“Bệnh giấu khuyết điểm” xem ra vẫn khá phổ biến trong nhiều tổ chức của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, do chúng ta chưa chữa từ căn nguyên!
Sở dĩ khẳng định như vậy vì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ban hành từ tháng 10-2016 đã thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đồng thời yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, trong đó có “bệnh thành tích", che giấu khuyết điểm, thiếu thành khẩn...
Thế nhưng, hơn 5 năm trôi qua, “bệnh giấu khuyết điểm” xem ra vẫn khá phổ biến trong nhiều tổ chức của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, do chúng ta chưa chữa từ căn nguyên!
Thiết nghĩ, những ví dụ, bằng chứng, biểu hiện, cũng như hậu quả nghiêm trọng của “bệnh giấu khuyết điểm”-hầu hết chúng ta đều biết, bởi nếu không ở trong cuộc, trực tiếp chứng kiến thì cũng đã được đọc, được nghe hàng vạn bài nói, bài viết về bệnh này. Tiếp tục liệt kê ra đây lại mắc khuyết điểm viết dài, viết lại, kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Nhưng có điều nguy hại đặc biệt mà “bệnh giấu khuyết điểm” gây ra cần thiết phải nhắc lại, đó là: Gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin nghiêm trọng-một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hủy hoại uy tín, sức mạnh của tổ chức cũng như từng cá nhân, thậm chí sụp đổ cả chế độ!
Đảng ta đang khuyến khích và đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Ảnh minh họa: nhandan.com.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947): “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”... Bài học về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết do nguyên nhân sâu xa là mất dân chủ, “bệnh thành tích”, lãnh đạo chỉ thích khen nịnh dẫn đến xa rời thực tiễn, những yếu kém không được khắc phục, gây khủng khoảng, mất đoàn kết và cán bộ, đảng viên, quần chúng bức xúc; cùng bài học thành công của sự nghiệp đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, từ đó mới sáng rõ những việc cần làm ngay, được nhân dân đồng lòng ủng hộ... vẫn còn nguyên giá trị.
Vậy phải làm gì để chữa trị “bệnh giấu khuyết điểm”?
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ rõ: Phải thật thà phê bình và tự phê bình, kiên quyết thực hành kỷ luật; “Nơi nào sai lầm, ai sai lầm thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu”; “Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”...
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng cũng đã yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhóm giải pháp. Tuy nhiên, có thể khẳng định, chính vì nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự làm nghiêm, chưa vào cuộc một cách quyết liệt, chưa có biện pháp hữu hiệu nên “bệnh giấu khuyết điểm” vẫn kéo dài dai dẳng.
Cần nhìn thẳng vào sự thật: “Bệnh giấu khuyết điểm” và thích khen nịnh là bản tính của con người, là yếu tố tâm lý khách quan từ ngàn xưa, ở khắp nơi (thậm chí cổ nhân còn khuyên dạy: “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”). Do đó, muốn chữa “bệnh giấu khuyết điểm” thì phải điều trị từ nguyên nhân gốc, trước hết, người mắc bệnh này phải muốn chữa và quyết tâm chữa (ở đây là người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị các cấp trong hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên).
Nhưng thực tiễn đang tồn tại nghịch lý là rất nhiều cán bộ, đảng viên không muốn chữa “bệnh giấu khuyết điểm”. Lý do thật đơn giản: Tự nhận vi phạm, khuyết điểm thì sẽ thiệt nhiều thứ, như mất thành tích, bị trừ điểm thi đua, ảnh hưởng tới các quyền lợi của tập thể, cá nhân.
Thậm chí, việc tự nhận khuyết điểm còn bị nhiều người chê là dại dột, “chưa khảo đã xưng”, “tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt”! Không ít trường hợp còn bị cán bộ cấp trên lấy làm ví dụ đi “bêu dương” khắp nơi, nhắc đi nhắc lại mãi. Vì thế, nhiều người, nhiều tập thể đã rút ra “bài học”: Chẳng dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”!
Bởi vậy, thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của cấp ủy, người đứng đầu: Thực sự quý trọng đức tính thẳng thắn, trung thực, tự giác nhận khuyết điểm là yếu tố tiên quyết để tuyên chiến với “bệnh giấu khuyết điểm”.
Cùng với đó, phải có điểm thưởng cho những tập thể, cá nhân trung thực, tự giác nhận khuyết điểm nhằm khắc phục nghịch lý “không muốn chữa bệnh giấu khuyết điểm” nêu trên, mà việc nên làm ngay là chỉnh sửa quy chế thi đua-khen thưởng theo hướng quy định rõ điểm thưởng, điểm phạt, bảo đảm không ai chịu thiệt khi thành thật, tự giác nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Đây chính là liều thuốc đặc hiệu để chữa từ nguyên nhân gốc, trị dứt điểm “bệnh giấu khuyết điểm” nguy hại.
Đảng ta đang khuyến khích và đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đặc biệt, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã xác định rõ nguyên tắc: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng...
Thực hiện chủ trương trên, những bất cập, nghịch lý là căn nguyên dẫn đến “bệnh giấu khuyết điểm” cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiên quyết chỉ đạo khắc phục triệt để.
Cát Huy Quang
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)