28. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Leo Phighe (8-9-1950)

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết cảm tưởng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với việc Liên Xô, Trung Hoa và các nước dân chủ mới công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trả lời: Chúng tôi rất lấy làm vui sướng, phấn khởi và hiểu biết.

Hỏi: Ý kiến của Chủ tịch đối với việc đế quốc Mỹ công nhiên can thiệp vào nội tình Việt Nam?

Trả lời: Việc can thiệp đó có tính chất xâm lược, phản dân chủ và không Mỹ chút nào. Nhất định đế quốc Mỹ sẽ thất bại như ở Trung Hoa trước đây.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết những điều kiện cốt yếu để tái lập hoà bình?

Trả lời: Chỉ cần quân đội Pháp rút hết về nước.

Hỏi: Theo ý Chủ tịch thì việc bang giao giữa Việt Nam và hai nước Miên, Lào sau này sẽ như thế nào?

Trả lời: Ba nước sẽ bang giao với nhau trên nguyên tắc bình đẳng hoàn toàn và tôn trọng độc lập quốc gia của nhau.

Hỏi: Ngoài những cớ viện ra để che đậy việc xâm chiếm Đông Dương, Chính phủ Pháp thường viện cớ nếu quân Pháp rút ra khỏi Đông Dương thì những người hợp tác với quân đội viễn chinh Pháp sẽ bị tàn sát. Xin Chủ tịch cho biết rõ rệt thái độ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với những hạng người đó?

Trả lời: Chính phủ Việt Nam sẽ tha thứ hay trừng trị họ theo luật pháp tuỳ theo thái độ của họ hiện nay và về sau. Nhưng sẽ không có ai bị tàn sát.

Hỏi: Ngoài việc dùng lính Pháp và những bọn lính ngoại quốc chuyên đi đánh thuê, Chính phủ Pháp còn thuê lính ở Bắc Phi và Đông Phi sang đánh nhau ở Việt Nam, xin Chủ tịch cho biết ý kiến?

Trả lời: Đó là một cách hay nhất để phá hoại cái mà người ta gọi là “Khối Liên hiệp Pháp”. Tôi mong rằng nhân dân các nước nói trên sẽ đoàn kết lại để ngǎn cản không cho thực dân Pháp đẩy thanh niên nước họ vào cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương hay bất cứ một cuộc chiến tranh phi nghĩa nào.

Hỏi: Chủ tịch có ý kiến gì về phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam đương lan rộng tại các thị trấn lớn bên Pháp?

Trả lời: Tôi rất hoan nghênh và chúc nhân dân Pháp thắng lợi. Nhân dân Pháp tranh đấu chống cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng là tranh đấu cho hoà bình thế giới và độc lập của nước Pháp.

Hỏi: Một vài tờ báo ở Pháp nêu ra vấn đề Pháp kiều và tù binh Pháp hiện sống dưới sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam, xin Chủ tịch cho biết rõ về tình trạng những người Pháp đó và thái độ của Chính phủ Việt Nam đối với họ?

Trả lời: Hiện nay chúng tôi đương tìm mọi cách để nâng cao mức sống của họ. Họ được ǎn uống đầy đủ hơn cả chúng tôi nữa. Họ đã gửi cho tôi nhiều bức thư tỏ lòng biết ơn.

Hỏi: Theo ý Chủ tịch thì mối bang giao giữa nhân dân hai nước Việt – Pháp sau này sẽ ra thế nào?

Trả lời: Hai nước sẽ hợp tác trên lập trường huynh đệ và bình đẳng.

                 Báo Cứu quốc, số 1641, ngày 8-9-1950.     

29. Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo (28-5-1951)

Sau khi cùng các đoàn thể chúc thọ Hồ Chủ tịch, các nhà báo lại có hân hạnh đặc biệt được Cụ Chủ tịch tiếp riêng mấy phút và được phép đặt mấy câu hỏi. Sau đây là tóm tắt những câu trả lời của Người:

- Những chính sách của Chính phủ như:

Thống nhất tài chính,

Chỉnh đốn biên chế,

Thu thuế nông nghiệp,

Đẩy mạnh thi đua,

đều nhằm mục đích làm cho kháng chiến tiến mạnh, tǎng gia sản xuất được nhiều và việc đóng góp của đồng bào được giản đơn, tiện lợi hơn. Cách làm việc tuy mới, nhưng nhân dân ta rất tốt, rất hǎng. Chỉ cốt cán bộ từ cấp trên đến cấp dưới đều chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ, thì những chính sách ấy nhất định thành công tốt đẹp.

- Mỹ chuẩn bị ký hoà ước riêng với Nhật và vũ trang lại Nhật, việc đó nhân dân Trung Hoa và các nước khác phản đối, nhân dân Việt Nam ta cũng phản đối. Vì Việt Nam là một trong những nước đã bị đế quốc Nhật giày xéo trong mấy nǎm. Dù sao chỉ có nhân dân Việt Nam có quyền lên tiếng, thực dân Pháp và lũ bù nhìn phản quốc tuyệt đối không có quyền lợi dụng danh nghĩa của nhân dân Việt Nam.

- Còn chủ nghĩa đế quốc, còn thực dân, thì còn có nguy cơ chiến tranh. Nhất là trong lúc này, Mỹ và phe Mỹ rất hung hǎng trắng trợn. Song “lửa càng nồng, nước càng lạnh”, lực lượng dân chủ hoà bình thế giới – có Liên Xô làm thành trì ngày càng mạnh hơn chúng.

Câu nói của Thống chế Xtalin rất đúng. Đại ý ông nói: Nếu nhân dân thế giới đoàn kết nhất trí, giữ vững sự nghiệp bảo vệ hoà bình đến cùng, thì cuộc đấu tranh giữa lực lượng gây chiến và lực lượng hoà bình sẽ kết quả là phe hoà bình thắng.

Tuy vậy, nhân dân thế giới đối với phe đế quốc gây chiến, cũng như ta đối với giặc Pháp. Cuối cùng ta nhất định thắng lợi, nhưng ta không được khinh địch, chủ quan.

Câu chuyện đến đây thì một toán nhi đồng vừa kéo vào chúc thọ Bác. Cụ Chủ tịch vui vẻ bảo chúng tôi: Thôi, bây giờ các chú phải nhường chỗ cho các cháu. Dịp sau sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Báo Cứu quốc, số 1827, ngày 28-5-1951.

30. Trả lời một nhà báo Thụy Điển (26-11-1953)

- Hỏi: Cuộc thảo luận ở Quốc hội Pháp đã chứng tỏ rằng một số lớn người chính trị Pháp muốn dàn xếp một cách hoà bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam. Ý nguyện ấy càng rộng khắp trong nhân dân Pháp. Thế thì Cụ và quý Chính phủ hoan nghênh ý nguyện ấy hay không?

- Trả lời: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám nǎm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hoà bình. Hiện nay, nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy nǎm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó.

- Hỏi: Một sự ngừng bắn hoặc một cuộc đình chiến có thể có được không? Và trên cǎn bản nào?

- Trả lời: Miễn là Chính phủ Pháp đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược thì cuộc đình chiến ở Việt Nam thực hiện. Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam.

- Hỏi: Nếu một nước trung lập đứng ra dàn xếp để những đại biểu của tư lệnh đối phương được gặp Cụ thì Cụ có nhận không? Nước Thụy Điển có thể đứng ra làm việc ấy hay không?

- Trả lời: Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Chính phủ Pháp.

- Hỏi: Theo ý Cụ, có phương pháp nào khác để chấm dứt cuộc chiến tranh không ?

- Trả lời: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã đem lại tai hoạ cho nhân dân Việt Nam đồng thời cũng làm cho nhân dân Pháp đau khổ nhiều, cho nên nhân dân Pháp đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Đối với nhân dân Pháp và các chiến sĩ hoà bình Pháp, tôi xưa nay vẫn đồng tình và tỏ lòng quý mến. Hiện nay, chẳng những nền độc lập của dân tộc Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng, mà chính nền độc lập của nước Pháp cũng bị uy hiếp nặng. Đế quốc Mỹ một mặt thúc đẩy thực dân Pháp tiếp tục và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm cho Pháp càng đánh càng yếu đi, hòng thay thế địa vị Pháp ở Đông Dương, một mặt khác lại bắt buộc Pháp phê chuẩn bản Điều ước về việc phòng thủ ở châu Âu, nghĩa là để cho chủ nghĩa quân phiệt Đức sống lại.

Vì thế, cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi độc lập, dân chủ, hoà bình cho nước Pháp và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng để giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách hoà bình.

Trả lời ngày 26-11-1953.
Báo Nhân dân, số 152, từ ngày 6 đến 10-12-1953.

31. Trả lời những câu hỏi của Hãng Thông tấn Nam Dương Antara (14-5-1954) 

- Hỏi: Mục đích chiến đấu của nhân dân Việt Nam là gì?

- Trả lời: Nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu mục đích là thực hiện một nước hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do.

- Hỏi: Nhân dân Việt Nam có thể theo con đường nào để đấu tranh thắng lợi?

- Trả lời: Nhân dân Việt Nam luôn luôn muốn giành độc lập và giải phóng nước Việt Nam bằng con đường hoà bình.

Vì vậy cho nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký với Pháp Hiệp ước Pháp – Việt trong nǎm 1946. Chỉ sau khi thực dân Pháp đã phản bội Hiệp ước và gây chiến với nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới phải đứng lên cầm vũ khí để kháng chiến.

Ngày nay, nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách hòa bình.

- Hỏi: Đối với việc Mỹ viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương, ý kiến của Cụ thế nào ?

- Trả lời: Giới thống trị Mỹ đang cố phá hoại việc giải quyết vấn đề Đông Dương một cách hoà bình, đang tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương và làm cho chiến tranh lan rộng để biến Đông Dương thành một thuộc địa của Mỹ, để bắt nhân dân Đông Dương làm nô lệ và để phá hoại hoà bình ở Viễn Đông và thế giới.

Nhân dân Việt Nam kiên quyết chống lại những hành động và những âm mưu xâm lược của giới thống trị Mỹ.

- Hỏi: Điều kiện gì là điều kiện cǎn bản để thương thuyết với Pháp?

- Trả lời: Lập trường của chúng tôi để thương thuyết với Pháp đặng ngừng bắn, đình chiến và lập lại hoà bình ở Đông Dương là: Thật sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do.

- Hỏi: Theo ý Cụ, để thực hiện thế giới hoà bình lâu dài thì phải có những điều kiện cần thiết gì?

- Trả lời: Thế giới hoà bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng cách thương lượng và nếu nhân dân thế giới không chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh, mà tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hoà bình thế giới.

- Hỏi: Cụ có nghĩ rằng Hội nghị Giơnevơ 19 có thể thành công trong việc giải quyết những xung đột ở Đông Dương và Triều Tiên bằng một cách thương lượng hoà bình hay không?

- Trả lời: Tôi thành thật mong cho Hội nghị Giơnevơ có thể đi đến giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương và Triều Tiên, hoặc giúp cho việc giải quyết ấy.

- Hỏi: Theo ý kiến Cụ, Nam Dương có thể làm gì để giúp cho chiến tranh Đông Dương chấm dứt sớm?

- Trả lời: Mọi cố gắng của nhân dân Nam Dương để đấu tranh cho hoà bình ở Viễn Đông và thế giới tức là giúp để giải quyết vấn đề Đông Dương. Theo ý kiến tôi, nhân dân Nam Dương kiên quyết chống âm mưu của Mỹ thành lập những liên minh quân sự ở Châu Á và đẩy mạnh cuộc đoàn kết, hoà bình chung sống giữa các nước Châu Á tức là có tác dụng lớn đến việc lập lại hoà bình ở Đông Dương.

- Hỏi: Đối với chính sách ngoại giao tích cực và độc lập của các Chính phủ Ấn Độ, Nam Dương và Miến Điện, ý kiến Cụ thế nào?

- Trả lời: Chúng tôi hoan nghênh chính sách của Chính phủ n Độ, Nam Dương và Miến Điện đeo đuổi để chống lại việc mở rộng chiến tranh xâm lược và bênh vực cách giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương và Triều Tiên. Chính sách ấy sẽ giúp cho nền hoà bình Viễn Đông và thế giới. Tất cả các nước Á Châu đã bị hoặc đang bị ngoại quốc nô dịch và biến thành thuộc địa phải cùng nhau đoàn kết để đấu tranh chống lại chính sách nô lệ và xâm lược ấy.

- Hỏi: Về đề nghị của Thủ tướng Nam Dương họp cuộc hội nghị giữa các nước Á Châu và Phi châu, ý kiến của Cụ thế nào?

- Trả lời: Chúng tôi hoan nghênh một cuộc hội nghị quốc tế giúp cho việc xây dựng hoà bình ở Viễn Đông và thế giới.

- Hỏi: Về âm mưu của Mỹ thành lập những liên minh quân sự ở Á Châu và Thái Bình Dương, ý kiến của Cụ thế nào?

- Trả lời: Việc bọn gây chiến Mỹ cố gắng tổ chức liên minh quân sự ở Đông  Nam Á và vùng Tây Thái Bình Dương là một hành động đầy tội ác để mở rộng chiến tranh xâm lược ở Á Châu đặng phá hoại hoà bình Á Châu và bắt nhân dân Á Châu làm nô lệ. Chắc rằng, toàn thể nhân dân Á Châu sẽ kiên quyết chống lại hành động ấy.

- Hỏi: Về việc nhân dân Nam Dương đòi lại Tây Irian vì đấy là miếng đất của nước Cộng hoà Nam Dương, ý kiến của Cụ thế nào?

- Trả lời: Nhân dân Nam Dương đòi lại Tây Irian vì đấy là mảnh đất của nước Cộng hoà Nam Dương, là đúng. Chúng tôi ủng hộ việc đòi hỏi ấy của nhân dân Nam Dương.

Trả lời ngày 14-5-1954

(Còn nữa)

Theo cpv.org.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: