Đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp toàn quân, cần có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.
Đội ngũ sĩ quan trẻ là lực lượng “rường cột” kế tục sự nghiệp cách mạng trong Quân đội, hay nói cách khác, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ này. Đảng ta đã chỉ rõ, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “giặc nội xâm” đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đội ngũ sĩ quan trẻ, ít nhiều cũng có những biểu hiện suy thoái như Đảng ta đã chỉ ra. Tuy nhiên, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ thường hay biểu hiện trước và có khả năng làm trầm trọng suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi, họ là thế hệ trẻ, đang cần tiếp tục được rèn luyện về nhân cách. Đạo đức, lối sống là điều căn bản, gốc của nhân cách mà bị suy thoái, thì khi đó con người cũng dễ đánh mất mình. Khi giá trị làm người đã không giữ được thì sĩ quan trẻ rất dễ ngả nghiêng, dao động về lập trường tư tưởng và bị dụ dỗ, mua chuộc, từ đó suy thoái, biến chất là điều khó tránh khỏi.
Suy thoái về đạo đức, lối sống của sĩ quan trẻ là trạng thái suy giảm và sa sút dần về phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống, lệch lạc trong nhận thức và thực hành các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối sống, không tương xứng với chuẩn mực, yêu cầu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”. Biểu hiện sự suy thoái của đội ngũ cán bộ này cũng là những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra, nhưng thường biểu hiện và có nguy cơ trầm trọng hơn ở những mặt, như: sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của đồng đội, háo danh, thổi phồng thành tích, che dấu khuyết điểm, “chạy chức”, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, quân phiệt, quan liêu, thiếu sâu sát đơn vị, lười biếng, ngại khổ, ngại khó, ngại rèn luyện, v.v.
Đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cấp bách bởi vì sự suy thoái này làm hư hỏng đội ngũ sĩ quan trẻ, từ đó làm cho hoạt động của bộ máy chỉ huy, tổ chức đảng trong Quân đội suy yếu: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”1. Đây cũng là vấn đề lâu dài, bởi vì không phải làm một lần là xong. Và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của sĩ quan trẻ là việc làm thường xuyên, như “rửa mặt” hàng ngày. Hơn nữa, đấu tranh với những hư hỏng, suy thoái trong mỗi con người có lúc còn khó hơn chống giặc ngoại xâm, vì nó là kẻ thù vô hình ở trong chính bản thân mỗi chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”2. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, đối với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ những giá trị gần gũi, như: Việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tiền bạc, lợi ích kinh tế có sức thu hút và quan tâm hàng đầu, đôi khi còn trên cả các giá trị tinh thần. Những mặt trái của nó đã, đang làm giới trẻ, trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ có xu hướng quá đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị đạo đức, tinh thần. Những tiêu cực đó làm cho lối sống tự do cá nhân cực đoan, thực dụng, thích hưởng thụ vượt quá khả năng bảo đảm của gia đình, xã hội ngày càng nảy nở. Đội ngũ sĩ quan trẻ, nếu không nghiêm túc rèn luyện đạo đức, lối sống sẽ rất dễ bị những tác động tiêu cực trên chi phối. Để chủ động đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ sĩ quan trẻ, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ. Đây là một trong những nội dung cơ bản của công tác bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, trong thực tế đôi khi vì quá nhấn mạnh yêu cầu về năng lực chuyên môn của đội ngũ sĩ quan trẻ mà công tác giáo dục đạo đức, lối sống chưa được coi trọng đúng mức, đặc biệt là lĩnh vực thực hành đạo đức. Việc thực hành đạo đức, lối sống chuẩn mực đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ phải tự nguyện, tự giác chứ không chỉ xuất phát bằng mệnh lệnh. Khi đạo đức, lối sống của sĩ quan trẻ đạt tới chuẩn mực, thì suy nghĩ, lời nói và hành động luôn thống nhất với nhau; luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; hết lòng, hết sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, những phẩm chất này không phải lúc nào cũng tự nhiên, có sẵn mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện; do đó, thực hiện tốt giải pháp này càng có ý nghĩa quan trọng. Để đạt hiệu quả trong giáo dục, lãnh đạo, chỉ huy mỗi đơn vị phải xây dựng được môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh để tạo dư luận tích cực trong đấu tranh, phê phán những hành vi đạo đức, lối sống thiếu chuẩn mực của đội ngũ sĩ quan trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; bởi, nó là kẻ thù của đạo đức cách mạng, là căn nguyên của sự suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ sĩ quan trẻ. Do đó, cần phải thường xuyên, kiên trì lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tấm gương tích cực để cổ vũ, lan tỏa những hành vi đạo đức, lối sống chuẩn mực.
Hai là, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình. Đây là vũ khí sắc bén, nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Khéo sử dụng tự phê bình và phê bình là phương cách tốt nhất để rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ. Tuy nhiên, đó là vấn đề liên quan đến phẩm chất, nhân cách và lợi ích của con người nên rất nhạy cảm, dễ làm tổn thương đồng chí, đồng đội. Thậm chí, trong thực tiễn, có một số người còn bao biện, cho rằng, tự phê bình và phê bình là cần thiết, nhưng nên “nhẹ nhàng”, “nhân văn”, thông cảm, “vuốt ve nhau”, bởi ai chẳng có lúc va vấp,… nên dễ dàng cho qua những sai lầm, vi phạm đạo đức, lối sống của đồng đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”3. Đại đa số sĩ quan trẻ được sinh hoạt, rèn luyện trong các tổ chức đảng. Vì vậy, thường xuyên, kiên trì thông qua tự phê bình và phê bình thẳng thắn, trung thực là phương cách tốt nhất để đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ này. Tự phê bình và phê bình trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ chỉ có hiệu lực, hiệu quả khi cấp trên, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cấp ủy các cấp tự giác nêu gương về đạo đức, lối sống. Nếu người đứng đầu và cấp ủy không gương mẫu, không đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết thì tự phê bình và phê bình dễ bị biến tướng trở thành nơi nịnh bợ cấp trên, “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để trù dập, hạ bệ lẫn nhau.
Ba là, làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ sĩ quan trẻ. Với ưu điểm được đào tạo cơ bản, nhanh nhạy với sự phát triển khoa học, kỹ thuật và trong tương lai nhiều sĩ quan trẻ sẽ tiếp tục trưởng thành, nắm giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy cao cấp trong Quân đội. Do đó, thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho đội ngũ sĩ quan trẻ. Cương quyết không bổ nhiệm sĩ quan trẻ có biểu hiện suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là suy thoái về đạo đức, lối sống lên vị trí cao hơn.
Về cơ bản, đội ngũ sĩ quan trẻ có khát vọng cống hiến, năng nổ, nhiệt tình công tác. Thực hiện tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ sĩ quan trẻ chính là động lực cơ bản, quan trọng để họ phấn đấu, cống hiến và tự rèn luyện đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, do tuổi đời còn trẻ, chưa trải qua nhiều gian khổ, nên khi gặp khó khăn, một bộ phận dễ nản chí. Do đó, cần phải tiếp tục rèn luyện, thử thách đạo đức, lối sống của đội ngũ này. Kịp thời đề xuất quy hoạch, tạo điều kiện phát triển cho sĩ quan trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, có cơ chế, biện pháp bảo vệ sĩ quan trẻ dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong công tác.
Bốn là, thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát đội ngũ sĩ quan trẻ. Đây là nội dung rất quan trọng, xuyên suốt trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống đối với đội ngũ sĩ quan trẻ; bởi nó thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chỉ huy các cấp, lấy phòng ngừa là chính. Khi chủ động phát hiện, ngăn ngừa hành vi suy thoái đạo đức, lối sống sẽ góp phần hạn chế tổn thất, ngăn ngừa sự suy thoái của đội ngũ sĩ quan trẻ khi sự vi phạm còn nhỏ, mới hình thành. Quá trình kiểm tra, giám sát cần gắn việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan trẻ với cam kết của bản thân trong chấp hành kỷ luật, quy định về cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như thực hiện chỉ tiêu các phong trào thi đua của Quân đội và đơn vị. Khi phát hiện, sĩ quan trẻ có biểu hiện suy thoái và vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cần xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tuyệt đối không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm. Đó cũng là biện pháp để chủ động ngăn ngừa đẩy lùi sự suy thoái từ sớm, từ xa, đưa hoạt động xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào thực chất, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, tổng hợp nhiều biện pháp. Quá trình đó, đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ và cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đặc biệt là phòng, chống sự suy thoái đạo đức, lối sống. Khi giữ được đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh thì những khuyết điểm, sự suy thoái khác sẽ ít dần đi.
Thiếu tướng, PGS, TS. Kim Ngọc Đại,
Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Thi (st)
__________________
- Văn phòng Trung ương Đảng - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), H. 2016, tr. 144.
- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 46 - 47.
- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 273.