Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực theo hướng ngày càng thống nhất, minh bạch hơn. Những thành tựu đạt được trong công tác lập pháp, lập quy đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy hệ thống pháp luật nước ta còn rất phức tạp, rất khó tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác do các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, cá biệt có văn bản trong một thời gian ngắn được sửa đổi, bổ sung tới 2-3 lần(Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, được sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 2004 và năm 2005). Điều này dẫn đến một thực trạng là trong một văn bản quy phạm pháp luật có thể chứa đựng cả những quy định còn hiệu lực và những quy định đã hết hiệu lực; các quy định còn hiệu lực điều chỉnh về một vấn đề, nhưng lại nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.         

Trước những khó khăn trong thực tiễn áp dụng và thi hành pháp luật, Điều 92 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã có quy định cụ thể về việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, góp phần đơn giản hóa hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng, thi hành văn bản, ngày 23/2/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2012). Việc ban hành Pháp lệnh này cũng là bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng hệ thống pháp luật đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Từ thực tiễn thi hành pháp luật, trước tính cấp thiết phải hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực (Kế hoạch số: 63/QĐ-TTg).

 Kế hoạch bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2012, kết thúc vào tháng 7/2014. Cụ thể, đến tháng 1/2013, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc rà soát, lập Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần hợp nhất.

Từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2014, tổ chức hợp nhất văn bản

Việc tổ chức hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện từ tháng 1/2013 – 3/2014 theo trình tự sau:

1. Tiến hành thực hiện hợp nhất: Đơn vị được phân công tổ chức thực hiện việc hợp nhất văn bản theo kỹ thuật hợp nhất văn bản quy định tại Chương III của Pháp lệnh.

2. Kiểm tra tính chính xác về nội dung và kỹ thuật hợp nhất của dự thảo văn bản hợp nhất: Dự thảo văn bản hợp nhất được gửi đến tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để kiểm tra tính chính xác sau khi hoàn thành việc hợp nhất văn bản.

3. Ký xác thực văn bản hợp nhất: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ký xác thực văn bản hợp nhất sau khi kiểm tra xong tính chính xác của dự thảo văn bản hợp nhất. 

4. Đăng tải văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử và trang thông tin điện tử.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện hợp nhất văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực của cơ quan mình trước ngày 30/4/2014.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực, đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch. Bộ Tư pháp cũng là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc hợp nhất, kiến nghị xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất.

Để thực hiện Kế hoạch của Chính phủ về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng giới thiệu Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản liên quan bao gồm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12; Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch số 63/QĐ-TTg ngày 7/1/2013, của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc loại “Văn bản hợp nhất”.

 Văn bản thuộc loại “Văn bản hợp nhất”

1. Văn bản hợp nhất 01/NĐHN-BYT

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược.

Ban hành: 17/01/2013 có Hiệu lực: 14/02/2013

2. Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH

Hợp nhất pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Ban hành: 30/07/2012 có Hiệu lực: 30/07/2012

3. Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật tổ chức Quốc hội.

Ban hành: 07/08/2012 có Hiệu lực: 07/08/2012

4. Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.

Ban hành: 12/09/2012 có Hiệu lực: 12/03/2013

5. Văn bản hợp nhất 04/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ban hành: 12/09/2012

6. Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Thi đua, khen thưởng.

Ban hành: 13/09/2012

7. Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH

Hợp nhất Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Ban hành: 29/10/2012 có Hiệu lực: 01/01/2013

8. Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Điện lực.

Ban hành: 12/12/2012 có Hiệu lực: 01/07/2013

9. Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ban hành: 12/12/2012 có Hiệu lực: 01/07/2013

10. Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Quản lý thuế.

Ban hành: 12/12/2012 có Hiệu lực: 01/07/2013

11. Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ban hành: 12/12/2012 có Hiệu lực: 01/02/2013

12. Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Nghĩa vụ quân sự.

Ban hành: 12/12/2012.

13. Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH

Hợp nhất Luật Luật sư.

Ban hành: 12/12/2012 có Hiệu lực: 12/12/2012

                                                                                                Kim Yến 

Bài viết khác: