4. Trả lời một nhà báo nước ngoài (16-7-1947)

Nhiều câu ngài hỏi thì trước đây các báo ngoại quốc và mới rồi đây Hãng REUTER và một nhà báo ngoại quốc khác đã hỏi tôi và tôi đã trả lời. Nhưng ngài đã có lòng hỏi thì tôi cũng sẵn lòng đáp:

1) Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra. Tất cả đàn ông và đàn bà 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử. Cuộc tuyển cử lần đầu ngày 6-1-1946, trung bình là 82 phần trǎm cử tri đã tham gia. Lúc đó có đại biểu của báo ngoại quốc đến xem.

Trưởng ban Thường trực Quốc hội là một vị nho học lão thành, trước đã làm quan đến bực đại thần; Phó Trưởng ban là một vị linh mục và một vị đảng viên của Đảng Dân chủ.

2) Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ Việt Minh, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, Quốc dân đảng và nhiều vị không có đảng phái nào.

Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Mên, Ai Lao, v.v.v., mà không thù gì với nước nào.

3) Chúng tôi không chủ trương giai cấp tranh đấu vì một lẽ từng lớp tư sản Việt Nam đã bị kinh tế thực dân đè nén không cất đầu lên được, khiến cho kinh tế Việt Nam đã bị tiêu diệt, dân cùng, tài tận. Trái lại chúng tôi chủ trương làm cho tư bản Việt Nam phát triển. Mà chỉ có thống nhất và độc lập thì tư bản Việt Nam mới có thể phát triển.

Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình.

4) Quốc kỳ Việt Nam có hai ý nghĩa, mầu đỏ thì quốc kỳ nhiều nước khác đều có không cần phải giải thích. Sao vàng là:

a) Trung Quốc là một nước to lấy mặt trời làm tiêu biểu. Việt Nam là một nước nhỏ lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc đã mấy ngàn nǎm cho nên lấy ngôi sao làm tiêu biểu.

b) Nǎm cánh ngôi sao là đại biểu cho sự đoàn kết nǎm lớp nhân dân Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, nay ra đời trong lúc nhân dân Việt Nam nổi lên chống Nhật và đứng về phe các nước Đồng minh.

5) Hội Liên hiệp quốc dân là do những người lão thành có danh vọng đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, v.v., và những người yêu nước không có đảng phái đứng ra tổ chức.

Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các từng lớp đảng phái tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất độc lập và dân chủ phú cường.

Có bao nhiêu hội viên tôi chưa rõ. Song lấy những nơi tôi đã biết và suy đoán, có thể nói từ Nam chí Bắc có hàng mười triệu hội viên.

Thí dụ: Chỉ có sáu tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, mà chỉ kể phụ nữ mà thôi thì đã có mười hai vạn hội viên.

6) Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay, hầu hết nhân viên trong Chính phủ Trung ương là người trí thức.

7) Chẳng những Việt Nam mà nước nào cũng có phái phản đối. Nhưng trong lúc Tổ quốc lâm nguy thì tất cả các đảng phái đoàn kết cứu nước. Hiện nay Việt Nam đã thực hiện chính sách đó, song việc mượn tiếng phản đối, mà phản kháng chiến, phản nhân dân, đi theo phe địch như Uông Tinh Vệ ở Trung Hoa, bọn Lavan ở Pháp, thì quốc dân không thể tha thứ, lịch sử không thể khoan dung.

Những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc thì dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh.

8) Bao giờ Pháp thật thà thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thì chiến tranh sẽ lập tức kết liễu. Chúng tôi sẽ nhờ tư bản và kỹ thuật các nước hữu bang và cả nước Pháp và nhờ sự hǎng hái của Việt Nam mà mau chóng kiến thiết lại mặc dầu hiện nay chiến tranh đã đưa đến một sự phá hoại không thể tưởng tượng.

Ngài cũng biết kinh nghiệm các nước nhất là Trung Hoa kháng chiến bằng cách du kích có thể kéo dài 8, 9 nǎm.

9) Tôi không thể bình phẩm Cao uỷ Bôlae vì tôi chưa gặp ông bao giờ và vì chưa thấy ông thực hiện một chính sách gì cụ thể. Tôi chỉ mong rằng ông Bôlae sẽ lấy tư cách một nhà đại chính trị, thực thà thừa nhận Việt Nam độc lập thống nhất để đưa lại sự thân thiện hợp tác cho hai dân tộc Việt – Pháp. Nếu ông ta làm một cách chính đại quang minh thì ông sẽ thành công.

10) Cám ơn ngài. Tôi vẫn mạnh khoẻ mặc dầu tin Pháp đã mấy lần đồn rằng tôi đã chết rồi.

Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập thống nhất, dân chủ.

Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thuỷ, đọc sách làm vườn.

Chúc ngài mạnh khoẻ.
Ngày 16 tháng 7 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH 

5. Trả lời các nhà báo (19-8-1947)

Hỏi: Thưa Cụ, có tin đồn rằng Cao uỷ Bôlae phái đại biểu đến yết kiến Cụ, bàn về vấn đề điều đình, tin ấy có đúng không?

Trả lời: Không. Có lẽ vì người ta sực nhớ lại việc G.S P.Muýt thay mặt Cao uỷ Bôlae gặp tôi lúc trước, mà có tin đồn đó chǎng. Dù sao lập trường của Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn không thay đổi, nghĩa là chỉ có một cách để chấm dứt chiến tranh, tức là nước Pháp thật thà nhận nước ta thống nhất và độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Ngoài ra không có cách gì khác.

Hỏi : Nghe nói có một bộ phận người Pháp ở đây muốn lập một Chính phủ bù nhìn, ý kiến Chủ tịch đối với bọn người ấy thế nào?

Trả lời: Một số thực dân phản động có thể có mưu mô đó. Nhưng Cao uỷ Bôlae là một nhà đại chính trị, chắc ông thừa biết các kinh nghiệm Chính phủ bù nhìn ở Nam Bộ, nó đã không giải quyết được gì, mà chỉ làm kéo dài cuộc chiến tranh và ngǎn trở sự thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Pháp. Không lẽ một người sáng suốt như Cao uỷ Bôlae lại đi theo con đường đó.

Trả lời ngày 19-8-1947.

6. Trả lời báo Vui sống (26-8-1947)

Hỏi: Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề y tế và riêng về quân y trong thời kỳ kháng chiến?

Trả lời: Theo tôi biết, thì y tế và quân y đều cố gắng làm việc. Riêng về quân y, vì ở gần bộ đội và gần mặt trận đã có những bác sĩ, y sĩ, y tá, dược sĩ và chị em khán hộ rất chịu khó và gan góc, đối với anh em thương binh rất tử tế, đối với công việc rất có tinh thần phụ trách. Đó là những điều đáng nhớ, đáng khen. Tuy trong hoàn cảnh khó khǎn, anh em y giới đã tự chế được mấy thứ thuốc mới. Đó là một sự đáng mừng.

Y tế và quân y cần phải đoàn kết chặt chẽ, cộng tác mật thiết, phải ra sức đào tạo cán bộ, phát minh thêm thuốc mới.

Chúng ta phải cố tranh cho được thắng lợi trên mặt trận y tế cũng như trên các mặt trận khác. Mong toàn thể anh em gắng sức.

Trả lời ngày 26-8-1947.

7. Trả lời báo Độc lập về việc Chính phủ mở rộng (28-8-1947)

Hỏi: Lần này là lần đầu tiên từ khi chính thể Dân chủ Cộng hoà thành lập, chúng tôi nhận thấy trong Chính phủ có một vị quan lại cũ tham dự. Vậy xin Chủ tịch cho biết rõ chính sách của Chính phủ đối với giới này.

Trả lời: Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước. Thí dụ: Ngoài cụ Đặng Vǎn Hưởng ra, còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thuỵ, cựu Tổng đốc; cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần; cụ Phó bảng Bùi Kỷ, v.v., đều rất tận tuỵ giúp việc kháng chiến. Trước sự đại đoàn kết của Chính phủ và quốc dân đồng bào, mưu mô chia rẽ của thực dân phản động Pháp nhất định thất bại.

Trả lời ngày 28-8-1947.

8. Trả lời ông Lam Sơn, đại biểu một nhóm đồng bào trong một vùng bị địch chiếm đóng tại khu VII (18-9-1947)

Được tin rằng một nhóm đồng bào trong vùng tạm bị chiếm, đã gửi số tiền 10.000 đồng để mua một cái cúc trong cái áo (do phụ nữ Bắc Bộ biếu tôi) mà tôi đã tặng cho Ngày Thương binh.

Tôi rất cảm động lòng sốt sắng đồng bào đối với tôi và đối với anh em thương binh. Cái áo đó do Liên hiệp công đoàn Bắc Cạn mua được với giá 467.000 đồng và đã gửi biếu lại cho ông Cao Triều Phát, đại biểu đồng bào Cao Đài Nam Bộ. (Vì ông Phát cũng gửi đấu giá 100.000 đồng nhưng điện đến trễ).

Vậy để thay mặt anh em thương binh tỏ lòng cảm tạ, tôi xin gửi biếu đồng bào do ông Lam Sơn đại biểu, một vuông mùi xoa thêu mà các cháu nhi đồng Nghệ An đã tặng cho tôi.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 18 tháng 9 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

9. Trả lời nhà báo Mỹ S. Êli Mâysi (9-1947)

1. Hỏi: Thưa Chủ tịch, vấn đề Việt Nam có nên coi như một vấn đề quốc tế không? hay chỉ nên coi như là một vấn đề Việt – Pháp trong khối Liên hiệp Pháp?

Trả lời: Cái đó còn tuỳ hoàn cảnh sau này. Nếu chiến sự cứ tiếp tục, vấn đề Việt Nam nhất định trở nên vấn đề quốc tế. Nhưng nếu hai bên Việt và Pháp có thể thoả thuận với nhau để mau chấm dứt cuộc chiến tranh, vấn đề Việt Nam chỉ còn giữa nước Pháp và Việt Nam thôi.

2. Hỏi: Ngài có cho rằng giữa nước Việt Nam và Chính phủ Pháp còn có thể thoả hiệp được không?

Trả lời: Rất có thể có sự thoả hiệp, với điều kiện là nước Pháp thành thực công nhận thống nhất và độc lập của nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp.

3. Hỏi: Nếu có một cuộc điều đình với nước Pháp, thì Việt Minh sẽ sẵn sàng hợp tác với những phần tử Việt Nam nào?

Trả lời: Cuộc kháng chiến là một vấn đề sinh tử của dân tộc Việt Nam. Đó không phải là một vấn đề đảng phái. Chính phủ Việt Nam gồm một đa số các người không đảng phái và một thiểu số đại biểu các đảng ái quốc trong số đó Việt Minh chiếm con số rất nhỏ.

4. Hỏi: Theo ý Ngài, ông Vĩnh Thụy có đủ tư cách để điều đình với người Pháp không?

Trả lời: Ông Vĩnh Thuỵ là Cố vấn trong Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã tuyên thệ trung thành trước Quốc hội, trước Chính phủ và trước quốc dân. Ông ta chỉ có tư cách đứng ra điều đình khi nào được Chính phủ Cộng hoà Việt Nam uỷ quyền.

5. Hỏi: Trước những tin đồn rằng Bảo Đại hiện nay chịu ảnh hưởng người Mỹ, Ngài nghĩ sao?

Trả lời: Tôi chả nghĩ gì cả. Những tin đồn là những tin đồn. Xin để người Pháp kiểm soát lại những tin đồn đó.

6. Hỏi : Tại sao từ trước tới nay, Ngài không thử đem vấn đề Việt Nam ra trước Liên hợp quốc?

Trả lời: y vì chúng tôi còn tin tưởng vào sự khôn ngoan của dân chúng Pháp.

7. Hỏi: Nếu cuộc điều đình không tiếp tục lại một ngày gần đây, Chính phủ Ngài sẽ định thái độ ra sao?

Trả lời: Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi nào giành được thống nhất và độc lập cho Tổ quốc chúng tôi.

8. Hỏi: Ngài có tin rằng nước Việt Nam độc lập có thể làm tròn nhiệm vụ do địa thế quân sự rất quan trọng của nước Ngài tại Đông Nam á châu đặt ra không?

Trả lời: Tôi hoàn toàn chắc chắn làm được.

9. Hỏi: Ngài cho biết những đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam (thứ nhất là dựa theo tình thế quốc tế hiện giờ)?

