Trong quá trình tiến hành nghiên cứu xác minh nội dung lịch sử để xây dựng hồ sơ khoa học bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ năm 1959 đến năm 1969, chúng tôi đã được nghe câu chuyện về việc may áo cho Bác Hồ. Những người thợ may ở Xí nghiệp may 10 Hà Nội mãi mãi ghi sâu kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu. Những đồng chí công nhân lớn tuổi ở đây thường kể lại cho lớp thợ trẻ nghe câu chuyện xúc động khi Bác Hồ về thăm Xí nghiệp.

Đó là mùa Xuân năm 1959, cách đây hơn 50 năm, ngày 8-1-1959, khi Xưởng may 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Năm đó Bác đã 69 tuổi nhưng đi lại vẫn nhanh nhẹn. Bác lần lượt đi thăm từng phân xưởng may, thăm các cháu ở nhà trẻ và thăm nhà ăn của công nhân. Bác đi thăm các phân xưởng sản xuất trước. Đi dọc ba phân xưởng may, Bác thấy trên các bàn máy có cắm cờ đỏ, cờ xanh trên các cọc chỉ liền hỏi, thì anh chị em công nhân trả lời: “Thưa Bác, trong ngày làm việc, ai có năng suất cao thì được tặng cờ đỏ, năng suất thấp thì nhận cờ xanh”. Bác dừng lại bên bàn máy của một nữ công nhân trẻ có cờ xanh ân cần hỏi kỹ về phong trào thi đua này. Bác tỏ ý vui mừng và căn dặn: “Các cô, các chú phải phấn đấu giành nhiều cờ đỏ, bỏ cờ xanh. Các cô, các chú có làm được không?” Tất cả mọi người có mặt đồng thanh đáp: “Thưa Bác có ạ”. Sau khi đi thăm xong các phân xưởng, Bác quay về hội trường nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy. Bác nhắc nhở nhiệm vụ của xí nghiệp, của cán bộ và công nhân viên và căn dặn mọi người phải tiết kiệm trong quá trình sản xuất, phải chú ý đến việc cải tiến kỹ thuật. Cuối buổi nói chuyện, Bác trực tiếp phát động phong trào thi đua sản xuất trong toàn nhà máy, đồng thời Người hứa: “Nếu cuối năm đạt thành tích cao báo cáo lên Bác, Bác sẽ thưởng”.

Cán bộ, công nhân Xưởng may 10 rất xúc động khi thấy chiếc áo kaki màu đã bạc, sờn tay mà Bác vẫn mặc từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không ai bảo ai, mọi người có mặt trong buổi đón Bác đều mong muốn được may biếu vị lãnh tụ kính yêu bộ quần áo. Một đồng chí cán bộ lãnh đạo Xưởng may 10 đem ngay ý tưởng đó ra trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác. Suy nghĩ giây lát, đồng chí Vũ Kỳ nói: “Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ hết cả rồi. Các cậu có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu”. Hôm sau, nhận được bộ quần áo mẫu (bộ quần áo kaki cũ của Bác) do các đồng chí phục vụ Bác chuyển đến, anh chị em Xưởng may 10 lập tức bắt tay vào việc. Xưởng cử người sang X20 (Cửa hàng may đo lúc đó ở phố Cửa Đông) lấy vải kaki Trung Quốc có màu sắc tương tự như màu áo của Bác. Các ông Trần Văn Quảng, Nguyễn Công Thái và Phạm Huy Tăng là những người thợ lành nghề được giao nhiệm vụ may bộ quần áo này. Điều khó là khi đo cắt vải mới nhưng lại không được tháo rời bộ quần áo mẫu. Những người thợ bèn cắt theo phương pháp quy vuông: Trải vải mới chồng lên bộ cũ. Bộ quần áo kaki dùng làm mẫu là bộ được may từ năm 1945, là bộ Người đã mặc trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Đặc điểm bộ quần áo này là đường may bị lệch và thân quần một bên to một bên bé, khi cắt phải cố gắng thật khéo léo để khắc phục nhược điểm trên. Sau khi cắt nhiều mẫu, cuối cùng các anh chọn lấy hai mẫu giống nhất để may. Sau hơn một tháng, bộ quần áo đã may xong, xưởng gửi ngay cho đồng chí Vũ Kỳ hai bộ kèm theo một bức thư nói lên tấm lòng của cán bộ, công nhân xưởng may 10 đối với Bác Hồ. Bức thư có nội dung như sau:

Hà Nội ngày 23 tháng 2 năm 1959

Kính thưa Bác!

Ngày 8-1-1959 Bác về thăm chúng cháu. Chúng cháu coi ngày đó là một ngày lịch sử của xưởng chúng cháu. Chúng cháu vô cùng cảm động. Nhiều người đã khóc trước sự chăm sóc ân cần của Đảng, của Chính phủ và của Bác. Chúng cháu tự thấy rằng mình còn nhiều khuyết điểm, thành tích đã đạt được chưa xứng đáng với tấm lòng ân cần đó.

Chúng cháu làm việc ngày đêm, không kể giờ giấc để nâng cao sản xuất, kèm cặp, giúp đỡ anh chị em thợ mới vào nghề, năng suất của cả thợ mới, thợ cũ đều tăng. Do đó kế hoạch tháng 1 năm 1959 chúng cháu đã thực hiện được 109%. Về chất lượng chúng cháu đã đạt được 95,12%. Trong tháng 2 năm 1959 kế hoạch khá nặng nhưng chúng cháu quyết tâm để hoàn thành vượt mức.

Kính thưa Bác!

Hôm Bác đến chúng cháu chú ý nhìn kỹ thấy quần áo của Bác mặc đã cũ, chúng cháu vô cùng cảm động. Vì vậy chúng cháu không hẹn mà nên, mỗi người một ý bàn với nhau may biếu Bác hai bộ quần áo. Tuy quần áo chúng cháu may chưa được đẹp, nhưng đó là cả tấm lòng thành của chúng cháu đối với Bác, mong Bác vui lòng nhận cho chúng cháu. Chúng cháu coi đó là một vinh dự của chúng cháu.

Cuối cùng chúng cháu xin kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi.

   Toàn thể công nhân, quân nhân, nhân viên

Xưởng may 10 Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần”.

 Nhớ lại sự kiện này, đồng chí Cù Văn Chước - cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, sau này là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại: Nhận được thư và quà của Xí nghiệp may 10 gửi biếu Bác, tôi đã chọn một bộ cùng với bức thư để báo cáo với Bác. Sau khi Bác đi ăn cơm trưa về, tôi thưa với Bác: “Thưa Bác, anh chị em công nhân Xưởng may 10 tiết kiệm được vải, may biếu Bác bộ quần áo với tất cả tấm lòng thành, mong Bác vui lòng nhận cho”.

Bác Hồ cầm lên xem và khen may đẹp. Sau đó, Bác đánh máy bức thư gửi cán bộ, nhân viên Xưởng may 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần:

Thân ái gửi: Công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xưởng may 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần.

Bác rất vui lòng các cô, các chú có tiến bộ khá về:

                       Đoàn kết thân ái

                       Liên tục thi đua

                       Cải tiến kỹ thuật

                      Tăng gia sản xuất

                      Thực hành tiết kiệm

                      Quản lý xí nghiệp.

Chắc các cô, các chú đã tự thấy rằng: Tư tưởng thông thì công việc tốt. Những kinh nghiệm ấy nên phổ biến cho các nhà máy khác.

Nhưng các cô, các chú chớ thấy có tiến bộ mà tự mãn, tự kiêu. Trái lại cần phải cố gắng nữa để tiến bộ mãi.

Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ quần áo. Bác nhận rồi. Nay Bác gửi bộ quần áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô, các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy.

Chúc các cô, các chú vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết, tiến bộ.

                                                                      Ngày 24 tháng 2 năm 1959.

                                                                                        Bác Hồ”.

Nhận được thư Bác, một phong trào thi đua mới sôi nổi trong toàn xưởng may. Anh chị em nào cũng quyết tâm lập thêm nhiều thành tích để đền đáp lại tình cảm của Bác. Ngày nghỉ nhiều công nhân vẫn đứng máy, thực hiện khẩu hiệu: “Ngày không giờ, tuần không thứ”, toàn xí nghiệp dấy lên phong trào quyết tâm “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh”. Nhiều công nhân tăng năng xuất tới 200%, hầu hết các đầu máy không còn cờ xanh nữa. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật quan trọng đã nâng cao được chất lượng và năng suất lao động. Những lời dạy bảo ân cần của Bác trở thành nguồn động viên cán bộ, công nhân, viên chức của xí nghiệp, ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng xí nghiệp. Đầu năm 1960, Bác đã tặng cho cán bộ công nhân Xí nghiệp may 10 lá cờ thêu dòng chữ: “Đơn vị thi đua khá nhất” dưới là tên Bác: Hồ Chí Minh.

Trong phong trào thi đua đó, nhiều công nhân đạt thành tích cao trong lao động trong đó có ông Hoàng Nguyên đạt thành tích cao nhất và giành danh hiệu chiến sĩ thi đua. Ban Giám đốc, Đảng uỷ, Công đoàn Xưởng may 10 đã tặng cho đồng chí Hoàng Nguyên bộ quần áo kaki mà Bác gửi lại cho xí nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1962).

Bộ quần áo ông Hoàng Nguyên được tặng sau đó ông gửi lại Xí nghiệp để trưng bày ở phòng truyền thống. Để góp phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 3-5-1977, Xưởng may 10 đã gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bộ quần áo này. Hiện nay, bộ quần áo đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Còn bộ quần áo kaki các đồng chí phục vụ giữ lại, nhiều lần các đồng chí đề nghị Bác dùng bộ quần áo mới nhưng Bác đều từ chối. Cho đến dịp Bác chính thức đi thăm nước Cộng hoà Inđônêxia ngày 27-2-1959, khi lên máy bay Bác vẫn mặc bộ quần áo dạ lễ phục, sang đến Inđônêxia, áo của Bác bị đứt cúc. Lúc đó đồng chí Vũ Kỳ mới đưa bộ quần áo mới của Xí nghiệp may 10 biếu Bác đã chuẩn bị sẵn trong vali, đề nghị Bác mặc với lý do đồng chí không mang theo kim chỉ nên không đính lại cúc áo được. Bác cười và bảo: “Thế là chú cố ép Bác mặc áo mới nhưng chú nên nhớ rằng mình làm sao có thể thi sang với người ta được, mình phải biết tiết kiệm, dân mình đang còn nghèo lắm”.

Theo các đồng chí phục vụ Bác Hồ kể lại: Khi Bác tiếp khách thân mật tại Phủ Chủ tịch, Bác thường mặc bộ quần áo bà ba màu nâu giản dị như khi làm việc. Hôm nào trời hơi lạnh, Bác khoác thêm áo kaki, lạnh nhiều Bác khoác áo bông. Bộ quần áo kaki do Xí nghiệp may 10 may Bác thường mặc mỗi khi đi thăm các địa phương trong nước, đi thăm các nước anh em, đi dự hội nghị và các cuộc họp của Chính phủ, tiếp khách quốc tế.

Ông Tăng không ngờ 10 năm sau, ngày 2-9-1969, ông lại là người được may bộ quần áo cuối cùng cho Bác. Ngày đó những hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội cũng được nhận sứ mạng lịch sử này. Song tất cả các sản phẩm đều không được phê duyệt do dùng vải quá sang, không hợp với đức tính giản dị của Bác. Sau khi cân nhắc, nhiệm vụ này được giao cho Xí nghiệp may 10. Ông Tăng và ông Quảng lại được chọn thực hiện việc may áo để Bác mặc trong ngày tang lễ. Họ đã thức trắng đêm, vừa làm vừa khóc vì thương nhớ Bác và sau hai ngày thì công việc hoàn thành. Ông Tăng nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi đâu biết rằng chuyên gia Liên Xô và các cán bộ khoa học kỹ thuật chịu trách nhiệm giữ gìn thi hài Bác đã kiểm tra hết sức cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, từng sợi vải bằng nhiều loại máy móc hiện đại”. Nhưng mọi thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu. Sản phẩm đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thể theo nguyện vọng của Bảo tàng các tỉnh ở trong Nam, Xí nghiệp may 10 đã tặng cho mỗi tỉnh một bộ quần áo may theo mẫu bộ quần áo của Bác và đều do ông Tăng may. Bộ quần áo đang trưng bày tại Di tích nhà 54 trong Khu Phủ Chủ tịch là bộ quần áo do Xí nghiệp may 10 may trong dịp này. Bộ quần áo được đánh số kiểm kê BTHCM 361/ĐD-4 (chiếc áo) và BTHCM/ĐD-5(chiếc quần). Có một kỷ vật mà suốt mấy chục năm qua ông Phạm Huy Tăng luôn nâng niu gìn giữ đó là tấm huy hiệu Bác Hồ ông được cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch tặng khi may xong bộ quần áo của Bác. Ông nói: “Tôi đã học được rất nhiều từ đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ”. Hình ảnh Bác Hồ, tấm áo của Bác, một phần thưởng thi đua cao quý được trưng bày trong phòng truyền thống, bên cạnh lá cờ thi đua lấp lánh cùng tấm Huy chương của Quốc hội và Chính Phủ tặng đã ghi đậm thành tích 50 năm Xí nghiệp làm theo lời Bác.

 

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: