Bác Hồ không chỉ là nhà cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa, mà còn là một nhà báo lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã viết hàng nghìn bài báo, với hàng trăm bút danh khác nhau, đăng tải trên khắp các báo trong và ngoài nước như: Báo Nhân Đạo, Thợ Thuyền, Tạp chí Cộng sản (Pháp), Sự thật, Thư Tín Quốc tế, Tiếng Còi, Công nhân Bakinski (Nga)... Đồng thời, Hồ Chí Minh còn là người sáng lập, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của rất nhiều tờ báo lớn trong nước và nước ngoài như: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh Niên, Thân Ái, Việt Nam Độc Lập...
Thơ của Bác Hồ cổ động cho Báo Độc Lập. (Ảnh tư liệu)
Trong điều kiện làm báo còn nhiều khó khăn lúc bấy giờ, Bác vừa làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút, vừa quản lý tờ báo, đồng thời trực tiếp viết bài, đưa tin, vẽ tranh minh họa, cổ động cho báo. Có thể nói, nghệ thuật quảng bá, tiếp thị để báo chí đến với độc giả của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nét văn hóa đặc sắc trong phong cách làm báo của Người. Trong đó, độc đáo nhất là việc cổ động báo chí bằng… thơ.
Năm 1923, trong khi làm Báo Người Cùng Khổ, nhà báo Nguyễn Ái Quốc còn dự định ra một tờ báo tiếng Việt lấy tên là Việt Nam Hồn. Trong truyền đơn cổ động cho Báo Việt Nam Hồn, Bác viết bằng lối văn vần (vè) rất dân dã của Việt Nam, nhưng cũng rất hiện đại: “... Ở trong thế giới, ống nói tàu bay, việc lạ tin hay, ngày ngày thường có. Nào ai muốn rõ, phải có nhật trình. Mình ở gia đình, mắt soi vạn lý. Á, Âu, Úc, Mỹ, rút lại một tờ. Con trẻ đàn bà, ai ai cũng biết
Mình người nước Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán văn, không xem pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai. Tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy. Phận mình đã vậy, vận nước thế nào, anh chị đồng bào có hay chăng nhẽ. Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc. Chẳng nài khó nhọc, dám kể công trình. Mong mỏi người mình, mở mày mở mặt.
Báo này sẽ đặt, tên Việt Nam Hồn, một tháng hai lần, mỗi lần trăm bản. Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chỉ...”.
Tuy dự định ra tờ Việt Nam Hồn không thực hiện được, nhưng cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Năm 1925, sau khi Bác về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ra Báo Thanh Niên - tờ báo tiếng Việt đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, để khẳng định bản chất cách mạng của tờ báo, trên số 64 với bút danh Diệu Hương, nhà báo Nguyễn Ái Quốc có bài thơ cổ động cho mục tiêu của tờ báo:
“…Đã làm cách mạng chớ lôi thôi
Cách mạng thì ta cách đến nơi.
Trước phải giành quyền cho cả nước,
Sau ra cách mạng cả bầu trời…”
Đặc biệt, sau hơn 30 năm xa quê hương, ngày 8-2-1941, Bác Hồ trở về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo cách mạng và cho xuất bản Báo Việt Nam Độc Lập, gọi tắt là Việt Lập (số đầu tiên ra ngày 1-8-1941 tại rừng Khuổi Nậm). Ngay trong số đầu tiên (được đánh số 101), Bác đã cổ động cho việc mua và đọc Báo Việt Nam Độc Lập bằng bài thơ Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam Độc Lập, viết theo thể song thất lục bát, gồm 17 câu:
“Đế quốc thật là ác nghiệt
Làm dân ta như điếc, như mù
Làm ta dở dại dở ngu
Biết gì việc nước biết đâu việc đời.
Báo “Độc Lập” hợp thời đệ nhất
Làm cho ta mở mắt mở tai.
Cho ta biết đó, biết đây
Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian.
Cho ta biết kết đoàn tổ chức,
Cho ta hay sức lực của ta,
Cho ta biết chuyện gần xa
Cho ta biết nước non ta là gì.
Ai không chịu ngu si mù tối,
Ắt phải xem báo ấy mới nên
Giúp cho báo ấy vững bền
Càng ngày càng lớn, càng truyền khắp nơi.
Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!”
Tiếp đó, trong số 3 của báo ra ngày 21-8-1941, Bác đã vẽ bức tranh sinh động: Một người Việt Nam tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng thổi kèn loa cách điệu chữ Việt Nam Độc Lập, kèm theo bốn câu thơ kêu gọi: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ để cùng nhau cứu nước Nam ta”.
Như vậy, chỉ qua 3 số báo, Bác đã “tiếp thị” đến độc giả cả hình thức, nội dung và mục tiêu phấn đấu của tờ báo qua con đường dễ nhớ, dễ thuộc nhất…: Thơ ca.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nền báo chí nước ta phát triển mạnh, đặc biệt có sự tham gia của báo chí tư nhân. Bác Hồ cho rằng, một báo lớn không phân biệt báo tư nhân hay Nhà nước, miễn là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân nên Người cũng đều hết sức cổ vũ. Cụ thể, nhân Tết độc lập đầu tiên năm 1946, để ra mắt bạn đọc số báo Tết thật phong phú, hấp dẫn, giàu bản sắc cách mạng, chủ bút Báo Quốc Gia là ông Lê Quang Thiều, mạnh dạn lên xin Cụ Hồ - Chủ tịch nước viết cho báo một bài. Bác đã nhận lời và Tết đó trên Báo Quốc Gia đã có bài Tặng Báo Quốc Gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng Báo Quốc Gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà đón mừng xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa.
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa”.
Không lâu sau đó, năm 1948, Báo Xung Phong - tiếng nói của Nhi đồng Cứu quốc tỉnh Hải Dương - ra số đầu tiên và biếu Bác, Bác đã có bài thơ Tặng Báo Xung Phong, như là lời cổ vũ, dặn dò những người làm báo nhỏ tuổi.
“Bác nhận được Báo “Xung phong”
Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho.
Các cháu nghe Bác dặn dò:
Phải biết yêu nước, phải lo học hành,
Siêng làm việc, siêng tập tành,
Phải giữ kỷ luật là thành cháu ngoan.
Bác yêu các cháu muôn vàn,
Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn”.
Có thể nói, thơ cổ động cho báo chí cách mạng của Bác là một nét đặc sắc trong phong cách báo chí của Người; là bài học quý giá về nghệ thuật tổ chức, phát hành, cổ động tiếp thị, để báo chí đến được với mọi đối tượng độc giả cho các thế hệ làm báo Việt Nam hôm nay.
Theo Ngô Minh Thuyên
Báo Đà nẵng
Thanh Huyền (st)