Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) được công bố toàn văn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 02- 01- 2013 đã và đang thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều lực lượng xã hội. Nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức trong nước đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tích cực vào 124 Điều của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Song đáng tiếc, lợi dụng việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, đã xuất hiện những ý kiến lạc lõng, đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chủ nhân của những ý kiến này yêu cầu phải sửa lại Điều 4 của bản Dự thảo Hiến pháp. Thực ra là họ muốn phản đối, phủ nhận quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, yêu cầu phải thực hiện đa đảng đối lập.

Trở lại lịch sử, đã có thời kỳ ở Việt Nam tồn tại nhiều đảng phái. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bên cạnh hoạt động của Đảng Cộng sản, xuất hiện các hoạt động của các tổ chức, đảng phái như: Đại Việt quốc xã; Đại Việt duy tân; Đại Việt quốc gia liên minh, Việt Quốc; Việt Cách…

Điều đáng chú ý là các tổ chức và đảng phái nêu trên đã liên minh với nhau, ra sức tuyên truyền quan điểm, lôi kéo quần chúng thực hiện những toan tính riêng của họ. Sự tồn tại cùng với hoạt động của các tổ chức, đảng phái phi vô sản thời kỳ này chẳng những không giúp ích cho sự phát triển của xã hội, mà ngược lại còn chống phá cách mạng rất quyết liệt, với mưu toan xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, chống đối chính quyền, gây nhiều phiền phức, thậm chí dùng bạo lực đàn áp nhân dân.

Khác hẳn bản chất so với các tổ chức đảng phái đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã xác định lãnh đạo nhân dân Việt Nam “làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới chủ nghĩa cộng sản”. Tôn chỉ mục đích hoạt động của Đảng phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cho nên ngay từ khi mới ra đời, nhân dân đã đặt niềm tin vào Đảng, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ, đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực tế lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay cho thấy, toàn bộ cống hiến của Đảng đều hướng vào “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, Đảng từng bước đem lại cho nhân dân ta cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc - mơ ước hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam. Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng thành công đã làm thay đổi địa vị của người dân Việt Nam - Từ “kẻ tôi đòi” trở thành người làm chủ chính mình và đất nước…

Những cống hiến về trí tuệ và công sức của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử đã qua đối với cách mạng Việt Nam càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng không thể thiếu được của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng. Những thắng lợi trong chiến tranh giải phóng dân tộc và thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gần một thế kỷ qua đã làm cho quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng thắt chặt, niềm tin và lòng tự hào của nhân dân đối với Đảng được củng cố, phát triển.

Hiến pháp nước Việt Nam là những đạo luật quy định về các vấn đề hệ trọng của đất nước, được xây dựng trên cơ sở khoa học, trí tuệ và niềm tin của toàn thể nhân dân Việt Nam. Quyền độc tôn lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Điều 4 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là thể hiện lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tiếp tục ủy thác cho Đảng thực hiện nhiệm vụ “công bộc” cho nước, cho dân. Ý kiến phủ nhận quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là đi ngược lại ý nguyện, niềm tin của nhân dân ta, phủ nhận sạch trơn toàn bộ truyền thống lịch sử của Đảng, của dân tộc.

Đồng hành cùng quan điểm trên, còn có ý kiến đòi thay đổi nội dung của Điều 70 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Họ kiến nghị “bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”, thực chất là họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Lịch sử thế giới cho đến tận bây giờ chưa có một kiểu quân đội nào phi chính trị (đứng ngoài chính trị).

Quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, phục vụ cho mục tiêu chính trị của giai cấp tổ chức, nuôi dưỡng, lãnh đạo nó, không có quân đội chung cho mọi giai cấp. Trong xã hội tư bản đương đại, dù họ thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng xét về thực chất đều là những hình thái tổ chức đại diện cho lợi ích các tập đoàn khác nhau của giai cấp tư sản. Nếu có tư tưởng quân đội trung lập ở các nước tư bản thì chỉ là ý muốn quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực Nhà nước, còn quân đội ở các nước đó vẫn không đứng ngoài chính trị, mà vẫn là đội quân thực thi các nhiệm vụ chính trị của Nhà nước tư sản.

Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội vô sản kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, là lực lượng vũ trang luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, quân đội ta nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, đánh thắng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc và bảo vệ sự ổn định của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và vai trò, trách nhiệm của quân đội trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng trong chặng đường dài đã qua được nhân dân thừa nhận, ghi nhận trong nội dung các bản Hiến pháp trước đây cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay.

Các kiến nghị đòi trung lập quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đều là quan điểm lạc lõng, phản lại lịch sử đấu tranh anh dũng, hy sinh nhưng rất vinh quang của Đảng, nhân dân, quân đội. Xét về nội hàm, 2 kiến nghị trên của họ là thống nhất về mục đích nhằm làm đảo lộn công cuộc đổi mới, lật đổ chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam như ở Đông Âu và Liên Xô trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Việc công khai trưng cầu dân ý tham gia góp ý kiến vào nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 là thể hiện bản chất dân chủ ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang xây dựng.

Việc khẳng định vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội và quân đội được ghi trong Điều 4 và Điều 70 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 là sự tiếp tục ghi nhận vai trò lớn lao và uy tín của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, đó là quan điểm đúng đắn, đầy tính thuyết phục, là cơ sở pháp lý cho phép chúng ta vạch trần và đập tan các quan điểm phản động của các lực lượng thù địch đang chống Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đại tá Chế Đình Quang

Theo http://bienphong.com.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: