Mỗi lần trở lại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) - “Thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) là mỗi lần chúng tôi có dịp ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, được nghe kể về Bác trong những năm Bác sống và làm việc giữa Chiến khu Việt Bắc.
Tại nơi đây, Người cùng Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đến vận mệnh dân tộc, quyết định đánh trận Điện Biên Phủ làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ ATK Định Hóa, đúng dịp kỷ niệm 1000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11 tháng 6 năm 1948, từ Nà Lọm, xã Phú Đình - trung tâm của An toàn khu (ATK) Định Hóa, Người đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm; Cách làm là: dựa vào Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây Hạnh phúc cho dân. Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa... Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”
An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: baothainguyen
Lời kêu gọi của Người một lần nữa được nhấn mạnh tại phát động thi đua ái quốc sau đó (ngày 19/6/1948) cùng với lời kêu gọi các tướng sĩ yêu mến tiến lên. Đáp lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thi đua lao động sản xuất, đánh giặc thực dân, giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận. Sau 3 năm phát động phong trào “Thi đua yêu nước”, năm 1952, Thái Nguyên tiếp tục được chọn là nơi tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở xã Hợp Thành, huyện Phú Lương. Tại đây, 7 Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã được bầu chọn, gồm 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan, Nguyễn thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu. Những tấm gương anh hùng được tuyên dương tại Đại hội đã trở thành hình mẫu của các thế hệ người Việt Nam yêu nước từ Bắc vào Nam trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và lao động sản xuất, xây dựng CNXH, chi việc cho chiến trường miền Nam.
Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc ở ATK Định Hoá, suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ sau này đã có trên 30 phong trào thi đua của toàn dân và của riêng các lực lượng, các ngành, các giới gắn với lời kêu gọi ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những phong trào tiêu biểu như: Vững tay cày, chắc tay súng (1961), Thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất (1961), Thi đua sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ (từ năm 1957); Thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật (từ năm 1961), Tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng HTX (từ năm 1961), Phong trào phụ nữ 5 năm tốt (từ năm 1964); Phong trào Ba đảm đang (từ năm 1965). Trong Quân đội có phong trào cờ 3 nhất: Đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất; Thanh niên có Ba sẵn sàng. Thiếu niên nhi đồng có phong trào thi đua Nghìn việc tốt (1963).
Trong kháng chiến chống Mỹ, còn có phong trào thi đua chung cho toàn miền Bắc: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt (1964).. Thi đua yêu nước trở thành động lực trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng hậu phương miền Bắc, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử năm 1975, thống nhất đất nước... Cho đến này hôm nay, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Điểm di tích Nà Lọm cùng các di tích quan trọng khác tại ATK Định Hoá được Ban Quản lý Di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hoá đầu tư, tôn tạo trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng lý tưởng cho thế hệ trẻ.
Tự hào là vùng đất chiến khu cách mạng, nơi ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong công cuộc đổi mới ngày nay, đồng bào các dân tộc của huyện Định Hoá đang ra sức thi đua xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp hơn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tổng nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong toàn huyện đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng; trong đó, riêng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư cho vùng ATK hơn 120 tỷ đồng, vốn do các bộ, ngành tài trợ trên 70 tỷ đồng, phần vốn còn lại được đầu tư thông qua các Chương trình 135, 134, các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn ngân sách tỉnh và huyện... Với sự đầu tư thiết thực, hiệu quả đó, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện đạt 11%/năm, bình quân lương thực đạt trên 500kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4%/năm.
Khu du lịch ATK Phú Đình của huyện đã từng bước được đầu tư và hình thành, hàng năm đã thu hút từ 40 - 50 vạn lượt khách đến du lịch và thăm quan, góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành du lịch của tỉnh Thái Nguyên... Đặc biệt, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh Thái nguyên và huyện đã tổ chức tôn tạo phục dựng trên 30 điểm di tích, lập hồ sơ trình công nhận cho 19/128 điểm di tích lịch sử ATK Định Hoá, khôi phục nhiều loại hình văn hóa phi vật thể phục vụ cho công tác nghiên cứu, phổ biến, phát huy giá trị di tích, làm cơ sở phát triển du lịch bền vững...
Đúng dịp kỷ niệm kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời thi đua ái quốc, đồng bào các dân tộc trên quê hương cách mạng Định Hoá tiếp tục chung sức thực hiện phong trào thi đua mới với mục tiêu từ nay đến năm 2015 duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 12% trở lên, thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm, hàng năm trồng mới và trồng thay thế 1000 ha rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, xây dựng 4 xã đạt chuẩn “nông thôn mới”, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... đưa ATK Định Hoá xứng tầm với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Theo Hoàng Thảo Nguyên
Huyền Trang (st)