Thực tiễn sử dụng mạng xã hội hiện nay cho thấy, với sự đa dạng và phức tạp về nội dung, hình thức giao tiếp, đòi hỏi mỗi người khi tham gia phải có một số kỹ năng nhất định. Vì vậy, nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn trong Quân đội để họ giữ vững và phát huy vai trò thủ lĩnh, tập hợp, dẫn dắt đoàn viên, thanh niên ứng xử có văn hóa, lối sống lành mạnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Hiện nay, mạng xã hội trở thành công cụ truyền thông, giải trí được nhiều người sử dụng, nhất là giới trẻ. Một cá nhân có thể tham gia nhiều mạng xã hội, cả chính danh và ẩn danh, với nhiều tài khoản, hình thành nên mối quan hệ rộng, đa dạng, có thể thiết lập quan hệ bạn bè khắp thế giới, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, v.v. Bên cạnh mặt tích cực, như: thông tin phong phú, tương tác, gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh thuận lợi, góp phần tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, thì mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề tiêu cực, tác động đến đời sống xã hội, nhất là những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa,… đòi hỏi người tham gia mạng xã hội phải có kỹ năng ứng xử một cách có văn hóa và đúng quy định luật pháp.

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đội ngũ cán bộ đoàn chủ yếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - binh sĩ, mà phần nhiều là những người trẻ, có nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao. Tuy nhiên, do quy định và môi trường hoạt động, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội tuy không có nhiều thời gian sửdụng mạng xã hội, nhưng họ đang chịu tác động khá toàn diện từ môi trường này với những mặt tích cực, tiêu cực đan xen, thậm chí khó phân biệt. Bên cạnh những kiến thức bổ ích trên các lĩnh vực, như: thông tin nhanh chóng, sự kết nối, giao lưu, tương tác trong hoạt động đoàn ở mọi lúc, mọi nơi trong toàn quân, toàn quốc,… được đội ngũ cán bộ đoàn khai thác, phục vụ cho nhu cầu cá nhân và quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thì những mặt trái của mạng xã hội cũng tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội, nhất là những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch, phần tử phản động, v.v. Thực tế cho thấy, việc tham gia mạng xã hội của cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội cơ bản đảm bảo đúng các quy định, lan truyền những hình ảnh, hoạt động đẹp,… song, một số ít còn bộc lộ hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp, có bình luận phản cảm, đưa những hình ảnh lên mạng không đúng quy định, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với bản sắc văn hóa của dân tộc, v.v.

Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn trong toàn quân đã có nhiều hình thức, biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho đoàn viên nói chung, cán bộ đoàn nói riêng và đạt được những kết quả nhất định, song, hiệu quả chưa cao, chưa vững chắc. Vì thế, nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn trong Quân đội hiện nay là yêu cầu khách quan; biện pháp quan trọng, nhằm giữ vững, phát huy vai trò “thủ lĩnh”, tập hợp, dẫn dắt đoàn viên ứng xử có văn hóa, lan tỏa lối sống lành mạnh,… góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phạm vi bài viết, chúng tôi đề xuất mấy giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, ban chấp hành đoàn các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ đoàn. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đoàn nói chung, việc nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn trong Quân đội nói riêng. Theo đó, cấp ủy đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xác định việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội của cán bộ, đoàn viên là nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của tổ chức đoàn. Ban chấp hành đoàn phải căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên và nghị quyết cấp mình để đưa công tác bồi dưỡng, rèn luyện vào kế hoạch; bố trí sắp xếp thời gian, phân công tổ chức lực lượng chặt chẽ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch nghiêm túc. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy ở cơ quan, đơn vị cơ bản là những người được đào tạo, có trình độ, kinh nghiệm trong cuộc sống cần phát huy trách nhiệm, nắm bắt xu hướng của tuổi trẻ, sự phát triển của mạng xã hội để định hướng cách ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn, đoàn viên. Đồng thời, nêu cao tính gương mẫu khi tham gia mạng xã hội, như: tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều,… để cán bộ, đoàn viên noi theo.

