Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân và đế quốc xâm lược, dân tộc Việt Nam anh hùng dưới ánh sáng của một Đảng lãnh đạo bản lĩnh và trí tuệ - Đảng Cộng sản Việt Nam, một vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết nên trang sử vàng bằng những chiến công rực rỡ mang tầm vóc thời đại, là niềm kiêu hãnh, tự hào của hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Một trong những dấu ấn vàng son ấy là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 19-12-1946 với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Thấm nhuần đường lối kháng chiến của Đảng, nhân dân ta “đồng cam cộng khổ”, vừa đánh, vừa giam chân địch trong lòng thành phố, vừa kéo Pháp lên vùng rừng núi hiểm trở, giáng cho chúng những đòn chí tử trong các chiến dịch: Việt Bắc thu đông 1947; Biên Giới thu đông 1950; Đường số 18, Hòa Bình, Tây Bắc, mặt trận Bình-Trị-Thiên, Thượng Lào, Đông Bắc Campuchia…

Liên tiếp thất bại trên chiến trường, Pháp cử tướng Hen-ry Na-va, Tham mưu trưởng các lực lượng khối Bắc Đại Tây Dương đến Đông Dương... Coi Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, Pháp hy vọng với tài chỉ huy của tướng Na-va với số lượng quân đông nhất từ trước tới lúc ấy (267 Tiểu đoàn) cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và sự chi viện ngày càng lớn của Mỹ, sẽ tìm một “lối thoát danh dự” trong cuộc chiến tranh hao người tốn của mà nhân dân Pháp, nhân dân tiến bộ trên thế giới kịch liệt phản đối.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thông minh, tài tình của Đảng, quyết tâm và kế hoạch tác chiến Chiến lược Đông Xuân, chúng ta đã chia nhỏ lực lượng địch rải ra khắp chiến trường mà tiêu diệt, hạn chế sự chi viện của chúng cho chiến trường Điện Biên Phủ, giải phóng vùng đất đai rộng lớn, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Thắng lợi quân sự trong kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng ta đưa ra đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng với Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Ngày 22-12-1953, Hồ Chủ tịch trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và gửi thư cho đồng bào, chiến sĩ cả nước. Người căn dặn: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà với cả quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.  

Trước vận mệnh của dân tộc, nhiệm vụ tối cao được Đảng và Bác Hồ trao cho người cầm quân, với nhận định sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén và tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13-3 đến ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Tướng Đờ-cát-tơ-ri, bộ tham mưu và sĩ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia.  

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là chiến thắng vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên phương diện quốc tế, trận này có một ý nghĩa rất lớn: Lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự quân đội của một cường quốc châu Âu. Cuộc tiến công Chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trong bài viết nhân kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết chiến, quyết thắng, kết hợp tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh, sáng tạo, nỗ lực phi thường để khắc phục khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại kẻ thù… Tinh thần Điện Biên Phủ là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn... Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân, của cả nước... Sự lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, điều thiết thực nhất là phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trên mặt trận mới - mặt trận chống nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân ta.

 

Theo http://www.baoanhdatmui.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: