Nhắc đến Trường Sa trong mỗi trái tim người Việt Nam dù sinh sống làm việc ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn bồi hồi, thổn thức. Và mỗi người lại yêu Trường Sa theo cách riêng của mình.
“Trốn” vợ đi Trường Sa
Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) người vừa trải qua đợt phẫu thuật lần thứ hai áp xe ruột thừa lại bị nhiễm trùng. Biết tin có Đoàn công tác ra Trường Sa, ông vội “khăn gói” mang vài bộ quần áo giấu vợ để thực hiện chuyến đi. Ông bảo: "Nếu không giấu, sợ bà xã nhà tôi lại ngăn cản vì tôi vừa trải qua phẫu thuật, sức khỏe vẫn chưa bình phục". Ông bảo tình yêu biển, đảo đã giúp sức khỏe của ông tiến triển rất tốt trong suốt hành trình ra Trường Sa. Đây cũng là lần thứ hai, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm ra thăm Trường Sa. Năm 2009, lần đầu tiên ông được đặt chân tới Trường Sa.
Đoàn cán bộ, nhân dân tỉnh Tuyên Quang trồng cây đa Tân Trào tại đảo Sơn Ca
Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm nhận xét: Sau 4 năm được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, Trường Sa đã thay da đổi thịt. Trước đây, muốn vào các đảo chỉ có xuồng chuyển tải, hoặc xuồng cao su như chiếc lá trên biển rất nguy hiểm. Hiện giờ, ở các đảo đã có xuồng CQ rất tốt. Cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, làm việc của cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện đáng kể, khiến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở nơi hải đảo xa xôi được ấm lòng. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã giúp đảo gần hơn với đất liền. Bây giờ, hầu hết các đảo đều có sóng điện thoại Viettel, sóng truyền hình... Ở nhiều đảo đã có hệ thống phong điện, điện năng lượng mặt trời. Những chuyến thăm của các Đoàn công tác được tổ chức đều đặn, mang tình cảm, hơi ấm của đồng bào ở đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và người dân hải đảo xa xôi. Nhờ đó, Trường Sa ngày càng gần với đất liền hơn.
Trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, chúng tôi được biết: Trước chuyến ra Trường Sa lần này, ông đã tới thăm gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Liệt sĩ Trần Đức Thông là một trong 64 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu giữ đảo năm 1988. Tiến sĩ Sâm đề xuất: Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước luôn quan tâm đến quân và dân huyện đảo Trường Sa, tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần tiếp tục chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo hơn nữa. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho Trường Sa, kể cả việc chăm lo cuộc sống cho thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa cho thế hệ trẻ, để họ luôn hiểu rằng đó là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh để bảo vệ quần đảo. Ảnh: Nguyễn Trung
- Cảm xúc của Tiến sĩ khi ra Trường Sa lần này thế nào? - Tôi hỏi.
- Đi Trường Sa là xúc động ngay từ nhà, bởi không phải ai cũng có điều kiện, may mắn để được đi. Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm bộc bạch: Cứ mỗi lần nghĩ đến Trường Sa, lại thấy những khó khăn của mình ở đất liền chẳng thấm vào đâu cả. Từ Trường Sa, mình có thêm động lực, cảm hứng để làm việc, nghiên cứu đóng góp cho Tổ quốc. Đi Trường Sa, mình được nhiều lắm. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng đề án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Tôi là thành viên, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để cho tất cả những ai quan tâm về Hoàng Sa, Trường Sa có thể tra cứu, tìm hiểu.
Tuổi "cổ lai hy" vẫn đi biển
Khác các thành viên khác trong Đoàn, hai thành viên đoàn Đảng bộ ngoài nước thu hút sự quan tâm của cánh báo chí: Cụ bà Nguyễn Thị Giáp (hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc) và cụ ông Nguyễn Xuân Nhung (đang sinh sống tại Ba Lan) đều đã bước vào cái tuổi “cổ lai hy”. Thế nhưng hai cụ vẫn chẳng ngại sóng gió trùng khơi vượt hơn nghìn cây số để tới thăm Trường Sa và nhà giàn DK1.
Cụ bà Nguyễn Thị Giáp tâm sự: "Lúc biết tin được đi Trường Sa, tôi mừng lắm, đêm đó tôi không ngủ được. Được ra thăm Trường Sa đối với tôi là niềm vinh dự không gì bằng. Thú thực lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng, vì không biết mình có đủ sức khỏe để thực hiện chuyến đi biển dài ngày hay không. Những ngày lênh đênh trên biển, tôi đã cảm nhận được tình cảm của những người trong Đoàn, của người Việt Nam đối với Trường Sa và nhà giàn DK1. Có lẽ vì thế mà tôi thấy như khỏe ra. Tiếp xúc, trò chuyện với những người lính trẻ, cán bộ, người dân trên quần đảo, tôi nhận ra một điều: Mặc dù cuộc sống ở đảo vẫn còn nhiều gian khó, thiếu thốn nhưng họ vẫn rất lạc quan và quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Dưới tán cây bàng quả vuông xanh mướt, cụ đã đọc cho chúng tôi và anh em chiến sĩ những câu thơ mộc mạc mà cụ vừa sáng tác:
Việt Nam ơi! Tổ quốc của chúng tôi /Dù chúng tôi sống khắp bốn phương trời/Có cuộc sống ấm no và hạnh phúc/Song, ngày lễ Tết vẫn mang hình dân tộc/Vì chúng tôi, chúng tôi vẫn nhớ về Người/Việt Nam ơi luôn trong trái tim tôi.
Pin năng lượng mặt trời ở các đảo chìm
Cụ Nguyễn Xuân Nhung, luôn mang bên mình cuốn sổ, cứ mỗi lúc rảnh rỗi lại thấy cụ cặm cụi ghi chép. Cụ bảo: Phải ghi lại những cảm xúc của mình, những điều mắt thấy tai nghe, những tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa và nhà giàn DK1 để kể lại cho con cháu mình và bạn bè mình đang sinh sống ở Ba Lan, để họ hiểu hơn về Trường Sa của chúng ta.
Gieo chữ giữa trùng khơi
Đoàn Quốc Thái, một thanh niên độ tuổi 30, với nước da đen cháy là thầy giáo đang dạy học ở xã đảo Song Tử Tây. Thái bảo: Em không học ngành Sư phạm mà chỉ học qua lớp bồi dưỡng ngắn hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa là ra đảo đứng lớp. Gọi là lớp cho “oai” chứ kỳ thực ở đảo, lớp học chỉ có vài học sinh. Thế là để tiện cho việc dạy học, tất cả các cháu từ lớp 1 đến lớp 5 được ghép chung vào một lớp. Số học sinh lớp ghép cũng chỉ 5-7 cháu. Khi giảng bài, giáo viên buộc phải phân chia thời gian biểu để lần lượt dạy cho các cháu ở những trình độ khác nhau. Lớp học "tổng hợp" này không thể có được cái không khí học giống như ở đất liền nhưng bù lại giáo viên có thời gian để kèm cặp từng học sinh, kịp thời phát hiện những yếu kém của học sinh để bồi dưỡng.
- Anh thấy khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh ở đây thế nào? - Tôi hỏi Thái.
- Các cháu tiếp thu kiến thức rất tốt. Duy chỉ có điều khi giảng môn Sinh vật, chẳng hạn như cây lúa, tôi phải sưu tầm tranh, ảnh để giảng giải cho các cháu hiểu. Ở đảo, chúng tôi dạy đến lớp 5, lớp 6 thì các cháu phải vào đất liền để tiếp tục đi học. Trong lớp ghép đối với một giáo viên được đào tạo bài bản còn khó, nên đối với chúng tôi lại càng khó hơn. Vì thế, mình phải luôn tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm để dạy cho các cháu. Nhìn chung, các cháu khi vào bờ học đều khá, giỏi, có cháu tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Đây là nguồn động viên, cổ vũ chúng tôi trong thời gian sắp tới.
- Ngày Nhà giáo Việt Nam, quà cho thầy ở đảo là gì? - Tôi tò mò.
- Là vỏ những con ốc biển, bức tranh nhỏ, hoa phong ba... Những ngày lễ Tết, UBND xã, rồi ban chỉ huy đảo, các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến chúng tôi. Tới ngày đó, ban chỉ huy đảo và chính quyền xã tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ, mọi người cùng chung vui chúc mừng, khi ấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc - Thái tự hào vì mình đã góp phần gieo cái chữ ở nơi đảo xa...
Tôi rời lớp học ở Song Tử Tây mà vẫn như nghe tiếng trẻ ê a học bài giữa tiếng sóng biển rì rầm vỗ vào bờ cát. Chúng tôi bước đi giữa hàng cây xanh mát trở về con tàu. Lũ trẻ - những “công dân nhí” của huyện đảo Trường Sa này hệt như những hàng cây xanh kia đang từng ngày bám chặt vào đất đảo, để Trường Sa hóa "thành đồng"...
Ghi chép của Nguyễn Kiểm
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)