Đầu năm 1966, GS. Nguyễn Đình Ngọc để vợ và con trai ở lại Paris, một mình về nước. Vậy là ông đã có 10 năm sống, du học thành tài ở xứ người, giờ đây mới thực sự bắt đầu công việc của một điệp viên hoạt động đơn tuyến trong vỏ bọc giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn.

10 năm ở Pháp, ông có 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ nhà nước (tương đương tiến sĩ khoa học) về Toán học. Ông là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học ở Pháp và từng làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp (IHES). Ở đó, ông có người bạn thân là thiên tài toán học A.Grothendieck (người được nhận Huy chương Fields năm 1966). Sau này, chính vì yêu Việt Nam và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Grothendieck đã đến Việt Nam giảng bài cho sinh viên ở khu sơ tán, khi trên trời máy bay Mỹ lồng lộn trút bom. Nhà toán học Pháp gốc Do Thái này còn đến tận nhà Nguyễn Đình Ngọc ở Hà Nội để trao cho mẹ ông chiếc đài bán dẫn nhỏ của con trai gửi tặng. Vì ngôn ngữ bất đồng, hai người chỉ thể hiện bằng ánh mắt tin cậy và nụ cười thân thiện trong lúc gặp gỡ.


khoanh khac cua gs lap di 1
Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc nhận bó hoa chúc mừng nhân dịp 70 tuổi
 (năm 2002). Ảnh: PHẠM QUANG.

Người chỉ huy trực tiếp GS Nguyễn Đình Ngọc ở Sài Gòn ngày ấy là ông Hai Tân, tức Nguyễn Phước Tân (sau ngày nước nhà thống nhất, ông Hai Tân là Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Anh hùng LLVT nhân dân). Nhiệm vụ của GS Ngọc khi trở về Sài Gòn là bắt mối với các chính khách cùng tướng tá Mỹ, ngụy để “moi” tin tình báo. Những công trình nghiên cứu ở Pháp đăng trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực Tô pô hình học đã chứng minh ông là một nhà toán học tầm cỡ; còn trong suốt gần 10 năm hoạt động trong lòng địch, ông trở thành nhà tình báo chiến lược, cung cấp cho cấp trên nhiều tin tức quan trọng. Nghề tình báo đòi hỏi sự hy sinh thầm lặng, thậm chí có lúc còn phải nhận cả sự hiểu lầm. Có thể vì thế mà vị giáo sư của chúng ta đã mắc “bệnh nghề nghiệp”, ngay cả trong thời bình, khi đã ra công khai cũng không lúc nào ông hé lộ chút thông tin gì về bản thân. Chỉ đến khi ông qua đời năm 2004, những chiến công của ông mới được làm rõ. Ngày đó, người chỉ huy trực tiếp của ông là Trung tướng Hai Tân, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Công an nhân dân đã chỉ ra những chiến công có tầm chiến lược của điệp viên đơn tuyến Nguyễn Đình Ngọc. Đó là vào đầu năm 1970, GS Nguyễn Đình Ngọc đã báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục miền Nam kịp thời sơ tán an toàn, tránh được một cuộc hành quân càn quét lớn của Mỹ-ngụy vào căn cứ ở “vùng lõm”; báo trước cuộc đảo chính của Lon Nol-Sirik Matak lật đổ Sihanouk và chính phủ mới thân Mỹ sẽ không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng “nhờ” trên đất Campuchia; báo trước 24 giờ cho Bộ chỉ huy tối cao rằng quân đội Mỹ sẽ không quay trở lại giúp ngụy quyền Sài Gòn khi ta tổng tiến công vào hang ổ cuối cùng của chúng trong mùa Xuân 1975...

Trong những năm tháng ở Đại học Khoa học Sài Gòn, GS Nguyễn Đình Ngọc có cách sống khác người. Ông mặc xuềnh xoàng và hầu như bốn mùa chỉ xỏ chân vào đôi giày da cao cổ. Phương tiện đi làm việc hằng ngày của ông là chiếc xe đạp “tòng tọc”.

khoanh khac cua gs lap di 2
Các giảng viên Khoa Toán, Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1972. Trong ảnh: GS Nguyễn Đình Ngọc ngồi giữa, bế một em nhỏ. Ảnh tư liệu.

Cả ngày ông ăn có một bữa chiều và khi ngủ, ông không nằm giường mà nằm trên những tờ báo được trải ở sàn nhà trong một căn hộ nhỏ lèn toàn sách chuyên môn... Bởi thế, các đồng nghiệp ở trường mới đặt cho ông cái hỗn danh “giáo sư lập dị”. Nhiều người lầm tưởng GS Nguyễn Đình Ngọc không quan tâm đến thời cuộc, chính trị mà chỉ đơn thuần làm chuyên môn. Nhưng đến một lần, vào đầu tháng 9-1969, trong một cuộc họp của Hội đồng Khoa Toán, giáo sư bỗng nhiên bộc lộ chính kiến của mình. Câu chuyện thế này:

Trong những ngày đó, đài báo trong nước và thế giới đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng và qua đời, có tờ báo của ngụy quyền Sài Gòn là tờ Tiếng Dân còn dành hẳn mấy trang chuyên đề để viết cho “người vừa nằm xuống”. Hôm đó, theo lệ thường, ông trưởng khoa sẽ có mấy lời mở đầu để các thầy cùng bàn việc chuyên môn. Bỗng dưng, một người nhỏ nhắn, gương mặt trắng trẻo, thanh tú đứng dậy trịnh trọng lên tiếng trước: “Hôm nay, một vĩ nhân vừa từ trần, tôi đề nghị mọi người dành một phút mặc niệm!”. Cả phòng họp thoáng chút ngỡ ngàng, rồi không ai bảo ai đều đứng dậy, cúi đầu. Sau phút mặc niệm, mọi người ngồi xuống và nhìn về phía người vừa phát ra cái “mệnh lệnh” ấy: GS Nguyễn Đình Ngọc. Câu chuyện sau đó lan ra toàn trường với những bàn tán và tranh luận khá rôm rả. GS Ngọc giờ mới tỏ rõ là người có khuynh hướng thiên tả!

Sau lần Khoa Toán bất ngờ làm lễ mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dư luận có dậy sóng, sau đó mọi việc lại diễn ra bình thường. Không thấy ban giám hiệu gọi “giáo sư lập dị” lên để nhắc nhở, cũng không biết sau sự việc ấy, cơ quan an ninh của ngụy quyền Sài Gòn có đặt thêm dấu hỏi về con người thật của ông không. Còn vị giáo sư của chúng ta vẫn tiến hành các công việc thường nhật như cũ, đều đặn lên lớp hoặc đi thỉnh giảng ở các trường đại học phía Nam. Sau ngày nước nhà thống nhất, câu chuyện này còn được chính các giáo sư của Đại học Khoa học Sài Gòn kể lại và nhiều người trong số họ đến lúc ấy mới biết, người đồng nghiệp lập dị đã thôi công việc giảng dạy ở trường và... đeo hàm tướng công an./.

Phạm Quang Đẩu

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: