Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Người đã xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tư tưởng thêm bạn bớt thù, đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ truyền thống giàu lòng đồng tình và bác ái của dân tộc ta:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Từ quan niệm đạo đức quý báu đó, Người đã đúc kết thành một chân lý vĩ đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”(1).
Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng và là mục tiêu đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là người nắm vận mệnh của đất nước, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng và là mục tiêu đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh to lớn của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được. Mỗi khi đất nước đứng trước những hiểm họa xâm lăng, Người kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết lại thành một khối thống nhất để đấu tranh giải phóng dân tộc vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập tự do.
Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Người khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. Trong Thư gửi đồng bào Nam bộ, Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc...có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”(2).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân, trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân bao gồm công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Người coi đó là nền, là gốc của đại đoàn kết. Người chủ trương đoàn kết lâu dài và rộng rãi, vì vậy, đoàn kết phải trở thành chính sách chiến lược của Đảng và Nhà nước. Người xác định mục đích của đoàn kết là để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, vì vậy trong nhân dân hễ ai có tài, có đức, có lòng thì ta đoàn kết với họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, trong chính sách đoàn kết toàn dân phải chống hai khuynh hướng sai lầm: Cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Đồng thời Người cũng chỉ rõ: Phải luôn củng cố khối đoàn kết theo phương châm lấy công tác mà củng cố đoàn kết, lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác.
Nhận thấy nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các hình thức tốt nhất để tổ chức lực lượng của nhân dân như thành lập các mặt trận: Việt Minh, Liên Việt, Dân tộc thống nhất, Tổ quốc Việt Nam... nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng thành khối đoàn kết toàn dân tộc. Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân thuộc các đảng phái, các đoàn thể trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ nhau phấn đấu hoàn thành sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Người nêu ra bốn mục đích của Mặt trận đoàn kết dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Theo Người, muốn thống nhất phải có hòa bình, muốn độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc, như một năm có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, không thể tách rời nhau. Cương lĩnh của mặt trận đoàn kết phải là ngọn cờ tập hợp các lực lược cách mạng, trong đó Đảng là người lãnh đạo mặt trận và là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Tư tưởng của các thành viên trong mặt trận phải đoàn kết với nhau chân thành, không đoàn kết ngoài miệng mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết thực sự với thái độ thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm, thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ.
Khối đoàn kết toàn dân được xây dựng từ mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc, các tôn giáo, mối liên hệ quân - dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nước ta là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy Người kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán,…phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc.
Đối với các thành phần tôn giáo, Chủ tịch Hồ chí Minh rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào vì đó là điều thiêng liêng trong sâu thẳm tâm linh mỗi con người, là quyền lợi chính đáng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Người đánh giá cao công lao đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Người nhắc nhở đồng bào Phật giáo phải đoàn kết, đóng góp sức lực và tiền của để đánh đuổi thực dân, cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, làm theo lòng từ bi của đạo Phật. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Người mong muốn các hòa thượng tăng ni và Phật tử tích cực thực hiện tinh thần từ bi vô ngã vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc.
Trong thư gửi đồng bào công giáo ngày 14/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà ta đang đứng trước một tình thế rất nghiêm trọng. Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn chính là ở trong lúc này. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(3). Thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào Thiên chúa giáo là phần xác ấm no, phần hồn thong dong cho nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng sẽ giải phóng trọn vẹn cho người dân công giáo cả về phương diện chính trị và tôn giáo. Người tin tưởng rằng, khi lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hào bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tình đoàn kết giữa nhân dân và quân đội trở thành sức mạnh vô cùng to lớn.Trong bài Quân đội nhân dân đăng Báo Nhân Dân ngày 24/12/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân và dân đoàn kết thành một khối vững chắc, cùng nhau mạnh mẽ tiến lên, thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, nhất định thành công trong sự nghiệp thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ cả nước”(4).
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Quân dân đoàn kết là đường thành công.
Đối với đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm sâu sắc. Người khen ngợi, khích lệ sự đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Người hiểu rằng, kiều bào ta tuy ở đất khách quê người nhưng lòng luôn hướng về Tổ quốc. Người khuyên kiều bào khi về nước cần góp tài góp sức vào công cuộc xây dựng nước nhà. Trong thư gửi kiều bào Việt Nam ở Pháp ngày 12/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào:
1. Phải triệt để đoàn kết…
4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”(5).
Đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết toàn dân trở thành một trong những quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Từ khi ra đời đến nay chính sách này đã không ngừng được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với sự vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Nhờ đó mà chúng ta đã vượt qua bao khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù của dân tộc, vững vàng tiến bước ngay cả trong những thời điểm thế giới có những diễn biến phức tạp.
Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua Đảng ta đã không ngừng xây dựng củng cố tình đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân. Từ khi bước sang giai đoạn đổi mới đất nước Đảng ta đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn giá trị tư tưởng đại đoàn kết toàn dân. Điều đó được thể hiện nhất quán trong các chủ trương chính sách đổi mới trên cơ sở thống nhất về chính trị tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, giải quyết hợp lý lợi ích kinh tế giữa các thành phần kinh tế xã hội, huy động được sức lực trí tuệ toàn dân để xây dựng đất nước.
Về giá trị lý luận cũng như thực tiễn, đại đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi người dân Việt Nam phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện một cách triệt để trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Huyền Trang (st)
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập XIII, tr.120.
(2) sđd, tập IV, tr.280-281.
(3) sđd, tập IV, tr.55.
(4) sđd, tập X, tr.225.
(5) sđd, tập IV, tr.332