Với thành tích bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 25 B-52, Sư đoàn Phòng không 361 (Sư đoàn Phòng không Hà Nội), Quân chủng Phòng không-Không quân là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972, góp phần cùng Bộ đội Phòng không-Không quân, quân và dân miền bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn chưa từng có của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đầu năm 1973.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) Đinh Thế Văn (người đội mũ) thuyết minh cách đánh B-52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)
Những ngày giữa tháng 12, có mặt tại Sư đoàn 361, chúng tôi chứng kiến khí thế thi đua sôi nổi trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà truyền thống Sư đoàn, Đại tá Trương Mạnh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 361 cho biết: Ngày 19/5/1965, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định số 67/QĐ-CP thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Cùng với sự lớn mạnh của Bộ đội Không quân, Bộ đội Rađa và hơn năm vạn dân quân tự vệ được trang bị súng máy, súng trường bắn máy bay bay thấp, lực lượng phòng không ba thứ quân của Thủ đô bắt đầu được hình thành với Sư đoàn Phòng không Hà Nội làm nòng cốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội.
Ngày 25/6/1965, sau 36 ngày thành lập, Sư đoàn ra quân đánh thắng trận đầu bắn rơi một máy bay RF-4C của Mỹ, khi chúng lần đầu xâm phạm vùng trời Thủ đô, ghi “chiến công đầu” trong sổ vàng thắng Mỹ của quân và dân Hà Nội. Ngay sau chiến thắng trận đầu, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố đến thăm, tặng cờ và khẳng định: Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội là con em của nhân dân Thủ đô. Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẵn sàng làm hết sức mình để chi viện sức người, sức của.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến sự trưởng thành của lực lượng phòng không Hà Nội. Sư đoàn vinh dự tám lần được đón Bác Hồ về thăm. Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt; tập trung vào việc điều chỉnh lực lượng đội hình chiến đấu; triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp; huấn luyện các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho bộ đội. Ngày 31/10/1972, Sư đoàn tổ chức hội nghị cán bộ bàn phương án đánh cụ thể và lớp huấn luyện bồi dưỡng ngắn về cách đánh máy bay B-52 theo cuốn “Cách đánh B-52” - Cuốn cẩm nang chính thức được sử dụng làm tài liệu để huấn luyện Bộ đội Tên lửa về cách đánh B-52 cuối tháng 12/1972.
Một trong những trận đánh tiêu biểu nhất của Sư đoàn là tại trận địa Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Theo đó, vào lúc 2 giờ ngày 19/12/1972, 21 lần chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ Mỹ ở Utapao (Thái Lan) bay vào đánh Hà Nội với mục tiêu chính là Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Lúc 4 giờ 16 phút cùng ngày trên bản đồ thu tình báo B1 lần lượt xuất hiện các tốp B-52 có ký hiệu 520, 522, 526, 954... Đến 4 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 77 vào cấp một xong, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn ra lệnh cho đài 2 phát sóng, kíp chiến đấu kiên trì bám trận địa và phát hiện tín hiệu máy bay B-52 ở cự ly 28km. Tiểu đoàn trưởng quyết định đánh bằng phương pháp tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc. Bình tĩnh, tự tin, bằng kinh nghiệm và cách đánh sở trường của mình, kíp chiến đấu chuyển sang chế độ bám sát tự động.
4 giờ 32 phút Tiểu đoàn trưởng lệnh phóng hai quả đạn: Quả 1 cự ly 26km, quả 2 cự ly 25km, phương vị 200, giãn cách 6 giây; phương pháp bám sát tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc. Hai quả đạn gặp mục tiêu và nổ tốt, chiếc B-52 bốc cháy rừng rực, rơi xuống cánh đồng xã Tân Hưng, Thanh Oai (Hà Tây cũ). Đây cũng là một trong 25 trận đánh tiêu biểu, xuất sắc nhất của Sư đoàn 361 trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Sư đoàn 361 đã bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 chiếc B-52. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn tham gia cơ động chiến đấu ở địa bàn 20 tỉnh, thành phố, đánh hơn 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay Mỹ các loại. Ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc nêu trên, ngày 15/1/1976, Sư đoàn 361 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Sư đoàn có 19 tập thể và 22 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Hiện nay, Sư đoàn 361 có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội về xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, lực lượng của Sư đoàn được tăng cường, phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đại tá Nguyễn Văn Đấy - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 khẳng định: Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đang ra sức thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, trong đó lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Sư đoàn tập trung huấn luyện theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm” và các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; tăng cường huấn luyện đêm, cơ động nhanh, huấn luyện hiệp đồng, xử lý các tình huống phức tạp ở khu vực trọng điểm. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập hiệp đồng quân, chủng có lực lượng thực binh để nâng cao trình độ, khả năng của người chỉ huy và sự phối hợp của các lực lượng.
Huấn luyện chính trị làm cơ sở, huấn luyện quân sự làm trọng tâm. Tích cực, chủ động huấn luyện chuyển loại khí tài mới, khí tài cải tiến. Cùng với đó, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, lấy xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt; tăng cường xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; bảo đảm tốt vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ, tự lực, tự cường chủ động khắc phục khó khăn xây dựng doanh trại, trận địa, tăng gia sản xuất nâng cao đời sống của bộ đội…
Tự hào với truyền thống Sư đoàn anh hùng, nhất là những chiến công, thành tích đã đạt được trong Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 hôm nay luôn đoàn kết thống nhất, nâng cao bản lĩnh chính trị, đề cao cảnh giác cách mạng, không ngừng học tập, rèn luyện, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô thân yêu./.
TRẦN ĐỨC LƯU
Theo Báo Nhân Dân
Bùi Hảo (st)