Ngày 28-12-2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Nghị quyết số 847 đã đề cập đến hai thành tố quan trọng, có mối quan hệ biện chứng là “phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”.
Đó cũng chính là hai vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói tới ở những mức độ và hoàn cảnh khác nhau trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như sáng lập và rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam.
Là một nhà văn hóa kiệt xuất, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, điển hình của nhân cách con người Việt Nam. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện đậm nét, mang dấu ấn riêng, rất đặc thù và rất Hồ Chí Minh đó là văn hóa ứng xử.
Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sâu sắc, phong phú, không chỉ trong các tác phẩm, các bài viết, mà còn toả sáng trong toàn bộ hành động và việc làm của Người, mà mỗi cán bộ, chiến sĩ của đội quân cách mạng do chính Người sáng lập và rèn luyện có thể tự mình suy ngẫm, hướng tới, phấn đấu và làm theo.
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu 1969.
Ảnh: Báo Văn hóa
Từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc rằng: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, những quân nhân cách mạng nói riêng. Bởi đây là lực lượng chủ lực trên mặt trận xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân.
Nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp của quân đội (10-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có năm điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Ngoài ra, phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật”1.
Người thường xuyên cảnh báo những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân - thứ giặc nội tâm, giặc trong lòng, trong mỗi con người: Đó không chỉ là “tham ô hủ hóa... chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở”, “vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Do đó mà đáng lẽ thắng to thì chỉ giành được thắng nhỏ và thắng rồi không phát triển được”, “thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó khăn”2, đó còn là “tư tưởng công thần,.. sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị”, “lo lắng tiền đồ bản thân”, “đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ”3.
Không chỉ dừng ở cảnh báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những biện pháp để “gột rửa” những thói hư, tật xấu này, để ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân nảy nở, sinh sôi trong mỗi người quân nhân cách mạng. Đó là phải “học tập chính trị quân sự, phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ”4. Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”5.
Thương yêu con người là mục đích, là lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đó cũng là điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử qua các hành vi, hành động cụ thể của Người. Đối với mỗi con người chúng ta, lòng nhân ái là một phẩm chất không thể thiếu được.
Đối với quân đội cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” như quân đội nhân dân Việt Nam, yếu tố này lại càng có ý nghĩa cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Là quân đội của cách mạng rồi, cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, coi như anh em ruột thịt một nhà”( 6). Người còn đặc biệt nhấn mạnh, người lãnh đạo, chỉ huy quân đội phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Thương yêu cán bộ, chiến sĩ chính là ở thái độ thưởng phạt công minh, có thành tích thì khen, có khuyết điểm phải phạt, “chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”7.
Trong một lần nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đoàn Tam Đảo, bộ đội phòng không - không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bác thấy có nơi còn có hiện tượng cán bộ cáu kỉnh với chiến sĩ, như vậy không tốt. Có gì cứ bình tĩnh bảo nhau, bàn với nhau. Càng cáu càng khó nghe”8. Hay trong thư gửi Hội nghị quân y, Người chỉ dẫn các thầy thuốc quân đội rằng: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hoá họ”9.
Năm 1948, biết Khu trưởng Chiến khu 4 là Nguyễn Sơn còn suy nghĩ về việc nhận quân hàm Thiếu tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho ông bì thư đề “Thân gửi Sơn đệ - Ký tên: “Người anh họ Nguyễn”. Bên trong thư là tấm thiếp Người thường dùng cùng vẻn vẹn 12 chữ tiếng Hán: “Đảm dục Đại, Tâm dục Tế, Trí dục Viên, Hạnh dục Phương”10 lấy từ 12 chữ đầu trong câu nói của Tôn Tử Mạo thời Đường, Trung Quốc.
Có điều, rất hiểu Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay chữ “tiểu” trong nguyên bản bằng chữ “tế” (Tiểu là nhỏ nhưng chữ tế còn nhỏ hơn nhiều (tế nhị). Khi tế đi với đại còn có nghĩa là bao dung, rộng lượng). Nhận được tấm thiếp, Nguyễn Sơn đã hiểu ngay được thâm ý của vị Chủ tịch nước, một người Anh lớn.
Bốn câu ngắn gọn, vừa là lời chúc, vừa là lời khuyên, không khác châm ngôn hướng tới một nhân cách lớn, không phải riêng với Tướng Nguyễn Sơn, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Rõ ràng ở đây, trong cách ứng xử, từ lời nói cho tới việc làm, luôn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao một chữ “tình”. Đó chính là tình giữa lãnh đạo với cán bộ, tình giữa đồng chí với nhau, tình giữa bản thân với công việc.
Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, đứng ở đỉnh cao quyền lực nhưng trong ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ dựa vào quyền lực buộc mọi người phục tùng. Phong cách làm việc tập thể và dân chủ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước của Hồ Chí Minh.
Và Người yêu cầu những người làm tướng, các cấp chỉ huy quân đội phải thấu triệt nguyên tắc này như trong bức Mật điện số 947/TRT gửi Trung tướng Nguyễn Bình, Người viết: “Riêng tôi gửi lời dặn chú mọi việc phải cẩn thận bàn bạc với anh em Ủy ban kháng chiến hành chính và các đồng chí phụ trách quân sự để giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta”11.
Như trong bài báo Jai Hồ (tuần báo Ấn Độ Ánh điện, số ra ngày 13-9-1969) viết: “Cá nhân Cụ có một sức hấp dẫn đặc biệt không gì so sánh được, không những đối với nhân dân nước Cụ, mà còn đối với tất cả những ai không mang nặng đầu óc thù hằn hay thành kiến”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục mọi người bằng đạo đức và phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương vừa có tính nguyên tắc, khoa học vừa mang chở giá trị nhân văn sâu sắc. Hơn bao giờ hết, càng ôn lại những tư tưởng, những lời căn dặn của Người, chắt lọc lại những câu chuyện về Bác, mỗi câu chuyện có những ý nghĩa khác nhau, mỗi cán bộ chiến sĩ thấy được bao nhiêu điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
Vũ Thị Kim Yến
(Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.259-261
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.215-222
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.587-590
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.215-222
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, Tr.161
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.571
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.594-596
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.572-575
9. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.5, tr.487-488
10. Đảm dục Đại (Gan phải lớn), Tâm dục tế (Tâm phải tế nhị, ít ham muốn, dục vọng trong lòng), Trí dục viên (Hiểu biết phải đầy đủ, thẳng thắn), Hạnh dục phương (Đức hạnh phải vuông vắn, nghiêm chỉnh)
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.489-490