Hai là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật cho cán bộ đoàn là nội dung quan trọng bảo đảm cho đội ngũ này có định hướng chính trị đúng; nhận thức đầy đủ nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội; hiểu rõ việc thực hiện đúng luật, nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình; đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Trước hết, cần giáo dục để cán bộ đoàn thấy được trách nhiệm của mình trong hiểu biết về môi trường mạng xã hội cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó; không thể vì đó là môi trường phức tạp, môi trường “ảo” mà cán bộ đoàn “không chạm đến cho an toàn”. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị,… qua đó, hình thành ở họ thế giới quan, phương pháp luận, nền tảng lý luận vững chắc để xử lý đúng đắn các thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục cho cán bộ đoàn về Luật An ninh mạng; thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép,... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, khuyến khích cán bộ, đoàn viên sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Ba là, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn. Mục đích của giải pháp này nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ đoàn được rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội với các nội dung, hình thức tương ứng với các phạm vi, quy mô khác nhau. Điều này không chỉ giúp cán bộ đoàn lĩnh hội kiến thức, kỹ năng một cách tích cực, sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ trải nghiệm thực tiễn trên không gian mạng. Do đó, nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện phải được xây dựng cụ thể, đa dạng, như: tổ chức các buổi trao đổi về mạng xã hội; mở các lớp tập huấn, tọa đàm chuyên đề; thành lập hội, nhóm, câu lạc bộ; tổ kỹ thuật, tư vấn thao tác trên các trang mạng xã hội; thông qua bố trí cho cán bộ đoàn tham gia lực lượng chuyên trách đấu tranh chống quan điểm, sai trái thù địch của cơ quan, đơn vị, v.v. Qua đó, hình thành ở đội ngũ cán bộ đoàn những kỹ năng cần thiết khi tham gia mạng xã hội, như: kỹ năng giao tiếp, tương tác, kết bạn; kỹ năng lắng nghe, đóng góp, chia sẻ; kỹ năng bình phẩm, nhận xét; kỹ năng blook tài khoản ảo và chặn những cá nhân spam, quảng cáo tin nhắn rác; kỹ năng kiểm soát, bảo vệ thông tin; kỹ năng đối phó với dư luận và kỹ năng vượt qua khủng hoảng trên mạng xã hội, v.v.

Bốn là, nâng cao ý thức, tính tự giác của đội ngũ cán bộ đoàn trong tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt, làm cơ sở rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Đạo đức là phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi của con người một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Trong tham gia mạng xã hội, cán bộ đoàn có đạo đức, có trình độ sẽ là nền tảng quan trọng để có sự ứng xử phù hợp. Do đó, mỗi cán bộ đoàn cần thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ, kiến thức sâu rộng; năng lực tư duy phản biện cùng khả năng diễn đạt, luận chiến tốt; nhiệt huyết và dũng khí, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó, cán bộ đoàn phải xây dựng cho mình kế hoạch học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội một cách cụ thể, chặt chẽ và khoa học. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ đoàn tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện về đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; các quy định về nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo môi trường để cán bộ đoàn tu dưỡng, rèn luyện, học tập. Cùng với đó, cần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh ở từng cơ quan, đơn vị, tạo ra những điều kiện thuận lợi và không gian văn hóa để trực tiếp phát hiện, gạn lọc những tác động tiêu cực của mạng xã hội, chống lại sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa xấu độc vào đội ngũ cán bộ đoàn các cấp.

Nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ đoàn trong Quân đội là tổng thể các hoạt động của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, ban chấp hành đoàn các cấp. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, biện pháp trên để giúp cán bộ đoàn “ứng xử” chuẩn mực, giữ vững vai trò thủ lĩnh của đoàn trên mạng xã hội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đại tá Đỗ Khắc Cần - Thiếu tá Đào Minh Dũng,

Văn phòng Tổng cục Chính trị

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Xuân Trọng (st)

Bài viết khác: