gioi thieu van ban

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua các Luật mới bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:

1. Luật Cảnh sát cơ động

Ngày 14/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động 2022 tại kỳ họp thứ 3, khóa XV. Luật gồm 5 Chương, 33 Điều, quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho cảnh sát cơ động, thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

Luật Cảnh sát cơ động được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động; trong đó, tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của Cảnh sát cơ động trong việc làm “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là “sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố”.

2. Luật Thi đua khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/6/2022 tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Luật Thi đua, khen thưởng được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Luật gồm 8 chương, 96 điều (giảm 7 điều so với Luật hiện hành) được thể hiện ở 8 nhóm với những điểm mới chủ yếu sau: (1) Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; (2) Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; (3) Đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tình hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); (4) Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ...; quan tâm đến công tác khen thưởng ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; (5) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; (6) Mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; (7) Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; (8) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng. 

3. Luật Điện ảnh

Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/6/2022 tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Điện ảnh được sửa đổi nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam - chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Luật gồm 8 chương, 50 điều, bổ sung và hoàn thiện nhiều nội dung lớn, như: (i) Quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; (ii) Đổi mới công tác thẩm định, cấp giấy phép trong hoạt động điện ảnh theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh; (iii) Quy định rõ hơn về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; (iv) Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng với nhiều biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế chung của thế giới, khuyến khích phổ biến phim Việt Nam trên truyền hình, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phổ biến phim trong rạp chiếu phim, quy định về chiếu phim lưu động phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; (v) Quy định cụ thể hình thức phân loại, hiển thị phân loại phim phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam và thông lệ quốc tế; (vi) Mở rộng chủ thể tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; (vii) Quy định lưu chiểu, lưu trữ phim theo hướng tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền sở hữu của chủ sở hữu phim; (viii) Bổ sung quy định về tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh để phát huy vai trò của tổ chức này trong phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. 

4. Luật Kinh doanh Bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi ) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3, với 7 chương, 157 điều (giảm 01 chương so với Luật hiện hành), theo đó, Luật đã hoàn thiện 07 nhóm chính sách, gồm:

(i) Mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; (ii) Mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; (iii) Hợp đồng bảo hiểm; (iv) Sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; (v) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; (vi) Bảo đảm an toàn, đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm; (vii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh. Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Luật được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

5. Luật Sở hữu trí tuệ

Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2024.

Luật SHTT được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt là quyền SHTT. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua; tiếp tục nội luật hóa các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều và bãi bỏ quy định tại 6 điều của Luật hiện hành. Một trong những chính sách quan trọng trong Luật là cơ chế giao quyền đăng ký một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả trong nghiên cứu khoa học. Bổ sung quy định việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, theo đó: quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: