Trong các văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước ta đều khẳng định nhất quán chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ. Mọi luận điệu xuyên tạc, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng chính đáng của đất nước, nhân dân Việt Nam đều phải bị lên án, bác bỏ.
Điều 4, Luật Quốc phòng chỉ rõ: “… không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”1. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định: “Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế,…”2. Trên thực tế, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đắn chính sách quốc phòng đã đề ra với đường lối quốc phòng, quân sự độc lập, tự chủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định nhất quán quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về chính sách quốc phòng phù hợp với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, có tính nhân văn sâu sắc; được công khai, minh bạch nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin của các quốc gia với Việt Nam.
Song, với dã tâm thâm độc, âm mưu nham hiểm, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không từ thủ đoạn nào để chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ sử dụng nhiều hình thức, phương tiện, như: viết tin, bài, bình luận; quay, cắt ghép, phát tán các video clip trên YouTube và livestream trên các trang mạng xã hội; núp bóng dưới chiêu trò cái gọi là “Người yêu nước”, “Chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, phản biện “Sách trắng Quốc phòng”,... để suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Chúng cho rằng, chính sách quốc phòng Việt Nam đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp; chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “ tự cô lập mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc, không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Họ lợi dụng các điểm mới trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 để đưa ra bình luận, quy chụp thiếu căn cứ về nguyên tắc “bốn không”; đưa ra tư vấn, góp ý, kiến nghị Việt Nam thiết lập, tham gia liên minh quân sự. Xảo trá, trắng trợn hơn, chúng còn quy chụp việc Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, là để chống lại một nước thứ ba. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, v.v. Từ đó, hô hào, cổ súy tư tưởng sai trái, kêu gọi dựa vào nước ngoài, nhất là các nước lớn và tham gia liên minh quân sự để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ đất nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu về Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2019). Ảnh: qdnd.vn
Vậy, sự thật phía sau cái nhìn sai lệch, phiến diện, chống phá quyết liệt chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động là gì? Trước hết, cần khẳng định rằng, bản chất, mục đích chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động là không hề thay đổi, nhưng âm mưu, thủ đoạn, sách lược ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách dẫn dắt, hướng lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, dần đi sâu vào quỹ đạo lệ thuộc, tiến tới thay đổi chế độ chính trị, xã hội. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; “phi chính trị hóa” Quân đội, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Thứ tư, kích động, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong nhân dân, lừa bịp, dẫn dắt dư luận, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để đấu tranh phản bác những luận điệu chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần thực hiện tốt một số giải pháp sau.
Một là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, tính khoa học của chính sách quốc phòng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức, phương pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh quốc tế nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, cách tiếp cận đúng cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế về chính sách quốc phòng Việt Nam. Luận giải, làm rõ cơ sở khoa học, nội dung cơ bản, khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ được xây dựng trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam luôn “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”3. Thông qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của các quốc gia về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, tích cực, chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, phân biệt rõ đúng sai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sức đề kháng, tự miễn dịch trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác quốc phòng trong tình hình mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó chỉ rõ ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng luôn lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đòi đa nguyên, đa đảng, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cần xác định rõ cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ chuyên trách quốc phòng ở các bộ, ngành; trách nhiệm phối hợp của từng cấp, ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến quốc phòng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về quốc phòng có phẩm chất, năng lực tham mưu trong thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không phải xuất phát từ việc tham gia các liên minh quân sự mà chính là từ sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”4. Vì vậy, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là tất yếu khách quan. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy: phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; phải chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt, ngay từ thời bình, sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược. Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Trước mắt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước. Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021 đã khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác đối ngoại trong tình hình mới và chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, cố tình xuyên tạc sai lệch đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Do đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng, phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển và không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng hơn nữa quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng của đất nước. Tăng cường hợp tác, xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai,
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
__________________
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Luật Quốc phòng, Nxb QĐND, H. 2018, tr. 11.
2. Bộ Quốc phòng - Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 25.
3. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 161 - 162.
4. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 156.