Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “trồng cây” và “trồng người” đều quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”1, nên luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (thanh niên, thiếu niên, nhi đồng). Vì thế, cùng với việc chăm lo, phát triển phong trào “trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chiến lược “trồng người”; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ đó đều rất quan trọng, có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày 28/11/1959, dưới bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số 2082. Mùa xuân Canh Tý 1960 Bác đến Công viên Thống Nhất tham gia cùng nhân dân Thủ đô trồng cây chính thức khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”, tạo thành một mỹ tục đẹp của dân tộc ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó trở đi, mỗi khi mùa xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác. Không ai quên được lời thơ của Bác:
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”2
Để có được phong trào, truyền thống trồng cây Bác đã phải dày công tổ chức, chỉ đạo, gây dựng, trở thành bài học rất quý báu đáng suy nghĩ với hoạt động cách mạng. Không chỉ phát động Tết trồng cây, Người thường xuyên chỉ đạo cán bộ các cấp cần xây dựng kế hoạch trồng cây sớm, “phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu: Phải trồng cây hiệu quả, “cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy” và trồng cây rồi thì phải chăm sóc cây để cây sống và tươi tốt, vì “trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích”3. Thống nhất giữa nói và làm, gương mẫu làm trước, cứ mỗi dịp xuân về, dù bộn bề việc nước và sức khỏe thế nào, Người cũng nêu gương trong trồng và chăm sóc cây. Sáng ngày 11/01/1960, trong không khí “Tết trồng cây” đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân, Người đã cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta”. Năm 1961, Người cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh Niên. Ngày 3/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng Người vẫn đến trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì.
Thông qua “Tết trồng cây”, hình thành nét đẹp văn hóa, giáo dục đạo đức lao động, tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt. Vì thế, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Người thường viết báo nhắc nhở việc thực hiện “Tết trồng cây”; đồng thời, dành thời gian đi thăm và tham gia trồng cây cùng nhân dân ở các địa phương, để kịp thời động viên và biểu dương những địa phương, tập thể, cá nhân trồng cây tốt, nhắc nhở những nơi chưa làm tốt việc tổ chức trồng cây. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân cả nước và từ nhiều năm nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống được bao thế hệ người Việt Nam trân trọng, giữ gìn.
Trong lãnh đạo cách mạng, “trồng người” với ý nghĩa là xây dựng con người tốt đẹp nói chung và xây dựng cán bộ, đảng viên xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng chân chính, thì đó là việc suốt đời Người chăm lo. Người căn dặn:
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”4
Bằng những từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu, Bác Hồ đã thể hiện tư tưởng, quan điểm rất mới lạ. Đó là tư tưởng “trồng cây” đi đôi với quan điểm “trồng người”, thống nhất cả hình thức và nội dung, thể hiện được nhân sinh quan cách mạng triệt để của Người. Bác có cách nói, cách so sánh rất hữu ý. Trước hết, nói về cách so sánh, liên tưởng trong câu nói này của Bác. Ai cũng biết muốn trồng cây có kết quả thì phải chọn được giống tốt, đất tốt, phải quan tâm chăm sóc, nhưng sự chăm sóc cũng phải đúng cách và khoa học, thì cây mới sinh trưởng tốt được. Việc trồng người cũng như vậy; nó là cả một quá trình và liên quan đến nhiều yếu tố như môi trường, phương pháp giáo dục v.v... Tâm huyết với chiến lược “trồng người” và coi đó là một việc rất quan trọng và rất cần thiết đối với Đảng cầm quyền, Người căn dặn trong Di chúc: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Đó chính là kế sách lớn cho sự phát triển, là một trong những giá trị mang tính nhân văn sâu sắc, còn nguyên vẹn giá trị trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân ta đang ra sức triển khai, tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, để có được thế hệ tương lai đủ đức, đủ tài gánh vác trọng trách lớn, đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ hằng mong ước, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta là phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, đó là những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, tức là có đức và có tài, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng, là yếu tố căn cốt của con người mới và là nhân tố thể hiện sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Đó chính là sự nghiệp “trồng người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà ngày nay Đảng, Nhà nước, những người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục phải kế thừa, phát triển. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, thì nhiệm vụ “trồng người” là cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 Đảng ta đã dành riêng một mục nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục đào tạo đối với sự phát triển của đất nước.
Quan điểm “trồng cây” và “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện truyền thống văn hóa Việt Nam được giữ gìn và bồi đắp suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Tết trồng cây đã trải qua hơn 60 năm và trở thành mỹ tục trong Nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Và năm tháng qua đi nhưng lời Bác Hồ căn dặn “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người” vẫn còn nguyên giá trị. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ hôm nay. Bên cạnh đó, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mộc mạc mà vô cùng sâu sắc và đầy sáng tạo. Tư tưởng ấy giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, việc luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân tố con người và lấy đó làm điểm tựa vững chắc là điều kiện để chúng ta đưa sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thắng lợi.
Kim Anh
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.4, tr.194.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.251
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.227, 336-337, 337.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.528