Uyn-phơ-ret Bơ-xet (1911-1983) - nhà báo Ô-xtrây-li-a nổi tiếng và là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, ông đã tới nhiều điểm nóng trên thế giới. Tháng 3-1954, tại chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên ông được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó, ấn tượng sâu sắc sau nhiều lần gặp gỡ Người đã thôi thúc ông viết tiểu luận Ho Chi Minh an appreciation (tạm dịch: Giá trị Hồ Chí Minh) và năm 1972 đã được Quỹ Wilfred Burchett và Báo The Guardian xuất bản thành sách. Nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân xin giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn từ tiểu luận này (đầu đề là của tòa soạn).

"... Thực tế là người nông dân Việt Nam rất đỗi nhỏ bé, thậm chí mù chữ, nhưng nếu xét về văn hóa và đạo đức thì họ lại tỏ ra ưu việt hơn so với đối thủ của họ là người Mỹ. Hồ Chí Minh thấu hiểu truyền thống và lịch sử của đất nước mình không chỉ qua chiều dài mấy ngàn năm, mà theo đúng nghĩa đen là ông đã hấp thụ nó qua nguồn sữa mẹ. Ngay từ những năm đầu đời, bao quanh ông là di sản lịch sử của tổ tiên, thấm sâu vào tâm hồn ông tự lúc nào. Ðó có thể là điệu hát ru, là câu chuyện cổ tích hoặc những cảnh trí trên sân khấu của một gánh hát lưu động diễn lại lịch sử hai ngàn năm chống giặc ngoại xâm đậm chất anh hùng. Ðó cũng có thể là sự tò mò về nguồn gốc của vị thành hoàng làng - thường là một anh hùng trong truyền thuyết. Ðó còn là những câu chuyện mà người trong gia đình thường kể cho nhau nghe về chiến công dũng cảm của tổ tiên trong bảo vệ Tổ quốc, về những đau khổ bất công dưới sự áp bức của nước ngoài và lời kêu gọi đòi trả thù. Tri thức về hai nghìn năm đấu tranh chống kẻ xâm lược đã in sâu trong dòng máu của những người nông dân nhỏ bé, chân lấm tay bùn. Chỉ riêng điều này đã là nguồn lực vô tận cho lòng dũng cảm, sức chịu đựng, niềm tin vào tương lai và coi thường những kẻ cố gắng phá hoại những giá trị hiện tại, điều mà các chuyên gia "cố vấn" ("cố vấn" Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam ở thời điểm tác giả viết bài - ND) không thể hiểu được. Hồ Chí Minh là hình ảnh thu nhỏ của tất cả những điều này. Dường như có một cái gì đó của mỗi người Việt Nam trong Hồ Chí Minh, cũng như có một cái gì đó của Hồ Chí Minh trong đại đa số những người Việt Nam hôm nay. Dấu ấn của ông đối với dân tộc Việt Nam mới mạnh mẽ làm sao!

Cuộc gặp gỡ đầu tiên đáng nhớ của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 3-1954. Người ta thông báo rằng một Hội nghị sẽ được tổ chức tại Giơ-ne-vơ để thảo luận về việc chuyển đổi thỏa thuận ngừng bắn Triều Tiên thành một giải pháp hòa bình lâu dài. Ðúng lúc đó, một ý tưởng muộn màng dường như xuất hiện đồng thời, câu hỏi về ngừng bắn ở Ðông Dương dấy lên. Tôi biết khá rõ về vấn đề Triều Tiên, nhưng lại chẳng biết gì về chiến tranh Ðông Dương. Trước khi đến Giơ-ne-vơ, tôi quyết định đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình thực tế. (Trong hai năm rưỡi trước đó tôi đã ở Kaesong-Panmunjom tường thuật các cuộc đàm phán ngừng bắn của Triều Tiên và các vấn đề liên quan, tôi không được thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra trong thế giới bên ngoài). Thông qua Ðại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Bắc Kinh, tôi có thị thực và cùng với nhà báo người I-ta-li-a là Phran-cô Ca-la-man-drây của L’Unita, chúng tôi bắt đầu chuyến đi bằng tàu hỏa kéo dài năm ngày đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Từ đó, chúng tôi đi tiếp bằng xe tải vào ban đêm và bằng ngựa vào ban ngày, tới một Sở Chỉ huy trong rừng rậm của Việt Minh.

Trong chuyến hành trình của tôi đến Việt Bắc, Đài Phát thanh phát rất nhiều tin tức về một địa danh gọi là Ðiện Biên Phủ. Các bản tin phát thanh phương Tây cho biết, người Pháp đã xây dựng một căn cứ lớn ở đó và đã bắt đầu các hoạt động tiến công "để quét sạch Việt Minh" khỏi toàn bộ vùng Tây Bắc Việt Nam và bao vây họ trong một chiến dịch gọng kìm lớn kéo dài từ Ðiện Biên Phủ đến đồng bằng sông Hồng. Và đây là nơi mà chiếc mũ đi vào câu chuyện. Vì chiếc mũ đó là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và người ngồi cạnh chiếc mũ chính là vị Chủ tịch.

Sự quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết mà tôi thấy sau đó chính là đặc trưng của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi chúng tôi đến, ông đã cho gặp ngay để bảo đảm chúng tôi còn sống sót sau cuộc hành trình gian nan và vẫn có sức khỏe tốt. Thật khó tin, chỉ sau mấy giờ đồng hồ từ khi đặt chân đến đây, chúng tôi đã được ngồi đối diện với nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại. Nhưng ông ấy ở đó, với khuôn mặt nhân hậu không thể nhầm lẫn được, đôi mắt sâu mầu nâu lấp lánh, chòm râu thưa, đó đúng là khuôn mặt mà chúng tôi đã biết qua các tấm ảnh và chân dung trong các năm qua. Ông đột nhiên bước ra khỏi bóng tối của rừng già mà không báo trước, trên vai vắt một chiếc áo khoác, bước đi nhanh nhẹn với một cây gậy tre dài, chiếc mũ nhô cao trên vầng trán rộng. Ông làm cho chúng tôi thấy hoàn toàn thoải mái khi trao đổi bằng tiếng Pháp và tiếng Anh trôi chảy, ông còn giới thiệu đôi lời bằng tiếng I-ta-li-a với người đồng nghiệp của tôi.

Chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch tại sao Đài Phát thanh lại đưa tin về Ðiện Biên Phủ ầm ĩ như thế, ở đó thật sự đang xảy ra điều gì? "Ðây là Ðiện Biên Phủ", ông nói và lật ngửa chiếc mũ của mình trên mặt bàn. "Ðây là những rặng núi", ông lướt những ngón tay thon dài, khỏe khoắn theo rìa chiếc mũ. "Và đó là nơi chúng tôi đang có mặt. Còn dưới này", ông dằn mạnh nắm tay xuống đáy mũ, "là thung lũng Ðiện Biên Phủ. Người Pháp đang ở đó. Họ sẽ không thể ra khỏi đó. Việc này có thể mất nhiều thời gian, nhưng họ sẽ không thể ra khỏi đó", ông nhắc lại "đó là trận chiến Ðiện Biên Phủ trong một chiếc mũ". Sau này chúng tôi được biết hôm trước, ngày 13-3-1954, Tướng Giáp đã tung ra cú đánh đầu tiên ở Ðiện Biên Phủ và trong bốn ngày đã thâu tóm được ba vị trí trọng yếu bảo vệ các con đường vào cứ điểm Ðiện Biên Phủ từ phía bắc.

Ấn tượng đầu tiên của tôi như tôi đã viết trong cùng một cuốn sách, là tất cả đều vô cùng thân mật, ấm cúng, giản dị. Hồ Chí Minh có khả năng làm cho người khác cảm thấy thoải mái ngay từ giây phút đầu tiên và trả lời những câu hỏi phức tạp nhất chỉ bằng một vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ sau đó với nhân cách vĩ đại này, sự cởi mở, giản dị và diễn đạt rõ ràng của ông đi kèm với trí thông minh đặc biệt và khả năng nắm bắt đầy đủ đối tượng đã tạo nên ấn tượng sâu sắc. Bất cứ ai tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều có chung nhận xét về những đặc điểm này, và trên hết là cảm giác như đang được "ở nhà" với ông ùa đến tức thì...

Khả năng làm đơn giản các tình huống phức tạp bằng hình ảnh dễ hiểu, sinh động như dùng cái mũ để minh họa là điển hình trong phong cách giản dị của ông. Mười một năm sau, tôi hỏi ông nghĩ gì về khả năng người Mỹ xâm lược miền Bắc. Ðó là giai đoạn mà Mỹ tiếp tục xây dựng lực lượng ở miền Nam, báo chí đã nói về kế hoạch mở rộng xâm lược ra miền Bắc. "Tất nhiên chúng tôi cân nhắc rất kỹ điều này", ông trả lời, "nhưng nó làm tôi nhớ tới một con cáo bị mắc một chân trong bẫy. Nó bắt đầu giãy giụa tìm cách thoát ra, nhưng đáng thương thay, cái chân còn lại mắc nốt vào một cái bẫy khác. Ðó là những gì sẽ xảy ra nếu người Mỹ xâm lược miền Bắc".

Ngược lại với các "thầy tu" cao siêu của khoa học chính trị Mỹ, những người ngày càng thích thú diễn đạt các ý tưởng bằng thứ ngôn ngữ máy móc vô nhân đạo và công thức kiểu toán học thay vì hình ảnh con người, thích trầm trọng hóa vấn đề bằng ngôn ngữ mà quảng đại công chúng cảm thấy vô cùng khó hiểu; thì khoa học chính trị đầy sức thuyết phục của Hồ Chí Minh được thể hiện trong ngôn ngữ đơn giản và sinh động, những hình ảnh mộc mạc mà người nông dân hoặc công nhân bình thường nhất cũng có thể hiểu được. Khi chuẩn bị các bài báo hoặc các văn bản tuyên cáo, thậm chí cả những văn bản chính sách quan trọng, Hồ Chí Minh thường cho nông dân đọc thử, điều chỉnh từ ngữ cho đến khi chắc chắn rằng toàn bộ văn bản là dễ hiểu đối với quảng đại quần chúng. (Hen-ri Kit-xinh-gơ, Cố vấn của Tổng thống Ni-xơn hẳn sẽ thấy ngôn ngữ của mình được cải thiện nếu ông làm điều tương tự!). Người ta thậm chí có thể nghi ngờ các nhà khoa học chính trị, những người đã bán tài năng của mình cho giới quyền uy, phát minh ra công thức ngôn ngữ chỉ dễ hiểu đối với nhóm những người thuê mướn họ trong khi những người dân thường chắc chắn không thể hiểu nổi. Giống như ngôn ngữ của nhà thờ thời trung cổ, nó phải được cách ly khỏi công chúng. Còn Hồ Chí Minh lại khai mở niềm tin từ quần chúng. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn luôn khẳng định quần chúng, chứ không phải các nhà lãnh đạo, mới là người làm nên lịch sử. Do đó ngôn ngữ của ông, phong cách làm việc và phong cách sống của ông luôn hướng tới làm sao giữ mối liên hệ gần gũi nhất với quần chúng để biết khát vọng sâu xa của quần chúng và đề ra chính sách phù hợp.

... Một vấn đề mà Tổng thống Ni-xơn và những người tiền nhiệm của ông ta không nhận thấy nhưng chắc chắn nhân dân Việt Nam thì khác, đó là Hồ Chí Minh thuộc về toàn thể dân tộc Việt Nam. Không có ranh giới tùy tiện nào dọc theo vĩ tuyến 17 có thể chia ly người dân miền Nam với Hồ Chí Minh vì Thủ đô của họ ở phía bắc của ranh giới. Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo được chấp nhận và là nguồn cảm hứng cho toàn thể dân tộc Việt Nam, ngoại trừ số ít người lần lượt phục vụ các quan thầy Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Phong cách làm việc và chiến đấu của ông là phong cách dành cho người Việt Nam ở miền Nam cũng như ở miền Bắc...".

Anh Khôi (Biên dịch)
Theo Báo Nhân Dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: