Một trong những lớp học báo chí đầu tiên của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám là lớp học trong rừng Việt Bắc được Bác cho mở tại Trường Huỳnh Thúc Kháng. Khi chuẩn bị bước vào chiến dịch Biên giới – Thu Đông 1949-1950, dù bận trăm công ngàn việc cho cuộc kháng chiến, nhưng trong thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên này, Người đã khuyên các nhà báo:

 … "Muốn viết báo khá, thì cần:

1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu.

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ:… (*)

Và trong một lá thư gửi trí thức ở Nam bộ, trong đó có các nhà báo, ngày 25-5-1947, Người viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc"…

Trong nhiều bài viết của Bác về sau trên báo chí cách mạng nước ta, Người luôn dùng những lời lẽ ý tứ dễ hiểu, ngôn ngữ bình thường, thậm chí rất bình dân… đủ cho những người có trình độ thấp cũng hiểu được ý của người viết, cũng như nội dung bài báo. Những bài học về cái tâm và cái tầm của người làm báo như Bác Hồ đã răn dạy luôn là điều nhắc nhở không thể thiếu cho mỗi người muốn và đang đi vào nghề báo - nhà báo.

 Phạm Bá Nhiễu

Theo http://www.sggp.org.vn

Thu Hiền (st)

(*) Hỏi & đáp về Báo chí VN, NXB Trẻ TPHCM, 2001 – tr.95

Bài viết khác: