Kể từ bài báo đầu tiên “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Báo L'Humanite' ngày 18.6.1919 đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” với bút danh T.L đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1.6.1969, Bác đã viết khoảng 2.000 bài báo với 56 bút danh trên 50 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở trong và ngoài nước.Trong các bài nói và viết của Bác, chúng ta rất dễ nhận ra những đặc trưng trong phong cách nói và viết của Người, đó là:

- Chân thực: Mỗi bài nói, bài viết của Bác đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những tài liệu đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe những thông tin chính xác, chân thực. Bác thường nhắc nhở “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”.

phong cach lam bao Ho Chi Minh gian di de hieu
Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Ngắn gọn: Các bài nói, bài viết của Bác đều ngắn gọn. Đối với Bác, ngắn gọn có nghĩa là gọn ghẽ, nói đủ những ý cần nói, nói rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Ngắn gọn ở Bác là cô đọng, hàm súc, ý nhiều, lời ít, không có lời thừa, chữ thừa. Người thường khuyên cán bộ nói, viết đều phải ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề, tránh nói dài, viết dài, sáo rỗng.

- Trong sáng, giản dị, dễ hiểu: Trong các bài nói, bài viết của mình, Bác Hồ đề cập đến nhiều vấn đề lớn của đất nước, của thời đại, nhưng trong cách nói cách viết, Bác luôn tìm cách diễn đạt các vấn đề này một cách giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Bác là người có tầm suy nghĩ sâu rộng, hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật và các mối quan hệ của chúng. Bác cũng là người hiểu biết nếp suy nghĩ và lời ăn tiếng nói của nhân dân... Chính những điều này gópp hần làm nên sự giản dị, trong sáng, dễ hiểu của văn phong Hồ Chí Minh. Thế giới có câu châm ngôn: “Giản dị là phẩm chất của thiên tài”.

Để viết giản dị, Bác khuyên các nhà báo đừng ham “nói chữ”, kể cả “nói chữ” nước ngoài. Bác khuyên người làm báo: “Khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem, viết để làm gì; viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc. Viết xong thì nhờ anh em - kể cả những người ít chữ - xem và sửa chữa giùm cho” với mục đích là làm cho bài báo của mình trong sáng, giản dị, ai cũng hiểu được và hiểu đúng.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946, Bác nói dễ hiểu về lý do nhân dân ta phải kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Và để mọi người dân hiểu rõ mình phải làm gì để tham gia kháng chiến, Bác nói giản dị: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại. Chân thực, ngắn gọn, trong sáng giản dị, dễ hiểu là đặc trưng trong phong cách nói và viết của Bác.

Viết chân thực, giản dị, trong sáng, dễ hiểu là biểu hiện của đạo đức nghề báo. Tại sao lại nói viết chân thực, giản dị, trong sáng, dễ hiểu là biểu hiện của đạo đức nghề báo? Vì những lý do sau đây:

- Nhà báo có trách nhiệm đưa thông tin chính xác, chân thực về các sự kiện, vấn đề nhằm làm cho người đọc báo, người nghe đài hiểu rõ, hiểu đúng về sự việc và từ đó có hành động đúng. Nếu nhà báo đưa tin sai lệch, sẽ làm mọi người hiểu sai, hành động sai và dẫn tới các thiệt hại to lớn về vật chất, tinh thần cho xã hội. Hành nghề trung thực, khách quan, thông tin chính xác, chân thực, không bóp méo hay thổi phồng sự việc... là chuẩn mực về chuyên môn, nhưng đồng thời cũng là chuẩn mực đạo đức của nghề làm báo.

- Viết giản dị dễ hiểu là thể hiện tính khiêm tốn và thái độ tôn trọng người đọc báo, người nghe đài, tôn trọng nhân dân. Tôn trọng đối tượng mình phục vụ - đấy là biểu hiện của đạo đức nghề báo.

Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhà báo chúng ta phải làm gì? Có những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nào?

- Phải tích cực đi thực tế, sâu sát cơ sở, sâu sát tình hình thực tiễn. Hiện nay, có hiện tượng phóng viên viết bài chỉ dựa vào báo cáo bằng văn bản hoặc lấy thông tin qua điện thoại, không tiếp xúc trực tiếp với hiện trường, với nguồn tin. Điều này đã dẫn đến nhiều sai sót, thông tin bị sai lệch, nói theo một chiều, bài viết không có tài liệu tại thực địa cho nên không sinh động, không hấp dẫn, người đọc người nghe cảm thấy không gần gũi đối với họ.

- Phải tích cực học tập nâng cao kiến thức về nhiều mặt và nâng cao khả năng viết báo. Nếu không đủ kiến thức, sẽ không thể hiểu rõ đề tài, nhà báo chắc chắn không thể suy nghĩ được thấu đáo về đề tài đó và không tìm ra ngôn từ để diễn đạt. Người càng có trình độ hiểu biết và khả năng suy nghĩ thì càng biết nói và viết lưu loát, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Vì thế, để học theo chuẩn mực này trong phong cách làm báo của Hồ Chí Minh, chúng ta phải thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức về nhiều mặt - bao gồm kiến thức về chính trị, kiến thức văn hóa nói chung, tích lũy vốn sống và rèn luyện kỹ năng nghề báo.

Theo http://nguoilambao.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: