9 giờ sáng ngày 29-4-1975 mãi là thời khắc không bao giờ quên đối với Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số (nay là Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân). Ngày ấy, con tàu 673 do ông làm thuyền trưởng đã cùng biên đội Tàu không số, hoàn thành nhiệm vụ thần tốc giải phóng Trường Sa trước ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975.
Quân dân đảo Song Tử Tây mít tinh kỷ niệm 38 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975/29-4-2013).
Một trưa Tháng Tư, ghé căn nhà đầy ắp hình ảnh, kỷ vật của Đoàn Tàu không số nằm trên đường Đoàn Như Hài, quận 4, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm – hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống (Tàu không số) Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, bồi hồi kể lại chiến tích lẫy lừng ngày ấy. Tháng 4-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân ngày càng khốc liệt và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Lúc bấy giờ, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị thành lập một biên đội, chuẩn bị lực lượng, vũ khí, khí tài… để thực hiện nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Biên đội gồm có 3 tàu thô sơ mang bí số 673, 674 (tàu chở Ban chỉ huy), 675 được ngụy trang như tàu đánh cá. Ông Nguyễn Xuân Thơm là Thuyền trưởng tàu 673, Nguyễn Đức, Thuyền trưởng tàu 674 và Phạm Duy Tam Thuyền trưởng tàu 675.
Vị Thiếu tá già kể lại: “Ngày 9-4, chúng tôi nhận lệnh, cấp tốc hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Ngày hôm sau, biên đội đã cập cảng Tiên Sa, lấy phương tiện, vũ khí, dầu, nước, lương thực…đưa Đại đội đặc công Đoàn 126 và Tiểu đoàn 471 đặc công Khu 5 xuống tàu. 4 giờ sáng ngày 11-4, từ Đà Nẵng, biên đội hành quân ra đảo Song Tử Tây. Nhiệm vụ lần này là phải nhanh chóng đánh chiếm đảo Song Tử Tây kịp ngày 14-4 và phải giải phóng hoàn toàn Trường Sa cùng thời điểm với giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thế nhưng đi được nửa đường thì xảy ra sự cố: Tàu dẫn đầu 674 bị hỏng máy, không hoạt động. Trước tình hình đó, tàu 675 phải buộc dây cáp để kéo tàu 674”.
Đối với Thuyền trưởng Thơm, do trước đó đã hai lần đi trinh sát quần đảo Trường Sa và một lần lái Tàu không số chở vũ khí tiếp tế miền Nam vào Trường Sa để tránh sự lùng sục của hải quân Mỹ nên ông là người có kinh nghiệm, thành thạo hải đồ Trường Sa. Vì vậy, tàu 673 trở thành tàu xung kích dẫn đầu. Nhưng do tàu này kéo tàu kia nên đoàn đi rất chậm. Trước tình thế cấp bách, nguy cơ đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch, Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm đã xin Ban chỉ huy cho tàu mình tách đoàn, đi một mình để kịp tiếp cận đảo.
Tờ mờ sáng ngày 13-4, tàu 673 tiếp cận đảo Song Tử Tây. Thuyền trưởng Thơm tiến hành trinh sát đảo và lực lượng bố trí của địch. Ông trở lại báo cáo Ban chỉ huy đang chờ ngoài biển để xin ý kiến và bàn bạc kế hoạch tác chiến. Một giờ đêm, tàu 673 xung kích, hai tàu còn lại yểm trợ. Lực lượng đặc công đổ bộ vào đảo bằng 3 chiếc xuồng cao su, áp sát các lô cốt hướng Bắc, Đông, Đông Nam. Thấy rằng địch có thể lấy xuồng cao su của ta để trốn thoát nên thuyền trưởng Thơm đã nêu sáng kiến cho anh em xì hết xuồng cao su, gói lại chôn dưới cát. Để tránh đánh nhầm địch với quân ta, Ban chỉ huy quyết định không đánh vào lúc trời còn tối mà đánh vào lúc 5 giờ sáng bằng khẩu ĐKZ mở màn.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm – nguyên Thuyền trường tàu 673
Một loạt đạn vang lên. Không phải khẩu ĐKZ của ta mà là loạt súng PRC 25 của địch. 3 giờ 40 sáng. Ta đã bị lộ? Các chiến sĩ dồn mắt về phía đảo. Im ắng. Hóa ra lúc tên lính của địch đổi gác, tiếng động của một con vật làm hắn giật mình, xả loạt đạn về phía có tiếng động.
5 giờ, quả ĐKZ đầu tiên bắn vào chòi canh của địch. Nhưng do tầm ngắm quá cao, quả đạn trật mục tiêu rớt ngay xuống biển. Rút kinh nghiệm, quả thứ hai trúng ngay mục tiêu. Chỉ trong vòng 30 phút, đặc công của ta đã tóm gọn lực lượng của địch, làm chủ đảo: 33 tên bị bắt sống, 7 tên bị thương. Bỗng một tên bất ngờ chạy ra bãi cát, lấy xuồng máy chạy trốn sang đảo Song Tử Đông. Giữa đường, chẳng may hắn gặp ngay tàu của Thuyền trưởng Thơm đang neo ở đó nên hoảng hốt quay lại và bị tóm gọn.
Đặc công bố trí lực lượng giữ đảo. Các tù binh bị dẫn về tàu 673. 11 giờ đêm, các tàu còn lại mới cập đảo, đưa quân yểm trợ. Lá cờ giải phóng bay phấp phới trên đảo Song Tử Tây. Tàu 675 kéo tàu 674 và chở tù binh về Đà Nẵng rồi tiếp tục chở quân ra yểm trợ. Tàu 641 được điều động cùng tàu 673 chở lực lượng đặc công tiếp tục giải phóng các đảo còn lại. Bị mất đảo trọng yếu Song Tử Tây, địch hoang mang. Cùng lúc đó, thông tin chiến thắng của quân giải phóng ở chiến trường miền Nam từ đất liền đổ về dồn dập khiến chúng càng hoang mang, hoảng loạn. Do đó, quân ta nhanh chóng giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa, Sinh Tồn, An Bang.
9 giờ sáng ngày 29-4, cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên quần đảo Trường Sa. Non sông, biển đảo thu về một mối.
Theo QUỲNH NGA
Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)