Cách đây 92 năm, tại Thủ đô Paris (Pháp), Báo Đời sống Công nhân, cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã cho đăng và đóng khung ở trang nhất nội dung thông tin ngắn như sau “Giới thiệu với độc giả và các bạn. Ảnh chân dung nghệ thuật đủ kiểu. Giá từ 25 Franc. Cả khung giá từ 45 Franc. Nguyễn Ái Quốc, 3 phố chợ Depacteri'acsơ-Paris”.

Công chúng Paris từng quen với tác giả Nguyễn Ái Quốc ký dưới nhiều bài báo đăng trên các tờ Báo Nhân đạo, Điện tín Quốc Tế, Công chúng, giờ biết thêm sở trường mới của người thanh niên yêu nước Việt Nam kiếm sống bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. Vào thập kỷ đầu của thế kỷ 20, kỹ thuật chụp ảnh đen trắng trên phim kẽm chỉ mới xuất hiện ở các nước phương Tây. Khách chụp ảnh phần đông là giới thượng lưu, giàu có, chơi sang, họ rất khó tính, khắt khe, đòi hỏi tay nghề của người chụp ảnh rất cao. Ảnh không đáp ứng nguyện vọng khách trả lại ngay và chi phí phim, giấy, hóa chất, công sá của người thợ bỏ ra xem như mất trắng.

Với số tiền ít ỏi kiếm được từ nghề ảnh, Nguyễn Ái Quốc chỉ đủ thuê một căn buồng nhỏ, đặt vừa khít chiếc giường và cái bàn con. Cái thau rửa mặt phải để trên mặt bàn. Khi cần bàn viết hoặc chấm ảnh, rửa ảnh, cái thau nước được đẩy vào gầm giường.

nha nhiep anh Nguyen Ai Quoc

Trong căn buồng gác hai tồi tàn, giá lạnh, không bếp sưởi mùa đông, thiếu thốn đủ thứ này, Nguyễn Ái Quốc vừa cắm cúi làm đẹp những bức ảnh chân dung nghệ thuật vừa viết báo, viết kịch, viết văn tố cáo chính sách, chế độ thực dân tàn bạo ở Đông Dương, Bắc Phi, Ấn Độ; châm biếm, đả kích cay độc tên vua bù nhìn Khải Định. Cũng từ căn phòng này, những dự kiến về tổ chức thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước”, “Hội liên hiệp quốc gia thuộc địa”, và việc xuất bản các tờ Báo Le Paria”, Việt Nam Hồn đã được hình thành.

Ba mươi năm sau, tại căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ân cần hướng dẫn nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kỹ thuật chấm một bức ảnh sao cho đẹp. Vốn là “thợ ảnh” có kinh nghiệm, từng tự khẳng định trình độ tay nghề của mình tại thủ đô Paris vào những năm 1920, Bác Hồ thường chỉ vẽ cách bố cục một bức ảnh sao cho tự nhiên, có hồn để anh em phóng viên thể hiện sinh động đề tài “Kháng chiến kiến quốc” trong tác phẩm báo chí và ảnh nghệ thuật.

Những dịp đi chiến dịch, thông cảm với nguyện vọng của phóng viên muốn có bức ảnh đẹp về vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, Bác Hồ như cùng hòa đồng với tâm tư, tình cảm của phóng viên, chủ động và tinh tế tạo dựng khung cảnh hài hoà cho nhà nhiếp ảnh chọn khoảnh khắc sáng tạo tác phẩm. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi về nước lãnh đạo cách mạng vẫn thường xuyên quan tâm tới nội dung chất lượng thông tin, hình thức thể hiện của các loại ảnh báo chí. Từ sau ngày Báo Nhân Dân ra hàng ngày, bắt đầu in ảnh đen trắng, Bác Hồ nhắc nhở Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Vũ Tuân chú ý tính chân thật thể loại ảnh báo chí, tránh “kiểu bố trí chụp ảnh” nặng về hình thức trang trí mà chú trọng vào việc phản ánh vẻ đẹp vốn có của đời sống. Có khi xem xong, Bác Hồ sửa lại nội dung lời chú thích ảnh đăng trên báo rồi giao cho Thư ký chuyển sang Ban Biên tập Báo Nhân Dân để rút kinh nghiệm. Bác nhắc các báo quan tâm sử dụng ảnh “chân dung người tốt việc tốt” thật nhiều, thật thường xuyên. Những bức ảnh chân dung đăng báo đẹp, lột tả được tình cảm của nhân vật, Bác dùng bút chì đỏ viết một chữ tốt bên cạnh rồi gửi tờ báo cho Ban Biên tập.

Vốn là nhà nhiếp ảnh, Bác Hồ rất đồng cảm với niềm vui thành công và nỗi day dứt khi thất bại trong nghề nghiệp của phóng viên. Vào một dịp đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại quận Ba Đình (Hà Nội), nhận ra vẻ lúng túng đến khổ sở của phóng viên khi bỏ lỡ thời khắc chụp hình ảnh của Bác thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, Bác Hồ đã mỉm cười, bàn tay Bác vỗ nhẹ mấy lượt trên mặt hòm phiếu. Hiểu ý Bác cho chụp lại, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã bình tĩnh chỉnh đèn chụp lần thứ 2. Anh phóng viên đã có bức ảnh lịch sử khắc họa hình ảnh lần cuối cùng Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội trước khi thanh thản sang “thế giới người hiền”.

Vào dịp về thăm quê lần thứ hai (tháng 12.1961), khi Bác vào tới sân căn nhà ở quê nội Kim Liên, chẳng hiểu sao, một nữ phóng viên leo lên đống rơm để chọn độ cao đã bị ngã. Bác quay lại ân cần hỏi cô phóng viên có bị đau lắm không, cô phóng viên xúc động đáp lời Bác và xin được chụp lại ảnh Bác. Cô nói thêm nguyên nhân phải leo cao để chụp ảnh Bác vì cô thấp người không thể chen lấn vào gần Bác như cánh nam nhà báo được. Nghe cô phân trần, Bác cười bao dung và bảo mấy chú “nhà báo trai” tản ra, nhường vị trí thuận lợi cho cháu “nhà báo nữ” chụp ảnh Bác...

Theo http://nguoilambao.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: