Với người nấu cơm như bà Tôm, Bác cũng rất quan tâm, động viên như người thân trong gia đình. Khoảng tháng 9/1952, Bác được biếu mấy quả bưởi Đoan Hùng. Bác bảo Thư ký là đồng chí Vũ Kỳ tặng vợ chồng bà Tôm một quả.
Tỉn Keo nằm ở trung tâm An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được chọn làm nơi Bác ở và làm việc trong kháng chiến chống Pháp. Ngày 6/12/1953, tại nơi đây, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bác Hồ đã thông qua kế hoạch chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Những năm tháng Bác sống và làm việc tại Tỉn Keo luôn được bà con nơi đây yêu kính, bảo vệ, chăm sóc. Một trong những người dân được vinh dự chăm lo bữa cơm cho Bác vẫn đang tiếp tục ngày ngày gìn giữ, trông nom những kỷ vật về Người ở ATK...
Năm 1945, trước khi cùng các cơ quan Trung ương rời Tân Trào về Hà Nội, Bác Hồ dặn các cán bộ ở lại xây dựng ATK: "Biết đâu chúng ta còn quay lại nhờ cậy đồng bào lần nữa"…
Sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã cử các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh trở lại Việt Bắc, tìm các địa điểm làm ATK chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Huyện Định Hóa với địa thế "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" và Đại Từ (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) đã trở thành ATK của Trung ương... Đồi Tỉn Keo đáp ứng các tiêu chí của Bác Hồ: "Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Bộ Tổng, thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường".
Nơi Bác ở chỉ có lác đác 5-7 nóc nhà nhỏ ẩn hiện trong rừng cây. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Địch cũng không ngờ ở chỗ (giáp ranh) bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi "Chùa rách, bụt vàng".
Tỉn Keo nghĩa tiếng Tày là gót đèo (chân đèo) bởi nơi đây nằm dưới chân đèo De thuộc dãy núi Hồng thuộc xóm Nà Lọm, xã Lục Giã (nay là xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa). Dưới những tán cây rừng rậm rạp là những lán nhỏ đơn sơ là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lán họp Trung ương và Chính phủ, lán Cảnh vệ, nhà bếp. Trên đồi có hầm làm việc, hệ thống hầm hào tránh máy bay dẫn xuống chân đồi.
Trong những năm từ 1948-1954, Bác Hồ đã nhiều lần ở, làm việc tại Tỉn Keo. Tại Tỉn Keo, ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình, các Thiếu tướng Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Trần Đại Nghĩa, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn.
Lán Tỉn Keo
Đặc biệt, ngày 6/12/1953 tại nơi đây, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bác Hồ đã thông qua kế hoạch chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư, Tổng Chỉ huy chiến dịch.
Trước khi Đại tướng lên đường, Bác hỏi: “Chú đi xa vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói ngay: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về sự kiện lịch sử diễn ra tại Tỉn Keo đã khẳng định: Không có quyết định của Bộ Chính trị tại Tỉn Keo thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chúng tôi đến thăm ATK Định Hóa vào một ngày nắng chói chang nhưng Khu Di tích tại đồi Tỉn Keo mát lộng gió với những tán cây rợp bóng. Bà Ma Thị Tôm, người đảng viên dân tộc Tày đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Khi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Bác Hồ, đôi mắt đã mờ đục của bà chợt sáng lên những tình cảm xúc động.
Ngày ấy, cô gái Ma Thị Tôm (em gái ông Ma Tiến Chanh, Chủ tịch xã Lục Giã) cùng chồng là Lương Đình Nam và gia đình sơ tán đến ở tại chân đồi Tỉn Keo. Cả xã Lục Giã lúc đó còn heo hút lắm, chỉ lác đác vài chục nóc nhà sàn, đường đi phải len lách trong rừng thẳm, suối sâu, nhiều thú dữ. Cán bộ và nhân dân sống trong khu vực tích cực tăng gia sản xuất nhưng do quân Pháp liên tục càn quét và dùng máy bay bắn phá nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, bà con vẫn một lòng một dạ theo cách mạng.
Cũng như mọi người dân trong vùng, bà Tôm đã được nghe nhiều về Bác Hồ. Ai cũng kính trọng và mong được gặp Bác. Năm 1950, sau gần 2 năm sống ở chân đồi Tỉn Keo, một hôm khi đang trồng rau, bà Tôm được cán bộ tìm gặp, thông báo bà được đi gặp Bác Hồ và dặn phải hết sức giữ bí mật.
Bà Ma Thị Tôm và PV
Bà rất vui nhưng bất ngờ và lúng túng vì nghĩ chắc Bác phải ở xa lắm, đi nhiều ngày đường mới có thể gặp được Bác; nhưng cán bộ nói, Bác đang đợi ngay trên đồi Tỉn Keo. Bà run run bước vào căn lán nhỏ và bất ngờ nhận ra Bác chính là ông lão có đôi mắt sáng vẫn hay cuốc đất trồng rau, phát nương cùng đồng bào trong vùng mà mình đã có lần được gặp…
Bà Tôm được giao nhiệm vụ nấu cơm phục vụ cơ quan. Hằng ngày, bà lên nấu cơm cho Bác và anh em Cảnh vệ ở hầm bếp tránh khói để không bị địch phát hiện. Đến bữa, khi cơm được dọn lên, Bác ăn chung với anh em bằng bát ăn là ống bương rừng cưa ra, thức ăn chủ yếu chỉ là rau, măng rừng hoặc quả trứng gà tăng gia được. Ngon nhất cũng chỉ có thịt chim, thịt sóc săn bắt hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để ăn dần.
Những khi giáp hạt, cơm cũng không đủ ăn, phải độn thêm nhiều khoai, sắn nhưng Bác vẫn vui vẻ, thậm chí khi biết một gia đình đói kém quá, Bác còn bảo bà Tôm bớt chút gạo mang tới giúp nhà đó. Bác bảo: “Nhường cơm sẻ áo một chút với bà con cháu ạ. Một bát khi đói bằng một gói khi no…”.
Đôi mắt bà Tôm trầm lặng nhìn xa xăm: “Hồi ấy, do phải làm việc nhiều, điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn đủ bề nên Bác gầy lắm, tôi rất thương nhưng nhà tôi cũng nghèo quá chẳng có gì để giúp Bác được, chỉ biết lấy công sức của mình tận tụy cơm nước phục vụ Bác và anh em Cảnh vệ”.
Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, Bác vẫn cùng các đồng chí Cảnh vệ trồng rau, nuôi gà, phát nương, hướng dẫn và giúp đồng bào tăng gia sản xuất để chống đói. Bác thường bảo: “Trồng rau vừa để cải thiện bữa ăn, vừa có màu xanh no ấm, nếu chuyển đi thì người sau đến ở sẽ có rau mà ăn. Thực có túc thì binh mới cường”.
Ở xa quê nhưng tình cảm quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng Bác. Bác đã trồng cây râm bụt gần lán ở để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà vì ở làng Kim Liên quê Bác, cây râm bụt rất gần gũi với người dân, được trồng từ đầu ngõ vào nhà. Cây râm bụt Bác trồng vẫn tươi tốt tới tận ngày nay.
Với người nấu cơm như bà Tôm, Bác cũng rất quan tâm, động viên như người thân trong gia đình. Khoảng tháng 9/1952, Bác được biếu mấy quả bưởi Đoan Hùng. Bác bảo Thư ký là đồng chí Vũ Kỳ tặng vợ chồng bà Tôm một quả. Bác ươm hạt được ba cây từ mấy quả bưởi ấy. Bác tỉa bớt cây nhỏ, chỉ để lại một cây và đến nay tại khu di tích ở đồi Tỉn Keo vẫn còn cây bưởi dù cây giờ đã già, bị gẫy ngọn, quả nhỏ lại. Mỗi khi cây bưởi cho quả, bà Tôm lại chọn quả to nhất kính cẩn đặt lên bàn thờ Bác.
Trong những tháng năm ở ATK, nhiều lần vì điều kiện công việc và bí mật, Bác và các đồng chí Cảnh vệ phải di chuyển đến địa điểm khác thì toàn bộ tài sản, cây cối ở đồi Tỉn Keo được chính quyền giao cho vợ chồng bà trông coi để khi Bác về có thể làm việc tiếp được ngay.
Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chuyển về Hà Nội trong tình cảm lưu luyến của bà con ATK. Gia đình bà Tôm được giao chăm nom khu vực làm việc của Bác ở đồi Tỉn Keo. Bà và những người thân trong gia đình đã tâm nguyện chăm nom, gìn giữ những đồ vật của Bác như vật báu trong nhà.
Ngày 17/5/1997, Nhà trưng bày Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa dưới chân đồi Tỉn Keo được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khánh thành. Bà Tôm và gia đình đã tình nguyện hiến hàng chục hécta đất của mình cho Nhà nước và bàn giao toàn bộ đất Di tích đồi Tỉn Keo cho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.
Chính quyền địa phương gợi ý mời bà chuyển đến nơi ở mới khang trang nhưng bà xin ở lại và hằng ngày cần mẫn quét dọn, tưới cây và chăm nom những kỷ vật của Bác Hồ. Bà bảo: “Mỗi lần nhìn lán Tỉn Keo, nhìn cây bưởi, cây râm bụt và rừng cây… tôi như thấy hình bóng Bác vẫn ở nơi đây. Tôi đã ở tuổi gần đất xa trời rồi nhưng ngày nào còn sống tôi còn gắng góp sức giữ gìn đồ vật cho Bác để mai này khi ở suối vàng nếu được gặp lại Bác, tôi không phải băn khoăn với Người…”
Nguyễn Hoàng Đoàn
Theo Công nhân dân
Thanh Huyền (st)