Mờ sáng ngày 10/12/1961, anh Phan Đình Sung gõ cửa phòng tôi ở trụ sở Báo đường Hồng Bàng (TP. Vinh), nói nhỏ giọng Huế:
- Dương Huy, dậy đi công tác đặc biệt!
Tôi mừng quýnh! Thế là đến lượt mình rồi. Mấy hôm nay, cả toà soạn náo nức, sôi động hẳn lên. Từ Chủ bút Nguyễn Hường, Thư ký toà soạn Phan Huy Chuyên, các biên tập viên Phan Đình Sung, Lê Ngọc Vượng, Bùi Ngọc Trình, Nguyễn Duy Liên, Nguyễn Tường đến Nguyễn Thanh Phong và tôi, hai phóng viên trẻ vừa chân ướt chân ráo về cơ quan, ai cũng hồi hộp, chờ đợi được gặp Bác Hồ, được đưa tin, chụp ảnh, viết bài, đóng góp vào số báo Nhân dân Nghệ An đặc biệt chào mừng Bác về thăm quê lần thứ hai.
Anh Sung mượn cho tôi chiếc áo đại cán rộng thùng thình và chiếc mũ cát két rồi dặn tôi đón xe đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng lên thẳng Nông trường Đông Hiếu chờ Bác từ HTX Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) đến.
Bác Hồ chụp ảnh chung với cán bộ CNV Nông trường Đông Hiếu và các nhà báo trong dịp Người về thăm quê hương (tháng 12/1961). Ảnh tư liệu: Dương Huy
Khoảng 8 giờ, chiếc máy bay trực thăng do một phi công Liên Xô lái xuất hiện trong màn sương mù rồi từ từ hạ cánh xuống đồi cà phê. Bác kia rồi! Bác hồng hào với chòm râu bạc tươi cười đưa tay vẫy. Chúng tôi chạy ùa lại. Bất ngờ Bác không lên xe ngay để ra địa điểm mít tinh mà bước thẳng lên đồi cà phê. Tôi cố bám sát sợ bỏ sót mất một cử chỉ, một câu nói nào của Bác. Lần đầu tiên được phân công viết bài về lãnh tụ, tôi vừa mừng vừa lo. Bác đi nhanh với những bước dài, tôi phải chạy lắp xắp mới kịp.
Sau khi thăm đồi cà phê, lấy tay đo mật độ, hỏi kỹ thuật chăm bón, căn dặn cán bộ nông trường, Bác rẽ vào khu nhà ở công nhân hồi đó còn lợp tranh phên nứa. Qua lán ở, Bác khẽ nâng tấm liếp cửa sổ một gian phòng, xem nơi ăn ở.
Lúc này, Bác mới đến dự mít tinh và nói chuyện với đồng bào. Đứng chênh vênh trên khán đài dựng bằng tre nứa, vì không biết tốc ký, tôi phải cố ghi lia lịa vào cuốn sổ tay để theo kịp những lời căn dặn của Bác.
Bác nghỉ trưa ở nông trường bộ. Mấy anh em nhà báo và cán bộ phục vụ chúng tôi cứ loay hoay, thập thò trước cửa chờ Bác dậy để xin chụp ảnh. Khi Bác đẩy cửa bước ra, mắt còn nheo nheo vì nắng, tôi dồn hết can đảm nói:
- Thưa Bác, chúng cháu... chưa... được chụp ảnh...!
Tôi run run chỉ vào mấy anh đang lăm lăm máy ảnh trong tay và mấy chị công nhân nông trường xúng xính quần áo dân tộc.
Bác hiểu ý, ngồi thụp xuống bãi cỏ trước nhà nghỉ, nói hồn nhiên:
- Ừ, thì chụp!
Lập tức, chúng tôi quây lại, ai cũng muốn ngồi gần Bác. Tấm ảnh ấy tôi còn giữ đến hôm nay như một báu vật. Ngoài tin, bài, tôi còn làm một bài thơ về Bác để ghi nhớ một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo:
Bác lên nông trường
Nông trường phủ trắng màn sương
Bác về nắng toả lên sườn non cao
Núi rừng quây lại đón chào
Rì rầm suối hát, xôn xao lá cành.
Bác đứng giữa đồi xanh lồng lộng
Mắt Bác nhìn rợp bóng muôn cây
Bác đo từng gốc cà dầy
Đất hồng trỗi dậy theo tay của Người.
Bác đi giữa hoa cười, lá múa
Giữa nắng vàng, đất đỏ, đồi xanh
Bác vào từng mái nhà tranh
Hôn đàn cháu nhỏ vây quanh trước thềm.
Bác đi, núi lặng đứng nhìn
Rừng giơ tay vẫy, suối tìm dấu chân
Bác về mang cả mùa xuân
Bác đi, hạnh phúc nẩy mầm đơm hoa.
Dương Huy
(Kỷ niệm ngày Bác lên thăm Đông Hiếu 12/1961)
Theo Báo Nghệ An
Thu Hiền (st)