“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”- trích Điếu văn của BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam đọc trong Lễ tang của Người năm 1969.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đã để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào cả nước. Nhân dân cả nước đã lập bàn thờ Bác Hồ ở khắp nơi, từ trong chính ngôi nhà mình, ở các tỉnh, ở những nước Người đã bôn ba và đặt chân tới trên đường đi tìm đường cứu nước. Thậm chí trong nhiều đền, chùa, đình, đền, cũng lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.
Một trong số những nơi thờ Bác được nhiều người biết đến là Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì. Từ cuối năm 1998 đến đầu năm 1999, nghĩa là bước vào dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đồng bào và cán bộ vốn có tâm huyết xây dựng Ðền thờ Bác Hồ. Sau đó, họ cùng nhau góp công sức tự tổ chức thiết kế và xây dựng chỉ trong khoảng sáu tháng đã căn bản hoàn thành công trình. Việc xây dựng Ðền thờ là phù hợp với một số ý tưởng trong Di chúc của Bác và cũng đã được sự phê chuẩn của đồng chí Ðào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư hồi đó. Ngôi đền tưởng niệm Bác Hồ được bắt đầu xây dựng từ ngày 1/3/1999 và khánh thành đúng vào ngày 21 tháng Bảy âm lịch năm ấy, ngày giỗ Bác. Người được vinh dự thiết kế ngôi đền là kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng, còn kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện làm chủ nhiệm công trình, chỉ đạo thi công. Kinh phí xây dựng đền do nhiều tập thể, cá nhân đóng góp, thể hiện sự biết ơn đối với Bác Hồ, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá do Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc tôn vinh.
Núi Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì có ba ngọn, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua, cao 1.296m. Đỉnh giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1.281m. Đỉnh thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.120m. Trên đỉnh ngọn núi nổi tiếng nhất là Tản Viên có Đền Thượng thờ Thánh Tản – một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt (Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh). Còn trên đỉnh núi Vua cao nhất tọa lạc một ngôi Đền thờ một con người, một nhân vật của lịch sử, của thời đại – Đền thờ Bác Hồ.
Để đến được Đền thờ Bác Hồ, từ chân núi Ba Vì, phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường dài 12km, tiếp đó, phải leo hơn 1.300 bậc thang đá bên vách núi. Tới đây du khách như lạc vào cõi thiêng, bởi được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng giăng mặc dù vẫn có mặt trời.
Đến thăm Đền thờ Bác Hồ ở trên đỉnh non thiêng Ba Vì, ngồi bên trong ngôi Đền nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài ta thấy thiên nhiên hòa quyện ùa vào từ mọi phía làm cho ngôi Đền luôn tràn ngập ánh sáng, chứ không cô tịch mờ ảo như ta thường gặp ở các ngôi đền khác. Ngoài bức tường phía sau Ban thờ Bác, ba bề xung quanh và phía trước của ngôi Đền có kiến trúc khác biệt với các ngôi đền truyền thống là không có tường bao quanh, tất cả được để mở bằng những chiếc cột to tròn dùng làm trụ đỡ cho toàn bộ mái Đền và những chân tường thấp chỉ nhô cao chừng 0,5m, mặt trên được lát những tấm gỗ dài chắc chắn tựa như những chiếc ghế băng dài làm chỗ nghỉ chân cho du khách. Ngôi Đền được kiến trúc thật gần gũi, hài hoà với thiên nhiên như những ngôi nhà lúc sinh thời Bác vẫn thường dùng để ở và làm việc, đúng như mong muốn mà Bác đã để lại trong Di chúc: “…Nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi...”.
Ngôi Đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì
Trên bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bệ thờ là chuông đồng và khánh đồng. Ngoài ra còn nhiều hạng mục công trình khác tạo nên một không gian hài hòa, tinh tế nhưng vẫn hết sức giản dị.
Tượng Bác Hồ trong tư thế ngồi đọc Báo Nhân Dân
Những hình ảnh và hiện vật về Bác được bày trang trọng tại đây làm ta càng nhớ tới Người. Trước Đền, một tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam được đọc trong lễ tang của Người năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Mặt kia khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam được đọc trong Lễ tang của Người năm 1969
Ở bức tường đầu hồi của Đền có hình trống đồng với hình bản đồ Việt Nam và dòng chữ màu vàng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi - Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Những cán bộ, nhân viên trạm kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Ba Vì, ngoài công việc tuần tra bảo vệ gần một nghìn héc-ta rừng thuộc đặc khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn đảm nhiệm việc trông coi Ðền thờ Bác Hồ. Các cán bộ kiểm lâm ở đây cho biết từ khi khánh thành đến nay, hằng ngày Đền thờ Bác luôn ấm áp khói hương và hoa tươi. Ngôi Đền được các cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Ba Vì túc trực, chăm sóc bất kể lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Vào những ngày lễ, Tết và ngày mồng Một, Rằm, số lượng người đến thăm Đền và lễ Bác rất đông. Đông khách nhất là vào ngày giỗ Bác, 21 tháng Bảy Âm lịch hằng năm, rồi đến trong dịp kỉ niệm ngày sinh của Bác (19-5), những ngày đầu năm, cuối năm.
Một em bé theo bố mẹ đi lễ Đền thờ Bác Hồ
Mặc dù đường lên Đền thờ Bác phải leo qua không ít đoạn dốc dựng đứng của con đường nhỏ luồn lách, uốn lượn quanh những gốc cây rừng nhưng trong dòng người chậm rãi leo lên từng bậc thang đá, có rất nhiều trẻ em và cả những cụ già tay chống gậy, hai bên có con cháu dìu cho bước chân thêm vững để lên được đến Đền thờ thắp nén hương thơm dâng lên Người. Khi về đây cảm nhận sự thành kính của mỗi người khi đến thăm Đền thờ ta như thấy thêm kính yêu hơn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Để từ đó nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người và cũng hứa với Người sẽ cố gắng phấn đấu tu dưỡng học tập, rèn luyện đạo đức để đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Kim Yến