Làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của nghệ nhân, nhiều sản phẩm tinh xảo đã ra đời như tranh khảm trai, hoành phi, câu đối, những họa tiết độc đáo, cầu kỳ trang trí trên sập gụ, tủ chè… đều được mài rũa cẩn thận. Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả ở Chuôn Ngọ là tranh khảm trai về chân dung Bác Hồ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng
Một số sản phẩm khảm trai chân dung Bác Hồ của nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lăng, một trong những nghệ nhân trẻ của làng chuyên làm dòng tranh khảm trai chân dung Bác Hồ. Anh Lăng cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghề truyền thống, được kế thừa và phát triển những tinh hoa mà cha ông để lại nên ngay từ nhỏ tôi đã bị cuốn hút kỳ lạ với khảm trai. Đến năm 15 tuổi, tôi bắt đầu bước vào nghề và được học các bước căn bản để làm ra một bức tranh khảm trai”.
Thời gian đầu, sản phẩm của anh thường là những bức tranh khảm trai mang hồn cốt dân gian với hình ảnh người nông dân cày cấy, chú tiểu đồng chăn trâu thổi sáo... Sau khi đã làm khá thuần thục và đạt được một số thành công bước đầu, anh tìm hiểu và bắt tay thực hiện khảm truyền thần hình người trên trai, đây được xem là đỉnh cao nhất trong nghệ thuật khảm trai. Ở đó, đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mỉ, sự tinh xảo, khéo léo, khả năng sáng tạo của người nghệ nhân.
Điều đặc biệt hơn khi chọn nhân vật để làm chân dung, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng đã lấy nguyên mẫu Bác Hồ. Anh cho biết: “Trong nhiều ngành nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, hình tượng Bác Hồ luôn là cảm hứng bất tận trong sáng tác của các nghệ sĩ. Xuất phát từ lòng tôn kính, sự ngưỡng mộ đối với vị lãnh tụ, tôi muốn đưa hình ảnh của Bác vào trong nghệ thuật khảm trai với những chất liệu có nguồn gốc từ tự nhiên”. Điều đó đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Lăng quyết tâm theo đuổi và chinh phục nghề. Trong suốt thời gian bắt tay thực hiện dòng tranh này, anh Lăng không ngừng học hỏi để làm sao thực hiện được chân dung khảm trai về Người sinh động nhất, nhưng cũng cuốn hút và chân thực nhất.
Đối với khảm tranh chân dung thì bước truyền thần trên trai được xem là khó nhất bởi chất liệu là những vỏ trai, vỏ ốc rất cứng đòi hỏi nghệ nhân phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ, có tố chất hội họa, đặc biệt là thực sự phải tâm huyết và yêu nghề mới có thể làm được. Anh Lăng vui vẻ cho biết: “Khi làm khảm tranh chân dung về Bác, người thợ phải trải qua quá trình khổ luyện bởi kỹ thuật khắc họa yêu cầu phải rất chính xác, khéo léo nhằm làm toát lên cái thần thái trong con người của Bác. Hơn nữa Bác là một vị lãnh tụ, đòi hỏi không để lỗi ở khâu kỹ thuật hay bất kỳ một sơ suất nhỏ. Vì thế, trước khi thực hiện một tác phẩm, tôi đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng những bức chân dung ngoài đời của Người”.
Tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng đã hoàn thành được nhiều tác phẩm khảm chân dung Bác Hồ trên trai. Mỗi tác phẩm lại thể hiện một phong thái, tư thế và tác phong của Người. Bức khảm chân dung Bác với chiếc áo kaki, chòm râu dài và nụ cười tươi nở trên môi được xem là một tác phẩm thành công của anh. Với tác phẩm này, anh Lăng cho biết: “Thực hiện một bức chân dung về Bác, cái khó là tạo hình khuôn mặt, người thợ phải thể hiện cho được sắc thái biểu cảm của nét mặt với ánh mắt, nụ cười hay từng nếp nhăn trên vầng trán vuông…”.
Có lẽ nếu chỉ xem qua, không ai nghĩ rằng từ vỏ trai cứng như thế có thể làm thành những bức chân dung tuyệt kỹ, hoàn hảo đến vậy. Còn với bức Bác Hồ cùng Bác Tôn, cái thần của bức tranh đã được nghệ nhân truyền tải hết sức tinh tế qua nét mặt tươi vui, kính trọng và cái bắt tay chân thành của hai vị lãnh đạo, hai người con ưu tú của dân tộc.
Ngoài việc truyền thần chân dung Bác Hồ với chất liệu trai được thực hiện trên chính các mảnh trai thì nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng còn có nhiều tác phẩm khảm trai trên gỗ, trong đó có bức “Bác Hồ ngồi làm việc”. Với bức tranh này, anh Lăng đã được phong tặng danh hiệu “Tinh hoa làng nghề Việt Nam”. Năm 2010, sau 6 tháng miệt mài, bền bỉ làm việc, cuối cùng anh hoàn thành bức “Chân dung Bác Hồ” với kích thước 116x140cm. Bức khảm chân dung được đánh giá cao, có chiều sâu, giống như một bức ảnh chụp chân dung phóng to, thể hiện kỹ thuật khảm chân dung tinh xảo. Ngay sau đó, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận đó là bức tranh khảm trai chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất.
Lê Phượng
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)