Đến với Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) hôm nay, Nhân dân khắp cả nước đều chung niềm cảm xúc nhớ Bác khôn người. Lặng ngắm từng kỷ vật, mỗi người dường như thấy được hình ảnh giản dị, ấm áp của Bác năm xưa!

ve tham khu k9 1
Từng dòng người về tham quan Khu Di tích K9.

Ngôi Nhà sàn mang hình bóng Người

Ngôi nhà có diện tích 275 m2, gồm 2 tầng, nhìn về hướng Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ râm mát. Tầng 1 của ngôi nhà có 2 phòng, trong đó phòng lớn được bố trí làm phòng họp chính của Trung ương. Tại căn phòng này, Bác đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và tiếp 2 đoàn khách quốc tế. Tầng 2 của ngôi nhà có 4 phòng, gồm 1 phòng họp, 2 phòng nghỉ của khách và 1 phòng nghỉ của Bác. Khu nhà bếp và phòng ăn được nối với nhà làm việc bằng lối đi có mái che. Các lối đi quanh nhà đều được rải sỏi cuội theo gợi ý của Bác để vừa làm cho nhà mát hơn, vừa có tác dụng tạo tiếng động đề phòng có thú dữ, biệt kích đi vào…

ve tham khu k9 3
Ngôi Nhà sàn dường như vẫn mang hình bóng của Bác.

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: Sau khi Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần hoàn thành việc thiết kế, Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà cụ thể, tỷ mỷ: Tầng 1 không làm cửa đóng, then cài mà thiết kế cánh cửa đẩy ra, vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao; cầu thang, hành lang phải rộng; cửa sổ không chắn song để nhìn ra bức tranh thiên nhiên xung quanh; có hầm tránh máy bay… Ngôi nhà được khởi công vào tháng 9 năm 1959. Đặc biệt, Bác đã cắm mốc, nhắm hướng cho dựng ngôi nhà chính. Đến 15/3/1960, Ngôi nhà được khánh thành. Bác đã đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành.

Năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Khu Di tích K9 đã bồi hồi xúc động chỉ chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì Hội nghị. Bên trái Bác ngồi là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng; bên phải Bác ngồi là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác. Sau đó, Đại tướng đã ngồi vào chiếc ghế trước đây ông ngồi dự họp và ghi dòng chữ vào sổ lưu niệm “… ngồi nhìn ra sông Đà, nhớ Bác vô cùng”.

ve tham khu k9 4
Một góc của căn Nhà sàn.

Nhớ Bác!

Năm 1975, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Bác Hồ kính yêu trở về Ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử. Khu Đá Chông trở thành khu dự phòng và tiếp tục được quản lý, tôn tạo, duy trì các hiện vật và là nơi đón tiếp, phục vụ đồng bào, khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Bác, tham quan khu vực. Đây cũng là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, văn hoá truyền thống của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội.

Đến tham quan Khu Di tích K9 hôm nay, mọi người đều không kìm nén được sự xúc động, bởi từng hình ảnh, hiện vật đều mang đậm dấu ấn của Người. Các vật dụng trong ngôi nhà vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Lặng ngắm từng kỷ vật, từ chiếc đệm cỏ của đồng bào Thái (Sơn La) tặng Bác, chiếc lọ cắm hoa, chiếc đèn ngủ, bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc, đến các đồ dùng trong nhà bếp, trên bàn ăn…tất cả đều đơn sơ, giản dị, thể hiện cuộc sống đời thường thanh bạch của vị lãnh tụ vĩ đại.

Đặc biệt, đến với Khu Di tích K9 những ngày tháng 4 này, Nhân dân và khách quốc tế sẽ được ngắm nhìn những tư liệu ảnh tại Triển lãm ảnh “Bác Hồ với Đá Chông - K9”. Triển lãm do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức, là hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), 66 năm lần đầu Bác Hồ đến Đá Chông (1957 - 2023). Với hơn 150 bức ảnh tư liệu quý, đặc sắc, Triển lãm gồm 3 phần: Phần 1: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Việt Nam; Phần 2: Bác Hồ với Đá Chông - K9; Phần 3: Phát huy di sản văn hoá Hồ Chí Minh tại Đá Chông - K9.

di tich k9
Những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Khu Di tích K9.

“Một điểm ấn tượng của Triển lãm là tôi được thấy những hình ảnh rõ nét về Bác Hồ tại Khu Di tích K9, hình ảnh Bác tiếp các Đoàn quốc tế như: bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai và ông Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Anh hùng G.M. Ti-Tốp… thông qua đó, chúng ta thấy được phong cách giản dị, tình cảm chân thành, tình hữu nghị quốc tế thuỷ chung trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi hình ảnh khiến tôi và mọi người đều cảm thấy vô cùng xúc động và thêm nhớ về Bác” - Bác Nguyễn Thị Tú (Cựu chiến binh quận Cậu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Trần Thị Quỳnh (xã Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết: “Phần thứ ba của Triển lãm đã cho thấy được những hình ảnh của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Khu Di tích K9; hoạt động của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Ban Quản lý Lăng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh tại Đá Chông - K9; tình cảm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hoạt động tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Khu Di tích… thông qua đó, chúng tôi cảm nhận được công việc của các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tại đây. Rất cảm động và mong rằng các đồng chí sẽ luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9”.

ve tham khu k9 2
Nhân dân tham quan những hình ảnh tại Triển lãm.

Bước chân trên con đường sỏi, lắng nghe từng tiếng lá cây đung đưa theo làn gió… mỗi cảnh vật nơi đây dường như là minh chứng rõ nét về tình yêu và cuộc sống gắn bó, hài hoà với thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngắm nhìn từng kỷ vật, nhớ về Bác, các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay nguyện học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người, để cùng nhau chung sức xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: