Những ai đã đặt chân đến Trường Sa, ngoài gặp gỡ các chiến sĩ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, không thể không đến thăm hỏi cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa lớn.

Cô giáo Bùi Thị Nhung quê ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, trước khi tình nguyện ra đảo, cô công tác ở Trường Tiểu học Suối Cát.

Cô giáo Nhung cho biết: “Khi biết thông tin cần cô giáo ra Trường Sa dạy học, tôi liền viết đơn tình nguyện ra đảo công tác. Ban đầu, chồng không đồng ý, bạn bè, người thân khuyên can... nhưng vì thương các cháu ngoài đảo xa không có người dạy học nên tôi quyết tâm ra Trường Sa”.

Dự lớp học của cô giáo Nhung, mọi người đều ngỡ ngàng: Cô vừa là “Hiệu trưởng”, vừa là giáo viên chủ nhiệm của 4 lớp học. Để hoàn thành nhiệm vụ cô phải đầu tư thời gian soạn nhiều giáo án, duy trì các lớp học đều đặn.

Trên bảng là tên của từng học sinh, từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi lớp có 2 học sinh và lớp lớn nhất chỉ có 1 học sinh. Do có nhiều em ở độ tuổi khác nhau học cùng một lớp, hằng ngày, cô Nhung phải chia thời gian một cách hợp lý để việc dạy học đạt hiệu quả. Ở đây, các em học chính khoá vào buổi sáng, còn buổi chiều cô vừa dạy phụ đạo, vừa "trông nom" các em...

co-giao-ts-a
Một buổi lên lớp của cô giáo Bùi Thị Nhung

Trường Tiểu học Trường Sa lớn văng vẳng tiếng trẻ đánh vần, tiếng cô giáo giảng bài vang lên giữa từng con sóng. Cháu Đặng Bùi Phương Anh đang ôn tập môn toán. Cháu Nguyễn Thị Hồng Hương luyện đọc bài “Đồng dao Biển Đảo”. Còn một số cháu khác đang luyện viết chính tả...

Vất vả là thế nhưng cô giáo Nhung luôn cảm thấy ấm lòng bởi tình cảm chân thành mà học sinh, người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo dành cho mình. Cô tâm sự: “Học sinh ở trong đất liền thường hiếu động hơn, nhưng các em ở đảo rất tình cảm, yêu quý cô giáo như người thân”. Nói về cô giáo của mình, Đặng Bùi Phương Anh kể: “Cô giáo Nhung giảng rất dễ hiểu, chúng em nhanh thuộc bài. Cô dạy chúng em múa hát, biết kính trên, nhường dưới. Cô Nhung là người mẹ hiền. Mai này lớn lên em cũng làm cô giáo như mẹ Nhung”.

co-giao-ts-b
Chăm chú nghe cô giảng bài

Trong điều kiện thiếu thốn đồ dùng dạy học cũng như các loại sách tham khảo, cô còn tìm tòi để đưa ra nhiều vật dụng dạy học phục vụ các em. Cô nhờ người thân, bạn bè sưu tầm, mua lại những sách có ý nghĩa thiết thực để mỗi lần có tàu ra đảo là những cuốn sách cũng được chuyển ra để cô và trò cùng tham khảo.

Về nguyện vọng của cá nhân trong thời gian tới, cô giáo Bùi Thị Nhung tâm sự: "Đã xác định ra đây công tác là tôi đã dành hết tình cảm cho Trường Sa. Ở Trường Sa lớn, tôi thấy tình cảm giữa mọi người ấm áp, cuộc sống bình yên. Tình cảm ấy thể hiện bằng lời nói, hành động của mọi người trên đảo. Mỗi khi gia đình có chuyện buồn, chuyện vui mọi người đều đến động viên, chia sẻ. Đặc biệt, mỗi khi nhìn những thấy những gương mặt ngây thơ, háo hức của các em học sinh trên đảo Trường Sa lớn, tôi lại càng mong muốn góp một phần nhỏ sức mình cống hiến cho sự nghiệp dạy học ở nơi thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời xây dựng đảo Trường Sa lớn ngày càng vững chắc hơn".

co-giao-ts-c
Giờ ra chơi của các em học sinh đảo Trường Sa lớn

Ngày qua ngày, những mái trường ven chân sóng ở đảo Trường Sa lớn vẫn vang lên tiếng đánh vần. Những gương mặt trẻ thơ, hồn nhiên đến lớp trong tình yêu thương của cô giáo. Dẫu rằng nơi ấy còn nhiều thử thách, nhưng các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương cùng các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua và khắc phục khó khăn để duy trì đều đặn những lớp học.

Sự miệt mài của cô đã được đáp đền xứng đáng, 100% học sinh trên đảo đều đạt học lực khá và giỏi. Trên Trường Sa đầy nắng và gió, thời tiết khắc nghiệt, các em như những mầm xanh đâm chồi, nảy lộc, vươn cao khẳng định sức sống đảo xa.

 

Bài, ảnh: Văn Phong

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

 

Bài viết khác: