Những ngày được gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi thực hiện nhiệm vụ làm nhà cho Bác tại chiến khu Việt Bắc, để lại trong ông Lê Nhạ, xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, những kỷ niệm không bao giờ quên.
Câu chuyện cuộc đời, gắn với trọng trách gần 60 năm về trước như cuốn phim quay chậm hiện dần trong ký ức ông.
"Chú Kiệm”, tên do Bác Hồ đặt tên,
quàng khăn, hàng cuối. Ảnh: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Vinh dự được Bác đặt tên
Ông Lê Nhạ trào nước mắt nhìn về cõi xa xăm: “Được sống, làm việc và phục vụ Bác Hồ ngày ấy thật hạnh phúc. Những năm qua, bạn bè, đồng chí lần lượt ra đi, số còn lại chắc cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn họ đều là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Riêng tôi, chỉ là một công nhân quốc phòng...”.
Ông nhớ lại, một buổi sáng mùa thu năm 1949, khi sương chưa tan trên đỉnh núi, ông cùng với ba anh em thợ mộc được ông Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, lúc đó đang phục vụ Bác Hồ, gọi “đi nhận nhiệm vụ đặc biệt”. Một người ốm không đi được nên ông và hai người bạn khác lên đường.
Ba người đi theo ông Chiến đến giữa rừng rậm, bốn bề cây rừng cổ thụ, dốc đá cheo leo, phía dưới thung sâu là một con suối nước xanh trong như ngọc. Tại một ngôi nhà, đúng hơn là một cái lán bằng tranh tre, nứa lá dựng tạm, thì xuất hiện một cụ già cao thanh mảnh, hiền từ chào hỏi: “Các chú đến đây có biết đi mô không?”.
Ông Nhạ ngập ngừng, lúng túng, quên không chào bằng Bác mà lại buột miệng chào “ông Cụ”. "Bởi lúc ở quê, tôi chỉ biết và nghe người ta nói với nhau là “Cụ Hồ” mà thôi", ông Nhạ giải thích.
Sau khi nghe ông Nhạ và hai người bạn báo cáo về việc được phổ biến đi làm công nhân, Bác ôn tồn nhắc các ông cất hành lý và dụng cụ rồi nhận nhiệm vụ.
Phía bên kia, cách mấy hàng cây cổ thụ, ông Nhạ thấy có khoảng vài chục người chừng tuổi như mình đang cần mẫn lao động.
Bác tự tay rót nước mời ba người thợ mới tới, nhẹ nhàng căn dặn: “Các chú đến đây thì ở lại làm việc cùng anh em. Mọi người làm gì thì các chú làm nấy. Ai cũng phải tuyệt đối giữ bí mật”.
Nói xong, Bác Hồ nhìn từng người rồi ân cần đặt tên theo một trong những từ theo khẩu hiệu Người nêu ra trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí, Công, Vô, Tư... Ông Nhạ được Bác Hồ đặt tên là Kiệm, ông Ưng (Nghệ An) là Cần và ông Ngụ (Hà Tĩnh) là Liêm. Ba ông được ông Tạ Quang Chiến tiến cử làm nhà cho Bác.
Bác dạy câu chuyện cảnh giác và tính giản dị
“Khi được gặp Bác Hồ, chúng tôi ai nấy đều xúc động không nói nên lời, mắt đỏ hoe”, “chú Kiệm” bồi hồi tâm sự. Rồi ông kể, chờ qua cơn xúc động, Bác Hồ ôn tồn căn dặn chúng tôi, đại ý, công việc các chú làm không đơn thuần là chặt gỗ, đục nhà mà là công việc liên quan đến cách mạng, đến kháng chiến nên phải hết sức giữ bí mật, nêu cao cảnh giác, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà...
Sau khi về lán làm việc, vâng theo lời căn dặn của Bác Hồ, ông Nhạ cùng với hai người bạn, ai lo công việc nấy. Mỗi tiếng chặt, cưa, xẻ gỗ, mỗi tiếng đục, đẽo... các ông đều đặc biệt chú ý, không để phát ra tiếng động mạnh. Họ tuân thủ không tiếp xúc với ai khi chưa có lệnh của người chỉ huy.
Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp của ông Chiến, chẳng bao lâu ba người và một số anh em khác đã hoàn thành ngôi nhà sàn để Bác làm việc và ở.
Nói là ngôi nhà sàn "cho oai" nhưng thực chất rất đơn sơ: Ngôi nhà chỉ bốn cây gỗ đục ra, cao khoảng 5m. Sàn nhà được lát bằng gỗ, phía trên là những tấm phên đan vội để Bác ở và làm việc. Phía dưới trệt là nền đất, có kê những khúc gỗ tròn làm ghế ngồi, và những “chiếc bàn” bằng tre và nứa dùng làm nơi họp Bộ Chính trị.
"Xung quang nhà được đan bằng phên nứa, gió và rét của núi rừng Việt Bắc lọt qua, lạnh thấu xương. Mỗi đợt gió mùa đông bắc kéo về rét tê tái, lòng chúng tôi vô cùng thương cảm Bác", ông Nhạ buâng khuâng kể lại.
Sau này, ông Cần có “sáng kiến” đan và thưng (cài) thêm một lớp phên nữa để ngôi nhà được kín gió hơn nhưng Bác nhất quyết không đồng ý, vì lý do: " Khi nào lán của tất cả các chú có hai lớp phên thưng xung quanh thì lúc đó mới thêm phên cho ngôi nhà Bác ở".
Cảm động và thương Bác cháy lòng, để Người rét ba người thấy mình như có lỗi, nên ai nấy ra sức lao động để có đủ phên thưng hai lớp đỡ rét cho bản thân và cho Bác. Nhưng khi phên đan sắp đủ, do yêu cầu giữ bí mật, các ông được lệnh cùng Bác và Bộ Chính trị dời sang một địa điểm mới, vào sâu hơn trong núi rừng vẫn thuộc chiến khu Việt Bắc (Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn).
“Bác vẫn nhớ mình!”
"Trong suốt hơn ba năm ở, công tác và trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, chúng tôi đã ba lần dời địa điểm để đảm bảo bí mật và an toàn cho Bác Hồ và Chính phủ. Những ngày được bảo vệ Bác là những ngày hạnh phúc của cả đời người mà không bao giờ tôi quên bởi gần người ấm áp đến lạ thường", “Chú Kiệm” kể tiếp.
Tuy Người rất bận công việc quốc gia đại sự nhưng cũng không quên những người công nhân, bảo vệ... Năm 1952, ông Nhạ được điều về xây dựng căn cứ địa ở chiến khu Việt Bắc, không còn được trực tiếp làm việc và bảo vệ Bác Hồ. Đầu năm 1953, khi ông đang lao động trên công trường thì được Bác đến thăm. Trong lúc anh em công nhân vui mừng khôn xiết râm ran chào Bác, Người nói với cán bộ bảo vệ đi cùng: “Chú Kiệm đang làm việc trên đó kìa”. Xúc động trước chân tình của vị lãnh tụ, ông Nhạ chạy đến bên Bác.
"Một người công nhân, một chiến sĩ bảo vệ như tôi, xa Bác có dễ gần một năm, nay đến thăm công trường, Bác vẫn nhớ làm tôi vô cùng sung sướng vì vinh dự...", ông Nhạ bày tỏ.
Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
Thanh Huyền (st)