Gần 1/4 thế kỷ nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và Bác Hồ, Giáo sư (GS) Nguyễn Đài Trang, kiều bào Canada đã cho ra mắt 5 cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều ngôn ngữ. Các tác phẩm của chị đã đưa hình ảnh Bác Hồ gần gũi hơn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới.

Làm sáng tỏ con người nhân văn của Bác

GS Nguyễn Đài Trang sinh năm 1970 ở Huế, định cư tại Canada từ năm 1990. Chị từng học đại học tại Montréal, học thạc sĩ và tiến sĩ tại Vancouver, từng là giảng viên ngành Chính trị học tại Đại học Toronto, Canada. Hiện nay, chị là Chủ tịch Hội Canada - ASEAN, Đại học York (Toronto, Canada). Có thể nói, GS Nguyễn Đài Trang là người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên viết và xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói về lý do chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho việc nghiên cứu và viết sách, chị chia sẻ: “Từ lâu, tôi luôn tâm niệm và mong muốn làm rõ quá trình lịch sử của dân tộc mình. Vì vậy, tôi đọc nhiều sách về khoa học phát triển, trong đó có nhiều sách nói về chiến tranh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi định cư tại Canada, tôi nhận ra rằng, báo chí phương Tây và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều quan điểm khác nhau về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhiều năm qua, tôi đã đi tìm câu trả lời qua việc nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy lịch sử và nhân văn. Từ đó, tôi hiểu rõ hơn về Việt Nam và con người Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

hinh anh bac ho 1
Giáo sư Nguyễn Đài Trang cùng hai họa sĩ Canada vẽ tranh Bác Hồ.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Bác Hồ, GS Nguyễn Đài Trang nhận thấy thông tin về Bác ở nước ngoài không đầy đủ, chính xác. Vì vậy, chị quyết định viết sách để bạn bè thế giới hiểu hơn về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. “Bác Hồ là người của thế giới. Người đã kinh qua 28 nước trong vòng 30 năm. Do đó, để nghiên cứu được di sản của Bác cần rất nhiều công sức. Việc kết hợp lý thuyết phương Tây và nguồn thông tin gốc như bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” sẽ đem lại những cách tiếp cận mới”, GS Nguyễn Đài Trang chia sẻ.

Cuốn sách đầu tiên của GS Nguyễn Đài Trang viết về Bác với tiêu đề “Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước” ra đời vào tháng 5-2010 (tiếng Anh và tiếng Việt) đúng dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người. 3 năm sau, chị cho ra mắt bạn đọc cuốn sách thứ hai với tựa đề “Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Tây Ban Nha. Được biết, hai cuốn sách này đã có nhiều tác động tích cực đến chính giới, nhân dân Canada và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cung cấp cho bạn đọc cách nhìn, đánh giá, cảm nhận riêng của một trí thức Việt kiều về Bác Hồ kính yêu.

Năm 2018, GS Nguyễn Đài Trang ra mắt bạn đọc cuốn sách "Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới". Nói về ý tưởng viết cuốn sách thứ 3 này, GS Nguyễn Đài Trang cho biết, đa số các bài viết nguyên bản của Bác Hồ trong các cuốn sách đều nói về chủ đề kháng chiến, trong khi các vấn đề khác như phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, dân chủ, bảo vệ môi trường, bình đẳng nam nữ... thì ít được nhắc tới. Vì thế, chị đã đọc lại toàn bộ bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” theo 3 chủ đề chính: Hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới, đồng thời so sánh với các bài viết đã được xuất bản ở nước ngoài bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Chị đã chọn 25 thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hoa Kỳ và các nước trên thế giới từ năm 1919 đến 1969, trong đó có thư gửi Thủ tướng Canada Lester Pearson năm 1966; 25 bài viết về hòa bình, trong đó có thư gửi Giáo hoàng Paulus VI và GS Linus Pauling - người đoạt giải Nobel Hòa bình; 25 bài viết về dân chủ và 25 bài viết về bình đẳng giới. Trong số 100 bài này, chỉ có khoảng 30 bài đã được thế giới biết đến. Khi giới thiệu mỗi phần 25 bài, chị trình bày cụ thể để độc giả có thể hình dung bối cảnh của Việt Nam trong các chủ đề này. “Điều tâm đắc nhất của tôi trong việc viết cuốn sách trên là được làm sáng tỏ con người nhân văn của Bác qua việc giới thiệu các bài viết nguyên bản về 3 đề tài mà thế giới hầu như chưa được biết đến. Ví dụ, về hòa bình, bức thư Bác gửi bà Chossis ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp năm 1946 cho thấy thiện chí của Bác, mà lại bị phương Tây xuyên tạc nên tôi hy vọng từ đây sẽ được làm sáng tỏ”, chị chia sẻ. Điều tâm đắc thứ hai, theo vị nữ GS này, là chị đã góp phần làm rõ lịch sử Việt Nam, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu sự thật và tự hào về lịch sử dân tộc mình, như Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta”.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2020), GS Nguyễn Đài Trang đã ra mắt cuốn e-book (sách điện tử) “Bài ca Hồ Chí Minh” gồm 25 bài hát (dịch sang tiếng Anh), trong đó có 5 bài do người Mỹ, Anh, Nga, Chile, Venezuela sáng tác. GS Luis Silva, Chủ tịch Ban Quản trị sân hockey McCormick ở Toronto, người hiệu đính cuốn e-book cho biết, qua cuốn sách này, ông đã nhìn thấy ở Hồ Chí Minh một tâm hồn trong sáng, một người bình thường nhưng làm được những việc phi thường.

Năm 2020, khi Phong trào “Black Lives Matter” (tạm dịch: Người da màu đáng được sống) bùng nổ ở nhiều nơi sau cái chết của công dân Mỹ da màu George Floyd, GS Nguyễn Đài Trang đã đọc lại các bài viết của Bác về châu Phi hồi đầu thập niên 1920, nhất là cuốn “Chủng tộc da đen” mà Bác viết năm 1925, và các bài viết năm 1960 về mối liên quan giữa phong trào đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chị bày tỏ sự xúc động khi nhận ra rằng những gì Bác viết cách đây 100 năm vẫn mang tính thời sự. Vì thế, cuốn sách thứ 5 với tên gọi “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” ra đời vào đầu tháng 2-2021 tại Canada. Cuốn sách được nhiều bạn đọc nước ngoài quan tâm và thán phục vì đề tài mang tính thời sự. Nhiều độc giả cho biết, thông qua cuốn sách, họ thấy được tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận ra vai trò quan trọng của Bác trong phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước châu Phi, cũng như tình hữu nghị mà các hội đoàn người Mỹ gốc Phi, các tổ chức chống chiến tranh của Mỹ và Canada dành cho Bác. “Mỗi cuốn sách đều mang lại cho tôi một tâm đắc riêng. Thông điệp chung của những cuốn sách là giới thiệu đến bạn bè trên thế giới về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc”, GS Nguyễn Đài Trang chia sẻ.

Để độc giả thế giới hiểu đúng về Bác Hồ

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu tư liệu, nhưng thật may mắn, GS Nguyễn Đài Trang đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của bạn bè. Khi biết chị âm thầm sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về Bác Hồ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cả đồng nghiệp tại Canada cũng như Việt Nam đều nhiệt thành ủng hộ, đồng hành với chị.

Hơn một thập kỷ làm việc không ngừng nghỉ để cho ra mắt độc giả 5 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng điều mà GS Nguyễn Đài Trang trăn trở là làm thế nào đưa hình ảnh của Bác đến gần hơn với độc giả trên khắp thế giới. “Tôi lớn lên khi đất nước mới trải qua chiến tranh và còn nghèo khó. Bây giờ sống ở nước ngoài nên tôi càng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc thông tin cho bạn bè quốc tế hiểu về Bác, về Việt Nam”, GS Nguyễn Đài Trang bày tỏ. Với chị, việc giới thiệu sách về Bác đến độc giả nước ngoài, dù có khó đến đâu thì đó cũng là trách nhiệm của một nhà nghiên cứu, một người con Việt Nam xa xứ góp phần quảng bá hình ảnh dân tộc mình ra thế giới.

hinh anh bac ho 2
Giáo sư Nguyễn Đài Trang ký sách tặng bạn đọc ở Canada năm 2018.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì thế, ngoài tiếng Việt, các sách của chị còn được xuất bản bằng tiếng Anh, một số được dịch sang tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Lào để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận. Nhiều kiều bào tại Canada rất hưởng ứng và tâm đắc với các sách này. Bạn đọc Tây Ban Nha, và đặc biệt là các bạn từ các nước biết nhiều đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Cuba, Chile, Argentina... rất vui khi có những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha.  Người Canada vùng nói tiếng Pháp cũng hài lòng khi có được sách phiên bản tiếng Pháp. Dù là thứ tiếng nào, bạn đọc nước ngoài cũng rất vui khi có được những thông tin bổ ích, chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trước đây họ ít có cơ hội để biết đến.

Sau khi GS Nguyễn Đài Trang cho ra mắt cuốn sách “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc”, ông Phil Taylor, một độc giả Canada đã vô cùng ngạc nhiên khi biết Bác Hồ từng đến Boston, New York, Madagascar, Paris... Ông khẳng định: Đó là những trải nghiệm để Bác Hồ nhận ra mối liên quan giữa chủ nghĩa thực dân và nạn phân biệt chủng tộc. Ông Phil Taylor cũng bất ngờ khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự các buổi diễn thuyết của Marcus Garvey, “cha đẻ” của Phong trào “Trở về châu Phi” ở Mỹ và là một hình tượng truyền cảm hứng cho các nhà vận động nhân quyền sau này. “Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu về lịch sử nước Mỹ còn hơn nhiều người dân Mỹ. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống ở Mỹ thì Người đã là một phần trong cuộc đấu tranh của người da màu”, ông Phil Taylor bày tỏ sự thán phục sau khi đọc xong cuốn sách của GS Nguyễn Đài Trang.

Những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của GS Nguyễn Đài Trang như tấm lòng thơm thảo của một người con nước Việt tuy sống xa Tổ quốc nhưng tâm hồn và trái tim luôn gửi trọn nơi quê hương./.

Yên Bình

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: