Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng, một trong những vấn đề quan trọng là phải giải quyết đúng đắn và hợp lý mối quan hệ giữa đổi mới toàn diện, đồng bộ và xác định các trọng tâm, trọng điểm trong chủ trương, đường lối của Đảng. Đó cũng là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “Điểm” và “Diện”, giữa tổng thể và cụ thể, giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn trong mọi lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Mối quan hệ giữa đổi mới toàn diện, đồng bộ và xác định các trọng tâm, trọng điểm trong đường lối đổi mới của Đảng
Kinh nghiệm phong phú được tổng kết trong hơn 93 năm lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ rằng, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ với lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng đường lối, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, thậm chí còn dẫn tới tổn thất làm chậm sự phát triển của đất nước.
Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều có bối cảnh, điều kiện cụ thể, xuất hiện những thuận lợi, thách thức và những yêu cầu đặt ra cần được giải quyết. Điều đó đòi hỏi Đảng ta có sự đổi mới sáng tạo để có thể đề ra được những quyết sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nhiệm vụ đặt ra là phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì xét về mặt tổng thể với mục tiêu lâu dài thì chúng ta đang hướng tới xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới, thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ. C. Mác đã chỉ rõ về vấn đề này như sau: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình”(1). Như vậy, rõ ràng sự đổi mới của chúng ta không phải là vô định, mà phải có mục tiêu, đó là làm thay đổi về lượng, dẫn tới sự thay đổi về chất của một hệ thống xã hội, chuyển từ cái cũ sang cái mới, từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản.
Dĩ nhiên, đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, song việc lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cũng lại là nhiệm vụ rất cần thiết. Bởi lẽ, trong cả một hệ thống xã hội bao giờ cũng có những “hạt nhân” quyết định sự thống nhất, sự phát triển của cả hệ thống, như cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất; đồng thời, quá trình phát triển luôn phát sinh những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” cần được giải phóng, khai thông. Hoặc, quá trình này luôn cần có những “Đầu tầu”, những “Động lực” đi trước để kéo theo sự phát triển của cả hệ thống. Đó cũng là một lô-gíc hợp lý của sự phát triển. Không có sự phát triển nào diễn ra theo lối “dàn hàng ngang”, mà đều phải có những “mũi nhọn”, những lĩnh vực “tiên phong” đi trước. Do vậy, trong sự đổi mới toàn diện và đồng bộ, yêu cầu đặt ra là phải tìm được trọng tâm, trọng điểm, động lực của sự phát triển để tập trung thúc đẩy chúng đi trước.
Mối quan hệ giữa đổi mới toàn diện, đồng bộ và xác định trọng tâm, trọng điểm là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Việt Nam đã giải quyết mối quan hệ này trong thực tiễn phát triển kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Xét từ đặc điểm, có thể chia làm nhiều giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1986 - 2000: Đây là giai đoạn mở đầu, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới cả về kinh nghiệm và tư duy lý luận, và cũng đạt được những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước sau 10 năm (1991 - 2000) đã tăng gấp đôi, quan hệ sản xuất đã có sự đổi mới phù hợp hơn với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt; Việt Nam đã xóa bỏ được tình trạng bị bao vây, cấm vận, tạo thế và lực cho giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện tử tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên_Ảnh: TTXVN.
Giai đoạn này diễn ra qua 3 kỳ đại hội của Đảng, mở đầu là Đại hội VI. Có thể thấy, tình hình trước Đại hội VI là rất phức tạp: “Kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt; sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng”(2). Đại hội VI cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là: “Chúng ta có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, cụ thể là: “đẩy mạnh công nghiệp hóa trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp”(3). Cùng với đó là tình trạng “chủ quan nóng vội và bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, lại phạm những sai lầm mới, nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối, lưu thông”(4). Đại hội cũng nghiêm túc kiểm điểm: “Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện”(5).
Từ việc thẳng thắn nhận ra những sai lầm trong chủ trương và chính sách, Đại hội VI đã có những quyết sách, chủ trương đổi mới, đi sát thực tế cuộc sống với mục tiêu: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo. Ổn định tình hình kinh tế - xã hội bao gồm ổn định và phát triển sản xuất, ổn định phân phối, lưu thông, ổn định và cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, tăng cường hiệu lực tổ chức quản lý, thiết lập trật tự, kỷ cương và thực hiện công bằng xã hội”(6). Đại hội cũng nêu những mục tiêu cụ thể: “sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy; tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới; tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội; bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh”(7). Đại hội cũng yêu cầu: 1- “Xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”(8); 2- “Thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên, với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất”(9); 3- “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế... Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp”(10); 4- “Giải quyết cho được những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông... Giải phóng năng lực sản xuất... mở rộng giao lưu hàng hóa, bãi bỏ các biện pháp cấm đoán, chia cắt thị trường theo địa giới hành chính”(11).
Như vậy, Đại hội VI đã chỉ ra nhiệm vụ bao trùm, tổng quát mang tính toàn diện là ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện phức tạp, có nhiều rối ren trong sản xuất và lưu thông. Khi đất nước lâm vào khủng hoảng thì vấn đề ổn định kinh tế - xã hội là rất quan trọng; mặc dù vậy, Đại hội VI cũng không quên nhiệm vụ lâu dài là tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho đẩy mạnh công nghiệp hóa. Đại hội đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm là thực hiện ba chương trình kinh tế để thúc đẩy sản xuất và giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống nhân dân. Đại hội VI đã tìm ra “nút thắt” kìm hãm sức sản xuất là sự không phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đây là căn cứ để Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đưa ra chủ trương thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất, thể chế hóa đồng bộ chính sách đối với các thành phần kinh tế, xóa bỏ những cấm đoán và ràng buộc vô lý. Quyền sở hữu, sử dụng và thừa kế tài sản, quyền kinh doanh và hưởng thụ các thu nhập chính đáng cũng như nghĩa vụ với Nhà nước phải được quy định thành luật để mọi người dân yên tâm bỏ vốn sản xuất, kinh doanh...
Chính xuất phát từ quan điểm đổi mới toàn diện, đồng bộ và chỉ ra được những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung giải quyết, nên những quyết sách của Đại hội VI đã trở thành những quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử, mở đầu cho công cuộc đổi mới. Các quyết sách này tiếp tục được Đảng ta tổng kết, điều chỉnh, bổ sung tại Đại hội VII và Đại hội VIII; trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Với đường lối đúng đắn, Đảng ta đã đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khủng hoảng ở trong nước ngay cả trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự sụp đổ này có ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến toàn hệ thống chính trị, cũng như tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, vững vàng của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử trong giai đoạn 1986 - 2000.
Chính trong giai đoạn này, trải qua 3 kỳ Đại hội, Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú về đổi mới, đó là: 1- Phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; 2- Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Tiến hành đổi mới xuất phát từ thực tiễn và đời sống của xã hội Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm tốt của thế giới, không sao chép bất cứ một mô hình có sẵn nào. Đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để với những bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Có những điều chỉnh, bổ sung và phát triển cần thiết về chủ trương, phương pháp, biện pháp. Tìm và lựa chọn những giải pháp mới, linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt cái mới, tận dụng thời cơ, khắc phục sự trì trệ, làm chuyển biến tình hình(12). Như vậy, sau 3 kỳ Đại hội Đảng, vấn đề đổi mới phải toàn diện, đồng bộ và triệt để đã được nêu ra, cùng với những giải pháp, biện pháp, bước đi dựa trên thực tế để giải quyết mối quan hệ giữa tổng thể và cụ thể, giữa mục tiêu và bước đi, giữa cái phổ biến và cái đặc thù, giữa cái đa dạng có thể đổi mới với những nguyên tắc bất di bất dịch để tránh chệch hướng XHCN trong sự nghiệp đổi mới.
- Giai đoạn 2001 - 2015: Đây là giai đoạn đất nước bước vào thế kỷ mới - thế kỷ thứ XXI, một thế kỷ có nhiều biến đổi, khoa học - công nghệ đạt được bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia. Thành tựu sau 15 năm đổi mới đã tạo thế và lực mới, làm cho đất nước ta lớn mạnh lên rất nhiều. “Đồng thời, đất nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta từng chỉ rõ - tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra - ... vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp”(13).
Trong bối cảnh đó, Đảng ta khẳng định: “Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(14). Đại hội IX của Đảng khẳng định: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ của sự đổi mới đồng bộ và toàn diện, hướng tới mục tiêu CNXH; đồng thời, Đại hội cũng chỉ rõ nhiệm vụ “Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm”(15).
Đến Đại hội X, vấn đề đổi mới toàn diện, đồng bộ và lựa chọn, xác định trọng tâm, trọng điểm trong sự nghiệp đổi mới đã được chỉ rõ hơn: Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội(16).
Nhờ những kết quả quan trọng đạt được trong giai đoạn 2001 - 2015, cùng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 30 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đang nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đại hội XII rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới, trong đó có bài học rất quan trọng là: “đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra”(17).
- Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn Đảng, toàn dân tộc ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; song, trước những mục tiêu đặt ra, nhiệm vụ còn lại phải thực hiện là rất nặng nề. Trước yêu cầu, thử thách đó, Đại hội XIII của Đảng vẫn khẳng định phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, với các nhiệm vụ toàn diện, nhưng cũng xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, cùng ba đột phá chiến lược là: 1- Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; 2- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; 3- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội...
Qua thực tiễn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã rút ra được bài học mang tính lý luận là: Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn, phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ đó, chúng ta có thể rút ra được những nguyên tắc cơ bản để giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới toàn diện, đồng bộ và xác định trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là:
1- Phải bám sát mục tiêu CNXH, phải dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động, luôn luôn tránh nguy cơ chệch hướng.
2- Phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết cho được những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn để kiểm nghiệm sự đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách. Phải đổi mới tư duy, song tránh rập khuôn, sao chép một cách máy móc, hoặc áp đặt ý chí chủ quan lên trên quy luật khách quan.
3- Phải có cái nhìn tổng thể trong hoàn cảnh cụ thể; đồng thời, cần biết lựa chọn vấn đề mang tính quyết định, then chốt, tháo gỡ được “điểm nghẽn”, “nút thắt” để xử lý nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trên phương diện toàn cục.
4- Phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Cái gì có lợi cho dân thì cương quyết làm, cái gì có hại cho dân thì cương quyết tránh. Sự hài lòng, đồng tình của nhân dân là “điểm cộng” cho sự đúng đắn trong đường lối, chính sách của Đảng; song, cũng phải tuyệt đối tránh tư tưởng “mỵ dân”, “theo đuôi quần chúng”, vì nếu thế thì sẽ dẫn tới chỗ có thể đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 36 năm đổi mới_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới toàn diện, đồng bộ và xác định các trọng tâm, trọng điểm theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm sắp tới, xác định rõ tầm nhìn và định hướng phát triển. Quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể chia theo ba giai đoạn phát triển đến năm 2045. Đại hội chỉ ra 12 định hướng chiến lược phát triển của đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Đó là những định hướng cho sự phát triển toàn diện, đồng bộ; đồng thời, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cần thực hiện trong nhiệm kỳ của Đại hội.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ ra các nguyên tắc đã được phân tích ở trên, thì câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta cần giải quyết mối quan hệ giữa bảo đảm định hướng phát triển với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược như thế nào? Những đột phá sau nhiệm kỳ Đại hội XIII là gì?
Xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, cần phải khẳng định, kinh tế quyết định đến sự phát triển. Kinh tế không phát triển, xã hội không ổn định, thì đất nước không thể phát triển bền vững. Điều đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm. Việc xác định 3 đột phá chiến lược kéo dài qua 3 kỳ đại hội liên tiếp (Đại hội XI, XII, XIII) cũng chính là tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế. Các “điểm nghẽn”, “nút thắt” kìm hãm sự phát triển cần xử lý cũng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, đó là thể chế về kinh tế chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chưa đáp ứng, hạ tầng thiếu đồng bộ. Đảng ta cũng coi lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các cấp ủy, được đặt lên hàng đầu trước các nhiệm vụ khác. Nói như vậy để thấy, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm. Xét đến cùng, một phương thức sản xuất mới được hình thành bởi một lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại với một quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất đó, sẽ quyết định cho một hình thái kinh tế - xã hội mới ra đời với một hệ thống nội tại vững chắc, từ kinh tế đến xã hội, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, từ văn hóa, nghệ thuật, khoa học - công nghệ đến pháp luật...
Tuy nhiên, trong kinh tế, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có nội dung cốt lõi là phải hoàn thiện thể chế về tài chính trong cơ chế thị trường, như hệ thống tài chính quốc gia cả công và tư, cả vi mô và vĩ mô, như ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước, thị trường tài chính (tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm...). Tài chính doanh nghiệp (quốc doanh, tư doanh, có vốn đầu tư nước ngoài), thậm chí đến tài chính gia đình cũng phải được hoàn thiện. Hoặc, vấn đề phân cấp, phân quyền, tự chủ tài chính cũng phải tập trung làm rõ. Đây có thể nói là “điểm nghẽn”, “nút thắt” lớn nhất cần được tập trung giải quyết kịp thời, nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy khó lường. Nói cách khác, khơi thông hệ thống tài chính quốc gia chính là khơi thông “mạch máu” cho nền kinh tế.
Trong phát triển nguồn nhân lực, thì trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quan điểm này đã được xác định rõ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nếu không đào tạo được nguồn lao động có chất lượng cao, nguồn lao động có tri thức đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức thì đất nước ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, khi nền kinh tế đạt đến một giới hạn thu nhập nào đó. Một mặt, trong khi mục tiêu đến năm 2030, số lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40% như Đại hội XIII của Đảng đề ra là khá cao; tuy nhiên, tỷ lệ này có thể nói là vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Mặt khác, chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay đang là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nếu không khắc phục những mặt yếu, không có sự thay đổi mang tính cách mạng thì việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước, sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện nay, giao thông là khâu đột phá của đột phá, trong đó giao thông đường thủy, đường sắt, giao thông đô thị, tính kết nối liên thông, logistics là các “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ sau khi hệ thống cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây được triển khai, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Sau năm 2030, khi Việt Nam là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thì trước đó, các vấn đề đột phá chiến lược được xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, nếu tiếp tục sang nhiệm kỳ Đại hội XIV, đều cơ bản phải hoàn thành, và sẽ là các nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục. Các đột phá chiến lược về kinh tế cần được chuyển mục tiêu cho các trọng tâm khác, như vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún ven sông, ven biển và rác thải, nước thải đang là nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước; vấn đề phát triển khoa học - công nghệ, tập trung cho đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp then chốt, như cơ khí chế tạo, công nghiệp biển, công nghiệp quốc phòng - an ninh, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình thế giới, khu vực có biến động khó lường và không thể coi nhẹ; cùng với đó là vấn đề phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, nhất là trong giáo dục và y tế, nhằm bảo đảm công bằng xã hội, hướng tới hạnh phúc của nhân dân theo mục tiêu CNXH. Như vậy, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều đòi hỏi có sự đổi mới toàn diện, đồng bộ và lựa chọn, xác định cho được trọng tâm, trọng điểm, giải quyết tốt mối quan hệ này trong đường lối của Đảng. Sự đổi mới này phải phù hợp với sự phát triển mau lẹ của thời đại, nhất là trong điều kiện bùng nổ của khoa học - công nghệ, cùng với diễn biến khó lường và phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực. Trong bối cảnh nước ta sẽ vượt mức 100 triệu dân vào năm 2023 và những thay đổi về kinh tế - xã hội đặt ra một yêu cầu mới cao hơn của quản trị quốc gia thì “chìa khóa vạn năng” cho giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới đồng bộ, toàn diện và xác định trọng tâm, trọng điểm là phải đổi mới tư duy về kinh tế nói riêng, tư duy lãnh đạo của Đảng nói chung trên tất cả các mặt, đặc biệt là về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ, để có thể phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời kỳ mới./.
PHÙNG QUỐC HIỂN
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội
Theo Tạp chí Cộng sản
Đàm Anh (st)
-----------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 187
(2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 211 - 212, 212, 212
(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr. 213, 214 - 215, 215, 215, 217 - 218, 218, 220
(12), (13), (14), (15) Xem: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 631, 619, 632 - 633, 639
(16) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 70 - 71
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69