tam-long

Các cháu thiếu nhi biểu diễn văn nghệ bên tượng đài Nguyễn Tất Thành
tại Trường Quốc học Huế.

Trong khoảng 10 năm Bác Hồ cùng gia đình sinh sống ở Huế, nét văn hóa tình nghĩa, yêu thương con người của vùng đất này đã trở thành ký ức sâu thẳm trong tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thừa Thiên - Huế ở trong lòng Bác Hồ và Bác cũng luôn ở trong lòng nhân dân Thừa Thiên - Huế.

Nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người

Những năm tháng sống ở Huế của Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành tuy không trải dài nhưng rất quan trọng trong cuộc đời của Người. Ðó là thời kỳ từ năm 1895 đến 1901, những năm tháng cậu bé Nguyễn Sinh Cung cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp, tình thương, sự cao cả, nỗi đau, sự hy sinh của mẹ đối với chồng và các con. Tại ngôi nhà nằm trong khu vực nội thành này, ông Nguyễn Sinh Sắc ngày ngày thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành, bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm đèn sách. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hòa tình nhân ái, yêu thương. Những năm tháng sống ở đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể của cha hằng đêm...

Thời kỳ thứ hai Bác và gia đình đến Huế là từ năm 1906 đến 1909, khi Người đã bước vào tuổi thanh niên, với tên gọi Nguyễn Tất Thành. Người lại được cùng anh theo cha về Dương Nỗ, một làng quê vùng ven Huế để sinh sống và học tập. Chính lẽ sống chân tình, mộc mạc của người miền quê đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến Người, hình thành tình yêu thương vô bờ bến với tình làng, nghĩa xóm thấm đẫm chất nhân văn. Mười năm trời sống ở đất kinh đô, gia đình Người đã hòa vào đời sống của dân nghèo thành thị, hình thành nên một lối sống thanh bạch và cần kiệm. Thừa Thiên - Huế là địa phương in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người với những địa danh như Tòa Khâm sứ Trung kỳ, Trường Quốc học - Huế, ngôi nhà tại 112 Mai Thúc Loan - TP Huế, ngôi Ðình, Am Bà, Bến Ðá tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang... Những địa danh này giờ trở thành các điểm di tích văn hóa có giá trị tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế và cả nước mà không địa phương nào có được.

Bác Hồ trong lòng dân Huế

Trong mỗi câu chuyện về những người Huế được gặp Bác Hồ, sự quan tâm của Bác đến cuộc sống riêng của mỗi người, mỗi cán bộ, chiến sĩ thể hiện một tầm vóc văn hóa sâu sắc trong con người Hồ Chí Minh. 14 tuổi, dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (còn gọi là cu Theo) ở Hương Thủy ra bắc được vào gặp Bác Hồ. Ông Hòa kể lại: "Tôi được Bác Hồ cho ăn kẹo, tặng sách, Bác lại động viên cố gắng chữa bệnh, ăn uống cho mau khỏe để đi học. Chúng tôi được Bác cho phép cùng Bác đón tiếp khách quốc tế, được nghỉ ngơi thoải mái ở Nhà sàn của Bác. Ðược ngồi ăn cơm với Bác, chúng tôi cảm động và sung sướng quá. Ăn cơm xong, chúng tôi quây quần bên Bác kể chuyện để Bác nghe. Và tôi đã kể cho Bác nghe câu chuyện đánh xe Mỹ của mình, được Bác khen ngợi. Ðiều tôi xúc động nhất, sau khi biết về hoàn cảnh gia đình, biết ba tôi tập kết ra bắc đến nay chưa biết tin tức, Bác Hồ đã nhắc đồng chí Tố Hữu tìm ba cho tôi để hai cha con được gặp nhau".

Trong ký ức của nữ Anh hùng dân tộc Pa Cô (huyện A Lưới) vẫn nhớ như in ngày được đến Phủ Chủ tịch gặp mặt Bác Hồ. Bà Kăn Lịch nhớ lại: Khi tôi đến Phủ Chủ tịch, Bác nhìn tôi hiền từ và nói: "Cháu Kăn Lịch đấy à", rồi Bác đứng lên dang hai tay ôm hôn thắm thiết, hai hàng nước mắt Bác chảy xuống hai bên má. Tôi vô cùng cảm động rưng rưng nước mắt mà không nói được lời nào. Bác nói: "Cháu đang ốm, sức khỏe còn yếu, ra đây cố gắng điều trị an dưỡng cho mau lành bệnh. Cần gì có Bác, Chính phủ và các đồng chí giúp đỡ".

Trong hai cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, hình ảnh của Người, niềm tin về Người luôn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, vượt qua mọi khốc liệt và hy sinh. Vì vậy, gìn giữ những hình ảnh của Người cũng như các tư liệu, hiện vật liên quan đã trở thành việc làm hết sức phổ biến, gây được niềm xúc động sâu xa. Hình ảnh những người dân bình dị, gìn giữ và nâng niu hình ảnh Người là một biểu tượng đẹp của lòng dân Huế hướng về Bác Hồ. Ðó là những cơ sở kháng chiến như mẹ Tề, ông Toàn, ông Lô... ở trong vùng địch, bất chấp nguy hiểm, họ đã cất giấu tờ giấy bạc có hình Bác Hồ để vững niềm tin.

Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã tiến hành để tang, lập bàn thờ riêng. Ðiều đặc biệt mang dấu ấn lịch sử sâu đậm có một không hai đó là nhiều người đã lấy họ Hồ của Bác làm họ của chính mình. Ðây là một việc làm xưa nay hiếm đối với đồng bào các dân tộc, chứng tỏ rằng sức mạnh, lòng tin của đồng bào đối với Bác là hết sức to lớn.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong hai năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực triển khai nhiều phong trào hành động và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện nhiều phong trào và điển hình tiên tiến như: Bệnh viện T.Ư Huế với phong trào "Thực hiện tốt 12 Ðiều y đức và Bộ quy tắc ứng xử của ngành y tế", gắn nghiên cứu khoa học với thực hiện những ca phẫu thuật ghép tạng thành công, được đưa vào y văn của thế giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh có phong trào "Tận tâm với đơn vị, tận tụy với nhân dân", "Mười xây, mười chống"; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với phong trào "Tự hào về truyền thống, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; Công an tỉnh có phong trào "Làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân". Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đạt những kết quả trong cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực triển khai cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác"...

Dù năm tháng có qua đi nhưng hình ảnh của Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người dân Huế. Nhớ Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng mà Bác dành cho nhân dân Thừa Thiên - Huế, càng khẳng định niềm tin vào con đường mà Người đã chọn dẫn dắt cả dân tộc đi theo.

Nguyễn Công Hâu
Theo Báo Nhân Dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: