Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Hội nghị trực tuyến lấy ý đại biểu Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi) được tổ chức vào sáng 24/4. Theo dự kiến, Hội nghị sẽ có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Đây là hoạt động nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, do Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Tại Hội nghị, cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo tóm tắt kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.
Đây cũng là nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 17, sáng 17/4 vừa qua.
Với 6.958.848 lượt ý kiến, tất cả các chương của dự án Luật đều nhận được đóng góp, nhiều nhất là chương 6 về "Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư" có đến 1.991.176 lượt ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và giải trình chi tiết đối với từng ý kiến góp ý, ông Quang cho hay.
Về một số vấn đề cụ thể được tranh luận nhiều chiều trong quá trình lấy ý kiến, kết quả tổng hợp cho thấy có 210 lượt ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất ở. Tuy nhiên, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều kiên trì quan điểm giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Theo cơ quan soạn thảo, việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; người sử dụng đất được giao các quyền sử dụng đất và được Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền này, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Giải thích của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều tiết địa tô chênh lệch phát sinh khi chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định tại dự thảo luật. Đó là Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Việc thực hiện quyền điều tiết của Nhà nước đối với trường hợp này được thể hiện cụ thể thông qua chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà thu hồi đất và chính sách thuế liên quan đến đất đai.
Cơ quan soạn thảo cũng đã chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất… và nhiều vấn đề cụ thể khác.
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn quan ngại khi dự thảo luật chưa làm rõ trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu về đất đai và quyền của nhân dân khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa hoàn thành ngày 16/4/2013 gồm 14 chương và 208 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Theo chương trình thì tại kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2013 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự án luật này. Tuy vậy đến nay vẫn còn không ít ý kiến đề nghị lùi thời điểm để có thể thông qua cùng dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp cuối 2013 của Quốc hội.
Theo VnEconomy(Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Kim Yến (st)