"... Đối với nhiều người thường nói là ra thăm Trường Sa, còn riêng em dù chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, nhưng trong trái tim em Trường Sa là quê hương thứ hai của mình, Tổ quốc của chúng ta trên biển. Mà đã là quê hương thì phải là trở về...".

Trở về Trường Sa

Từ quân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), tôi lên tàu HQ 571 để ra thăm Trường Sa. Tàu HQ 571 là tàu khách mới được đưa vào sử dụng, làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, chiến sĩ và các đoàn công tác ra thăm và làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tất cả trang thiết bị trên tàu HQ 571 vẫn còn mới tinh, sạch sẽ, hiện đại. Anh bạn cùng phòng tôi tên Trần Văn Phúc thốt lên: Nói không ngoa tý nào, HQ 571 giống như một tàu du lịch cao cấp từ phòng ở đến giường ngủ, phòng tắm. Tôi háo hức đi khắp HQ 571 để khám phá vẻ hiện đại của con tàu.

Khi vừa đặt chân lên boong tàu, thấy một thanh niên trạc 30 tuổi đang mải miết ghi chép vào cuốn sổ tay. Tôi lại gần bắt chuyện. Tên anh là Trần Anh Tuấn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Trong cuốn sổ tay, Tuấn ghi: ...7h30 xuống tàu, nhận phòng, sắp xếp đồ đạc xong xuôi. Chỉ còn ít phút nữa thôi, tàu sẽ nhổ neo rời bến, bỗng dưng mình cảm thấy bồi hồi, háo hức được trở về Trường Sa… Tôi thắc mắc hỏi Tuấn:

- Em ghi là trở về Trường Sa, vậy em ra Trường Sa mấy lần rồi?

Tuấn giải thích ngay: "Đối với nhiều người thường nói là ra thăm Trường Sa, còn riêng em dù chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, nhưng trong trái tim em Trường Sa là quê hương, Tổ quốc của chúng ta trên biển. Mà đã là quê hương thì phải là trở về, tìm về quê phải không anh?".

Cách giải thích của Tuấn khiến tôi thoáng chút ngạc nhiên, nhưng trong lòng lại vô cùng xúc động. Một đứa con xa xứ trở về thăm lại mảnh đất thiêng mà biết bao thế hệ cha ông ta đã đổ máu xương để gìn giữ, khẳng định chủ quyền. Trường Sa, quê hương Tuấn, quê hương của tôi và là quê hương tất cả những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Trò chuyện với Tuấn, tôi chợt nhớ đến những câu thơ trong bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của tác giả Nguyễn Việt Chiến mà tôi rất thích: …Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân/Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)/Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh/Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

to-quoc-nhin-tu-bien-a
Khoảng xanh trên đảo chìm

Trong chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, Đoàn chúng tôi tổ chức hai buổi Lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc: Một buổi ở Trường Sa, một buổi ở bãi Tư Chính (nơi có nhà dàn DK1-14). Cả hai buổi Lễ tưởng niệm đều được tổ chức rất trang trọng, thành kính, chu đáo, đem đến cho tôi và các thành viên trong Đoàn những cảm xúc không bao giờ quên. Tất cả các thành viên trong Đoàn ai nấy đều xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt.

Buổi lễ tưởng niệm tại bãi Tư Chính, khi những nén hương thơm vừa được thắp lên, con tàu HQ 571 bỗng dưng nghiêng lắc, khiến tất cả mọi người phải vịn vào nhau để khỏi ngã. Lạ thật! Biển đang êm đềm, cớ sao con tàu lại đột nhiên chao đảo. Chỉ vài chục giây sau, con tàu thôi không còn nghiêng lắc nữa.

Sau buổi lễ, có người trong Đoàn bảo: Anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên biển, đảo đã về chứng kiến lòng thành kính, tưởng nhớ của Đoàn công tác và cả những người con đất Việt đang sống hôm nay. Vâng! Tổ quốc Việt Nam sẽ mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh của các anh. Tôi không khóc mà sao nước mắt cứ trào ra.

Chúng tôi cùng nhau thả vòng hoa và lễ vật xuống biển với mong muốn các cán bộ, chiến sĩ Hải quân năm xưa đang yên nghỉ trong lòng biển quê hương luôn theo sát thế hệ hôm nay và mai sau, mãi giữ vững biển đảo thân yêu của Tổ quốc...

Hai bố con, hai vợ chồng cùng ra đảo

Anh Nguyễn Văn Thanh, quê ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một doanh nhân hiện đang sinh sống tại thành phố Lép-dích, Cộng hòa Liên bang Đức (đoàn Đảng bộ ngoài nước) hồ hởi khoe: "Năm trước, con gái tôi về nước và được đi thăm Trường Sa, cháu thích lắm. Cháu kể nhiều chuyện về Trường Sa, về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo. Sau chuyến đi, con gái tôi đã hiểu hơn về Trường Sa, về Tổ quốc Việt Nam. Nghe con gái kể chuyện, gia đình rất xúc động. Tôi ao ước một ngày được tới thăm Trường Sa. Năm nay, khi nhận được thông tin từ Đảng bộ ngoài nước về chuyến thăm Trường Sa và nhà dàn DK1, tôi vội sắp xếp công việc để trở về nước".

Tới thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo và nhà giàn, tôi vô cùng khâm phục. Mặc dù, cuộc sống của họ còn thiếu thốn, vất vả, khó khăn nhưng rất hiếu khách. Điều khiến tôi thực sự bất ngờ là mình ra thăm để động viên anh em nhưng không ngờ anh em lại động viên lại mình.

Khi được trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo, tôi cảm nhận họ luôn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ. Trong họ luôn tràn đầy ý chí quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chẳng hề nói về những khó khăn, vất vả ở nơi đảo xa hay những đòi hỏi cho bản thân mình mà chỉ muốn nhắn nhủ đất liền rằng hãy tin tưởng ở họ: Đất liền là điểm tựa để họ chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

to-quoc-nhin-tu-bien-b
Những công dân nhí của huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Trung

Anh Thanh tâm sự với chúng tôi, mặc dù ra nước ngoài sinh sống được 25 năm nhưng bao giờ anh cũng tự nhủ mình là người Việt Nam. Anh luôn nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu đều phải có trách nhiệm đóng góp tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo mà cha ông để lại. Món quà 2000 ơ-rô do anh và một số người Việt Nam đang sinh sống tại Đức đóng góp gửi tặng quân dân trên đảo là tình cảm của những người con xa xứ đối với Trường Sa thân yêu. Anh Thanh luôn mong muốn những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài ngày càng có nhiều hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa để hướng về Trường Sa, góp phần cùng quân và dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa. Anh Thanh quả quyết: "Tôi ước mong được trở lại Trường Sa nhiều lần nữa".

Trong chuyến đi công tác tại Trường Sa lần này, điều làm tôi bất ngờ nữa chính  là việc hai vợ chồng cùng ra đảo trên một chuyến tàu. Đó là vợ chồng anh Võ Thành Nhân (ca sĩ) và chị Phan Thị Quỳnh (diễn viên múa) thuộc Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Bình. Trò chuyện với tôi, anh Nhân bảo: Được đi Trường Sa là niềm mơ ước bao lâu nay của vợ chồng tôi. Bây giờ mơ ước ấy mới thành hiện thực. Được đến Trường Sa biểu diễn là một dấu ấn nghề nghiệp của đời mình. Trước khi đi, hai vợ chồng tôi luyện tập nhiều tiết mục để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Chúng tôi muốn mang hơi ấm của đất liền, của người Quảng Bình đến với anh em chiến sĩ ngoài đảo xa. Chúng tôi thấy cuộc sống của người lính đảo dù vẫn rất vất vả nhưng thấy đoàn công tác tới, họ rất nhiệt tình. Đến mỗi đảo mình lại có cảm giác khó tả. Đêm biểu diễn ở đảo Sơn Ca, tôi hát bài “Lính đảo đợi mưa” sáng tác nhạc của nghệ sĩ Quỳnh Hợp, thơ Trần Đăng Khoa. Các chiến sĩ hái tặng anh em nghệ sĩ chúng tôi hoa bàng quả vuông-loài hoa chỉ nở về đêm. Món quà nhỏ, giản dị nhưng chúng tôi vô cùng xúc động, bởi đấy là những tình cảm chân thành của người lính đảo. Chúng tôi muốn biểu diễn đến tận sáng, nhưng vì quy định của đảo, nên không thể thực hiện được. Đây là buổi biểu diễn đáng nhớ của cuộc đời tôi. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ xây dựng nhiều tiết mục mang ý tưởng về biển đảo, ca ngợi những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc để khán giả, người dân ở đất liền thêm hiểu và luôn hướng đến Trường Sa...

(Còn nữa)

Ghi chép của Nguyễn Kiểm

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: