Đại tá, PGS. TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là con gái của cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Văn Huyên; khi còn ấu thơ đã nhận được sự thương yêu, quan tâm của Bác Hồ.

Ân tình của Bác

Lần đầu Nguyễn Kim Nữ Hiếu được gặp Bác là khi tiễn cha đi họp tại sân bay Gia Lâm, năm 1946. Hôm ấy, ông Nguyễn Văn Huyên cùng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang Pháp dự một hội nghị quan trọng. Tại sân bay, khi thấy bác Phạm Văn Đồng bế một cháu bé nhỏ tuổi, lại biết là “con gái của bố Huyên”, Bác rất vui và đã bế Hiếu một lúc. Dù cuộc gặp ngắn ngủi như vậy nhưng sau này, Bác rất nhớ và quan tâm đến Hiếu.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình đồng chí Nguyễn Văn Huyên tản cư lên Chiến khu Việt Bắc. Cô bé Hiếu mới bảy tuổi, do sống trong điều kiện thiếu thốn, thể chất lại hay đau yếu và mắc bệnh lao xương nên phải bó bột, không đi lại được. Bác Hồ gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trong cuộc họp, hỏi thăm mới biết chuyện nên rất quan tâm. Có lần Bác gửi tặng lọ cao quý để đồng chí Huyên mang về cho Hiếu bồi bổ. Biết Hiếu vẫn chơi đùa, học tập được, Bác động viên: “Vậy là bệnh của cháu không đáng lo đâu!”.

Một thời gian dài, Hiếu sống chung với một chân bị bó bột. Đi học, đi chơi đều phải nhờ người cõng. Bà Nữ Hiếu nhớ lại: “Đến cuối năm 1950, chân tôi được tháo bột, nhưng phải tập một thời gian dài mới đi lại được. Nhiều năm bị bó, da bị ăn mòn, chảy nước và hình thành các vết loét, mẹ phải đưa tôi ra sân phơi nắng và bôi dầu cá để chóng hồi phục".

rung rung 1
 Nữ sinh Nguyễn Kim Nữ Hiếu (hàng đầu, thứ tư, từ trái sang) cùng các bạn đón Bác Hồ ở Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Hà Nội, năm 1961.

Năm 1953, đã hoàn toàn lành bệnh, Hiếu được cùng Đoàn thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại Quế Lâm, Trung Quốc. Biết tin, Bác Hồ gửi tặng Nữ Hiếu một hộp sữa và một mảnh vải ka ki để may áo. Sau này, Hiếu cứ tiếc mãi vì đã làm mất mảnh vải ấy. Trên đường từ Việt Bắc về để chuẩn bị đi học, lúc giặt quần áo dưới suối, vô tình Hiếu đã để trôi...

Nhiều năm trôi qua, một lần được cùng một số thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi Thủ đô vào Phủ Chủ tịch để đón khách quốc tế, Hiếu lại được gặp Bác. Trong lúc chờ khách đến, trời mưa, cô và các bạn được đưa vào phòng khách ngồi chờ. Bác vào ân cần hỏi thăm từng bạn. Khi Hiếu giới thiệu “Cháu là con bố Huyên”, Bác đã nhận ra và hỏi: “Có phải cháu là Hiếu không?”. Bác đã dừng lại trò chuyện rất lâu với Hiếu. Khi Nữ Hiếu là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Y Dược Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội), cô lại được gặp Bác thêm một lần nữa trong Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế. Được chụp ảnh cùng Bác giữa hàng trăm sinh viên là niềm hạnh phúc mà Hiếu không thể nào quên.

Quyết tâm vào chiến trường

Từ thuở ấu thơ, bị bệnh, được mọi người chăm sóc đã hình thành ở Nữ Hiếu suy nghĩ muốn được học ngành y để trị bệnh cứu người. Đang học dở năm thứ sáu, tháng 5-1965, cô viết đơn tình nguyện tòng quân. Sau thời gian huấn luyện, Hiếu được phân công về Đội Điều trị 11. Một thời gian sau, đội được nhập về Viện Quân y 9 (nay là Bệnh viện Quân y 9) rồi về Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh, Nữ Hiếu quên cả ăn ngủ. Hai năm sau, cô được phân công về Khoa Cán bộ cao cấp. Đây là nơi thường xuyên đón và điều trị cho các chuyên gia nước ngoài sang giúp nước ta. Hiếu đã tự chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ để ghi các từ mới, mỗi khi đi khám bệnh lại cầm theo. Cô quyết tâm học thêm ngoại ngữ chứ không để sự bất đồng ngôn ngữ trở thành rào cản cứu chữa bệnh nhân của mình. Cũng năm ấy, Nữ Hiếu có hai đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.

Say mê nghiên cứu cũng là cơ duyên để năm 1971, Nữ Hiếu nên duyên với ông Nguyễn Lân Dũng (sau này là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân), khi đó là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông thường xuyên vào khoa của bà để thực hiện một công trình hợp tác nghiên cứu khoa học. Vừa cưới được 4 tháng, biết tin có thai cùng tin vào chiến trường, Nữ Hiếu đã giấu tổ chức để đi thực hiện nhiệm vụ với suy nghĩ: “Tuổi còn trẻ thì phải cống hiến. Bây giờ mình không đi chiến trường thì sau này không bao giờ đi được nữa!”.

Vậy là cô bác sĩ có thân hình nhỏ nhắn vẫn cùng mọi người đeo ba lô đầy... gạch ra đê sông Hồng để tập luyện. Nhưng vốn thể trạng yếu, lại đang mang thai, trên đường cùng đồng đội vào chiến trường, cô đã bị tụt lại phía sau vì không thể leo đồi, lội suối. “Đến Hướng Hóa, Quảng Trị, tôi bắt đầu bị nôn, không thể leo những đèo dốc dựng đứng. Bác sĩ Nguyễn Huy Phan, Trưởng đoàn (sau này là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) yêu cầu tôi ở lại trạm giao liên. Vậy là cùng với cô bạn đồng nghiệp Thúy Quỳnh, Nữ Hiếu quyết tâm tập luyện để có thể vượt Trường Sơn. Sáng sáng, hai nữ bác sĩ quân y vai mang ba lô nặng, chống gậy tập leo đèo, vượt dốc, leo lên cao rồi... nhìn xuống vực cho quen dần. Sau một thời gian rèn luyện, có đoàn vào chiến trường, Nữ Hiếu và Thúy Quỳnh xin đi theo.

 rung rung 2
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chăm sóc thương binh tại chiến trường, năm 1971.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Suốt thời gian ở chiến trường, dù ốm nghén mệt mỏi, Nữ Hiếu vẫn không chối từ một nhiệm vụ nào, vừa làm bác sĩ vừa làm y tá, hộ lý phục vụ thương binh, bệnh binh. Cho đến giờ, bà Nữ Hiếu vẫn không thể quên những lần túc trực bên giường bệnh để giành lại sự sống cho thương binh. Như lần cứu chữa cho một nữ dân công hỏa tuyến tên Thành bị sốt rét ác tính, hôn mê sâu. Suốt 20 ngày chị Thành hôn mê, Nữ Hiếu ở bên kiên trì áp dụng các biện pháp điều trị tích cực, chống phù não, đặt ống xông và chăm sóc, xoa bóp cho người bệnh. Nhờ sự cứu chữa tận tình của bác sĩ Hiếu mà chị Thành đã vượt qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục.

Năm tháng sau, khi cái thai đã sang tháng thứ bảy, Nữ Hiếu nhận nhiệm vụ đưa thương binh ra Bắc. Trở lại công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bà phấn đấu hết mình cho công tác chuyên môn. Từ Khoa Truyền nhiễm, bà chuyển sang làm Chủ nhiệm Khoa Nhi. Năm 1989, sau khi tự học tiếng Nga, bà thi đỗ để sang Ba Lan học chuyên ngành Quản lý bệnh viện rồi về làm Phó Giám đốc bệnh viện đến khi nghỉ hưu năm 2003. Giờ đây, ở tuổi 79, bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn mạnh khỏe và có trí tuệ minh mẫn. Hằng ngày, bà dành thời gian đọc sách và đóng góp ý kiến cho các công trình nghiên cứu khoa học, các đề tài, luận án của cán bộ, học viên các trường y./.

Thủy Tiên

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: