ Chủ tịch. Đích thân Tổng Bí thư Đảng PT Alberto Anaya Gutierrez đã sang Việt Nam dự lễ khánh thành. Tổng Bí thư Alberto Anaya tâm sự, với những đảng viên Đảng PT, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng của người anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ quốc tế có những đóng góp to lớn cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Bức tượng “Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch” - món quà nhỏ nhưng đó là cả tấm lòng của những người lao động Mêhicô với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Tác giả của 4 phiên bản tượng Bác Hồ
Một địa điểm tại thủ đô Mêhicô mà mỗi người con Việt Nam phương xa mỗi khi có dịp đến đây đều dành thời gian ghé thăm, chính là công viên “Tự do cho các dân tộc”, nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Với hình ảnh bụi tre, khóm trúc thân thuộc nằm ngay trên đại lộ mua sắm sầm uất “20 tháng 11” thuộc khu Trung tâm lịch sử thủ đô Mêhicô, công viên mang đậm nét Á Đông này từ lâu nay đã trở thành một không gian xanh được yêu thích của người dân Mêhicô.
Người Việt sinh sống và làm việc tại Mêhicô bên tượng Bác
trong công viên “Tự do cho các dân tộc”. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Nhìn từ xa, dòng chữ mạ vàng bằng tiếng Tây Ban Nha “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nổi bật trên bức tường đá hoa cương trắng hình bán nguyệt cao gần 4 mét. Dưới chân bức tường là hình ảnh Bác Hồ ngồi làm việc trong bộ bàn ghế mây mộc mạc, dáng vẻ uy nghiêm mà gần gũi. Trong khoảng không gian tĩnh lặng của buổi sáng mùa hạ, Bác ngồi đó, vầng trán cao, đôi mắt tinh anh chăm chú đọc tập tài liệu trên bàn, tay phải cầm bút viết, chân đi đôi dép cao su, trông thật giản dị và đáng kính… Bức tượng tạc chân dung Bác đúc bằng đồng theo kích thước người thật, sống động có hồn, khiến bất cứ ai ngay lần đầu tiên nhìn thấy cũng đều xúc động và vinh dự như đang được gặp Bác.
Để hiểu hơn về hành trình bức tượng Bác Hồ, chúng tôi đến gặp nhà điêu khắc Pedro Ramirez Ponzanelli. Ông sinh năm 1973 tại thành phố Mêhicô, trong một gia đình có dòng dõi nghệ thuật gốc Italia, từng tham gia thực hiện các công trình điêu khắc lớn như nhà thờ Carrara tại Italia, Cung Mỹ thuật và Đài độc lập ở Mêhicô. Pedro Ramirez đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ lịch sử và tham gia không mệt mỏi vào các dự án tôn vinh các nhân vật kiệt xuất và gìn giữ các nền văn hóa bản địa. Đây có lẽ cũng là cái duyên đưa ông đến với Bác Hồ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết khi nhận dự án đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 2009, ông đã đi tìm hiểu rất nhiều tranh ảnh, đọc sách báo và nghiên cứu tư liệu về Người. Một lần đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mêhicô, trong số nhiều hình ảnh đưa ra lựa chọn, tấm ảnh “Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch” của nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc về một con người vừa đáng tôn kính, vừa gần gũi. Ông nói: “Đó là một người xứng đáng được vinh danh. Hình ảnh Hồ Chủ tịch đang ngồi làm việc, xử lý văn bản, tượng trưng cho cách ông tập hợp toàn dân tộc Việt Nam”. Và thế là ông quyết định chọn bức ảnh làm mẫu cho bức tượng được đặt tại công viên “Tự do cho các dân tộc” tọa lạc ở trung tâm thủ đô Mêhicô.
Một điểm khác so với nguyên bản trong bức ảnh Bác Hồ ngồi ghế mây là nghệ nhân Pedro Ramirez đã đề xuất làm thêm một chiếc ghế đặt bên cạnh bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói chiếc ghế này sẽ tạo cho mọi người cảm giác gần gũi hơn với Hồ Chủ tịch, dù là người dân Việt Nam hay người dân Mêhicô đều có thể ngồi bên cạnh Người.
Pedro Ramirez cho biết, để chế tạo khuôn, trước tiên người nghệ nhân dùng sáp để tạo tượng mẫu, tiếp đó dùng vữa thạch cao đắp vào mẫu sáp vừa tạo để đổ khuôn, rồi sau đó đem nung. Khuôn được nung ở nhiệt độ 3.000 độ C khiến lớp sáp tan chảy, tạo khuôn tượng với hình dáng và đường nét theo bản mẫu điêu khắc. Khuôn phải được nung nóng đều, đủ nhiệt độ cho đồng chảy đều trong khuôn. Tiếp theo là công đoạn đúc, gồm 2 bước là nấu đồng và rót đồng vào khuôn. Đồng được nấu ở nhiệt độ 1.200 độ C, sau đó được đưa ra và rót vào khuôn. Quá trình đổ rót phải tuân theo một công thức nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh không rạn nứt, tỳ vết. Sau khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, dũa, đục, tách, đánh bóng và làm màu theo mẫu. Toàn bộ quá trình diễn ra trong vòng 20 ngày.
Theo nghệ nhân Pedro Ramirez, phần khó nhất chính là thể hiện được thần thái của khuôn mặt sao cho toát lên phẩm chất cao quý và giản dị của Hồ Chủ tịch, và đôi mắt, phải có hồn, có chiều sâu…
Đúng là bức tượng Bác Hồ đã đạt được những mong muốn của nhà điêu khắc và của Đảng PT giàu tình nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Ngắm Bác, những người làm Thông tấn lại nhớ đến lời dạy của Bác khi Người đến thăm TTXVN năm 1955: “Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật”./.
Hoàng Quỳnh - Tuyết Anh
Theo http://baotintuc.vn
Thu Hiền (st)