Họ là những con người bình dị nhưng lại mang trong mình tình cảm sâu sắc, luôn một lòng hướng đến Bác Hồ kính yêu. Tự tìm tòi, sưu tầm, học hỏi những câu chuyện về Bác Hồ, họ đem đến cho những người chưa có cơ hội biết hiểu, và làm theo những tư tưởng của Người, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Kể chuyện Bác Hồ bằng nhiều thứ tiếng trên đất nước
Những câu chuyện về Bác không chỉ được kể bằng tiếng phổ thông mà còn rất nhiều thứ tiếng của các dân tộc trên đất nước ta. Thực tế, để tăng tính tuyên truyền cho những câu chuyện, cũng như hướng đến với đông đảo các đồng bào hơn, nhiều cán bộ hay những người bình dị khác đã sử dụng nhiều tiếng của dân tộc mình để tuyên truyền đến từng người dân để họ hiểu và thoát được sự lạc hậu trong suy nghĩ.
Hình ảnh Bác Hồ luôn rất giản dị, gần gũi với nhân dân
Ở Yên Bái, chàng thanh niên người Mông tên Hảng A Thào đã tự mình tìm đến các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kể cho đồng bào người Mông nghe những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Hảng A Thào kể chuyện bằng cả tiếng Kinh và tiếng của người Mông.
Trước đó, Hảng A Thào đã kể những câu chuyện cảm động, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả tại Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” các cấp của tỉnh Yên Bái. Sinh ra và lớn lên ở Pá Lau, một xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, hơn ai hết Thào hiểu đồng bào Mông quê mình còn nghèo và rất lạc hậu. Tốt nghiệp đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, anh tình nguyện trở về công tác tại quê hương. Tâm nguyện của Thào là được mang những kiến thức đã học giúp đồng bào mình tăng gia sản xuất giỏi như người miền xuôi, biết làm kinh tế và thoát được đói nghèo. Chính vì thế, anh chàng người Mông này luôn kể những mẩu chuyện nhỏ của Bác về tăng gia sản xuất, làm tăng vụ, xoá bỏ nương rẫyở vùng cao; chuyện tiết kiệm trong hội họp, ma chay, cưới hỏi; chống tảo hôn, xoá giặc đói, diệt giặc dốt... Bằng cách kể chuyện dí dỏm, rất duyên của mình, Hảng A Thào đã khiến những người dân tộc mình hiểu và làm theo.
Những câu chuyện về Bác không chỉ được kể bằng tiếng Mông mà còn được kể bằng tiếng Dao. Người phụ nữ tên Triệu Thị Hạnh đã tự mình dịch những câu chuyện về Bác sang tiếng Dao rồi kể cho bà con trong xóm Khe Rạc, Cao Sơn, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên mỗi lần họp chi bộ xóm.
Triệu Thị Hạnh học hết lớp 9 thì phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo không có đủ điều kiện cho Hạnh tiếp tục lên cấp ba. Trở về bản làm nương giúp bố mẹ, Hạnh tham gia hoạt động cùng các anh chị trong chi đoàn xóm. Hạnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Khe Rạc. Hạnh tâm sự “Bản Khe Rạc ở vùng sâu xa trung tâm xã, điện chưa kéo vào bản, bà con dân bản không được xem ti vi, chỉ được nghe phổ biến những chính sách của Đảng qua cán bộ trong bản, nhiều người trong bản còn không biết nói tiếng Kinh. Từ đây, mình đã nhen nhóm ý định đem những câu chuyện kể về Bác Hồ kể cho bà con nghe”.
Triệu Thị Hạnh đã dịch được 16 câu chuyện về Bác Hồ sang tiếng Dao kể cho bà con nghe. Lúc đầu Hạnh chỉ kể trong các buổi sinh hoạt chi bộ, nhưng về sau bà con đề xuất tổ chức những buổi dành riêng chỉ để kể chuyện về Bác cho cả bản nghe. Những hôm Hạnh kể chuyện ở sân trường tiểu học của bản, bà con trong bản kéo đến cả già lẫn trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà mọi người trật tự ngồi nghe Hạnh kể. Có khi bà con còn đề nghị Hạnh kể lại cho nghe hai ba lần một chuyện.
Từ năm 1992 gắn bó với bà con dân tộc vùng biên giới thuộc các xã: Chiềng Khương, Mường Sai, Chiềng Cang của huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), Trung úy Mùa A Hàng, Đội trưởng Đội Trinh sát kỹ thuật 16, Bộ Tham mưu Quân khu 2 luôn suy nghĩ: Làm gì để giúp bà con thoát nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Đang loay hoay tìm biện pháp tiến hành công tác vận động đồng bào nhằm mang lại hiệu quả thì cấp trên triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". "Như nắng hạn gặp mưa rào", thế là ngoài việc quản lí, chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, Mùa A Hàng chủ động sưu tầm những câu chuyện về Bác gắn với cuộc sống đồng bào, biên soạn thành đề cương tuyên truyền bằng tiếng của người Mông, người Thái, người Hà Nhì. Mục tiêu được A Hàng đặt ra là: Chi tiết, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Sau khi chuẩn bị xong đề cương, anh dành thời gian luyện tập cách nói, cách diễn đạt và nhờ anh em trong đơn vị đóng góp, bổ sung phương pháp sao cho đúng với cách biểu đạt ngôn ngữ và sát đời sống sinh hoạt của bà con.
Mỗi lần đến các bản, anh khéo léo kết hợp kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác với tuyên truyền, phổ biến kiến thức sản xuất, chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh, đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa… Chính biện pháp tích cực, hiệu quả này của Mùa A Hàng đã giúp đồng bào dân tộc ở đây không còn đói cái bụng, chăm lo nhiều hơn cho đời sống kinh tế, tránh xa những hủ tục lạc hậu.
Trên thực tế, hiện nay, có không ít các cá nhân đã tự mình học, trao dồi, tìm hiểu những câu chuyện về Bác. Những câu chuyện rất mực giản dị nhưng lại mang giá trị nhân văn, có tác dụng giáo dục sâu rộng đến đông đảo người dân.
Kể chuyện không chỉ bằng lời nói
Câu chuyện về Bác không chỉ được mọi người kể lại bằng lời nói mà còn bằng rất nhiều các phương tiện khác nhau. Mỗi cách kể lại mang đến những sắc thái riêng cho từng câu chuyện.
Ông Hoàng Sĩ Huỳnh (phải) giới thiệu với các đại biểu về bộ sưu tập tem nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Tem Phú Yên
Ông Hoàng Sỹ Huỳnh (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) năm nay đã 92 tuổi. Ông đã có gần 60 năm sưu tập tem và vịnh tem về Bác Hồ. Ông được coi là người kể chuyện Bác Hồ bằng tem và thơ. Lần đầu tiên, ông biết đến hình ảnh Bác Hồ là vào khoảng giữa năm 1953 khi ông nhận được lá thư của người em trai. Nhận được thư của gia đình đã vui sướng, nhưng ông còn vui sướng hơn khi biết được trên lá thư có tem in hình Bác Hồ. Khi đó, không chỉ ông Sỹ Huỳnh mà còn cả các đồng đội, các đồng bào dân tộc, ai ai cũng xúc động khi được nhìn hình của Bác trên chiếc tem nhỏ đó. Thậm chí nhiều người còn ôm cả chiếc tem rồi khóc vì cảm động.
Con tem về Bác trở thành báu vật vô giá và là hành trang trọn đời binh nghiệp của người lính Cụ Hồ Hoàng Sỹ Huỳnh. Sau đó, ông không ngừng tìm kiếm, sưu tập tem in hình của Bác. Cho đến nay, ông đã có hàng chục bộ sưu tập tem với nhiều chủ đề khác nhau, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng nhiều nhất vẫn là các bộ sưu tập tem về Bác. Các bộ sưu tập tem về Bác Hồ của ông rất phong phú, phản ánh sinh động thân thế, sự nghiệp, cuộc đời cách mạng vì nước vì dân của Bác… Trong đó có những bì thư, con tem quý hiếm phát hành đầu tiên về Bác và nhiều con tem về Bác do các nước trên thế giới phát hành.
Những con tem về Bác thực sự là tài sản vô giá, được ông nâng niu, trân trọng và không ngừng sưu tầm bổ sung ngày càng phong phú. Và từ những con tem về Bác, ông đã cảm xúc sáng tác những vần thơ về Bác. Ông bộc bạch: Làm thơ vịnh tem về Bác, ông không miêu tả hình thức con tem mà muốn thể hiện tâm hồn thanh cao, tác phong giản dị, đạo đức ngời sáng của Bác.
Cho đến nay ông đã sáng tác hàng chục bài thơ vịnh tem về Bác như Huy hiệu Bác Hồ, Hồ Chủ tịch quan sát trận địa, Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ, Bác Hồ đọc báo… Mỗi con tem về Bác là một tác phẩm hội họa thể hiện tấm lòng của các nghệ sỹ và toàn dân tộc đối với Bác kính yêu. Những bài thơ vịnh tem Bác Hồ của ông chắp cánh thêm cho hội họa, góp phần đưa hình ảnh, tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác đến với toàn dân, thấm sâu vào mỗi người. Bằng tem và thơ, ông đã kể những câu chuyện về Bác rất mực sinh động và ý nghĩa.
Hình ảnh ông Nguyễn Ngọc Truyện đối với từng bài tư liệu sưu tầm được
Nếu ông Hoàng Sỹ Huỳnh đã kể câu chuyện về Bác Hồ bằng tem và thơ thì ông Nguyễn Ngọc Truyện lại hết lòng sưu tầm những thông tin, những mẩu chuyện về Bác Hồ. Ông sẵn sàng nhịn từng khoản lương hưu ít ỏi để đặt bảy, tám đầu báo và tạp chí làm pho sử liệu về Bác. Hễ nhận được tin ở đâu có tư liệu về Bác Hồ là ông liền có mặt và sẵn sàng bỏ tiền túi để mua về. Quyết tâm làm bằng mọi cách để có tư liệu nhưng ông không bao giờ làm cho người khác chịu thiệt.
Là sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định nhưng khi ra trường, ông tạm "xếp bút nghiên" để theo Việt Minh hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Năm 1947, ông gia nhập bộ đội chính quy do chính ông Bùi Văn Danh chỉ huy. Năm 1954, ông Truyện được tập kết ra Bắc.
Những tháng năm làm việc trên đất Thăng Long (Hà Nội), nhiều lần ông Năm Truyện được gặp Bác Hồ. Từ đó ông như bị “mê hoặc” bởi tài năng và đức độ hơn người của Bác. Ông luôn nung nấu khát vọng mãnh liệt là phải tìm hiểu và viết về Người. Tuy nhiên, do công việc của thời chiến nên mãi đến khi nghỉ hưu ông mới có điều kiện thực hiện tâm nguyện này. Không nhận mình là nhà sưu tầm hay nghiên cứu về Bác Hồ, mà chỉ đơn giản là làm những gì lòng ông thôi thúc.
Trải qua một thời gian, ông Truyện đã sở hữu hơn 5.000 bài viết, mẩu chuyện, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Truyện còn là tác giả của tập sách “Ra đi Bác dặn còn non nước”, được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào năm 2000.
Và khi kể chuyện về Bác trở thành một nghề nghiệp...
Họ là những hướng dẫn viên của khu di tích Kim Liên. Họ ở những lứa tuổi khác nhau nhưng đều là người xứ Nghệ, sở hữu chất giọng ngọt ngào, đầy cảm xúc. Đối với họ, những câu chuyện về Bác không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là cả tấm lòng họ gửi vào từng câu chuyện.
Những hướng dẫn viên tại Khu Di tích Kim Liên
Khi đứng dưới mái tranh nhà Bác, mỗi người đều ngỡ như đang đứng dưới mái nhà ông bà, cha mẹ mình. Có khác chăng là nhà Bác nhỏ bé hơn, nghèo hơn, cái nghèo của xứ Nghệ đất cằn nắng lửa trăm năm trước. Từ đó, một cậu bé thiên tài đã được sinh ra và lớn lên, hoàn thành một cách xuất sắc nhất nghĩa vụ của mình với quê hương, đất nước, trở thành một người vĩ đại. Cảm xúc cứ thế dâng trào, truyền từ hướng dẫn viên sang khách tham quan và ngược lại.
Từ năm 1989 đến nay đã có rất nhiều thế hệ hướng dẫn viên ở đây. Mỗi một thế hệ hướng dẫn viên đều sống và làm việc bằng tình yêu thương vô hạn với lãnh tụ của đất nước.
Đã bao năm qua, chất giọng Nghệ ngọt ngào và sâu đằm, lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nuốt giọt nước mắt của các cô hướng dẫn viên nơi đây đã đi vào lòng hàng triệu du khách, tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt của khu di tích Kim Liên. Nghiêng đầu duyên dáng, mỉm cười từ biệt một đoàn khách, chị Bùi Bích Đảm - Phó Trưởng phòng hướng dẫn, thổ lộ: “Tài sản lớn nhất của hướng dẫn viên là giọng nói và khối tình cảm ngày càng lớn với Bác Hồ, với từng đoàn, từng người khách”. Hàng ngày, những âm thanh ngọt ngào vẫn đều đặn vang lên: “ Thưa các anh chị, dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống năm năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”... Lắng nghe từng câu nói, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu của từng hướng dẫn viên du lịch như thế nào.
Những người dân Việt Nam không phân biệt giới tính, giai cấp, lứa tuổi có nhiều cách khác nhau để tái hiện lại câu chuyện về Bác Hồ. Họ đã và đang cố gắng để truyền tình yêu đến các thế hệ sau cũng như góp sức vào sự phát triển chung của đất nước. Mỗi người đều là đóa hoa tươi đẹp gửi đến Bác Hồ kính yêu./.
Thanh Huyền (tổng hợp)