Trả lời: Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai.

10. Hỏi: Thưa Chủ tịch, thật là một điều đại vinh hạnh cho tôi đã được Chủ tịch trả lời những câu hỏi trên đây. Nhân tiện tôi xin tỏ lòng cảm ơn Ngài, cũng tỏ lòng thành kính đối với Ngài, lòng thành kính mà tôi đã có từ ngày gặp Ngài trên đất Pháp, tại khách sạn Môngxô.

Trả lời: Tôi gửi Ngài lời chào thân ái.

Trả lời tháng 9-1947.

10. Trả lời các nhà báo (19-12-1947)

1- Hỏi: Xin Chủ tịch cho ý kiến của Chủ tịch về kinh nghiệm trong một nǎm kháng chiến toàn quốc vừa qua, về phía bên Pháp và phía bên Việt Nam.

Trả lời: Trong một nǎm kháng chiến vừa qua, về phía Pháp thì kinh tế ngày càng kiệt quệ, quân sự ngày càng khó khǎn.

Về phía ta thì nhân dân ngày càng đoàn kết, quân đội ngày càng tiến bộ. Cũng như trèo núi, Pháp thì xuống dốc có vẻ mạnh bạo, ào ạt, nhưng gần rơi xuống hố. Ta thì lên dốc, có vẻ khó nhọc, gian nan, nhưng càng trèo càng lên đến chỗ thanh cao.

2- Hỏi: Theo ý Chủ tịch, cuộc kháng chiến sang nǎm tới sẽ biến chuyển thế nào?

Trả lời: Trong nǎm sau, cuộc kháng chiến có thể gay go hơn. Mà ngày thắng lợi của ta cũng đến gần hơn.

3- Hỏi: Thưa Cụ, xin Cụ cho biết ý kiến của Cụ về cuộc tấn công mùa đông của địch.

Trả lời: Ai có ít nhiều tri thức quân sự, cũng đoán trước rằng sau mùa mưa địch sẽ tấn công. Địch tấn công trước vào Việt Bắc, chúng sẽ tấn công các khu khác nữa. Song Chính phủ ta đã sẵn cách đối phó. Riêng về Việt Bắc địch đã bị nhiều đòn khá đau như trận Thất Khê và những trận sông Lô.

Trong những trận đó, Vệ quốc quân và dân quân du kích ta tỏ ra rất dũng cảm và rất tiến bộ về mặt chiến thuật, nhân dân rất hǎng hái.

4- Hỏi: Theo Chủ tịch, kết quả cuộc hành quân mùa đông của địch sẽ thế nào?

Trả lời: Cũng như các cuộc hành quân khác, kết quả địch sẽ thất bại, vì:

a) Địch chỉ hoạt động được mấy tháng. Sau mùa mưa thì chúng hết thiên thời.

b) Việt Bắc địa thế hiểm trở quân địch không có địa lợi.

c) Địch càng lan rộng thì người càng thiếu, sức người càng mỏng, chúng dễ bị tiêu diệt, chúng càng đánh lan ra, càng dở thói tham ô tàn nhẫn, càng làm cho đồng bào ta, miền ngược cũng như miền xuôi, đoàn kết chặt chẽ chống lại chúng, thế là địch không có nhân hoà.

5- Hỏi: Vì sao địch cố ý giấu giếm cuộc hành quân mùa đông?

Trả lời: Một là vì chúng mong bưng bít dư luận thế giới và lừa gạt nhân dân nước Pháp. Hai là vì chúng sợ nếu nói rõ ra, về sau thất bại thì khó chối chữa. Dù sao, âm mưu của địch, ta đều biết trước nên ta có thể đối phó một cách bình tĩnh.

6- Hỏi: Cuộc tấn công mùa đông của thực dân Pháp có ảnh hưởng gì đến sự liên lạc giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp không?

Trả lời: Vô luận thế nào nhân dân ta vẫn chủ trương cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp.

Nhưng nhân dân ta cũng trách nhân dân Pháp sao không ra sức ngǎn trở bọn thực dân phản động Pháp đang phá hoại sự cộng tác thân thiện đó.

Trả lời khoảng 19-12-1947.

(Còn nữa)

Theo cpv.org.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: