Với nghệ sỹ nhiếp ảnh Trịnh Hải, được chụp ảnh Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (năm 1961) là cơ duyên, là niềm tự hào và là vinh dự lớn. Lần chụp ảnh Bác tại quê Bác năm ấy đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Năm 1955, tôi về nhận công tác tại Báo Nhân Dân khi mới 23 tuổi. Trong suốt thời gian công tác, tôi có vinh dự được nhiều lần chụp ảnh Bác Hồ. Nhưng những kỷ niệm về chuyến công tác Nghệ An, được chụp ảnh Bác về thăm quê để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Bức ảnh Bác về thăm quê bản thân tôi cũng không ngờ lại có cơ duyên chụp được. Lúc bấy giờ, ngày 9/12/1961, tôi đang đi công tác ở thị xã Vinh, Nghệ An. Tỉnh ủy Nghệ An được tin Bác về thăm nên chỉ đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy mời phóng viên báo Nghệ An và tất cả các phóng viên Trung ương đang công tác tại Vinh tham gia vào đội chụp ảnh, đưa tin về sự kiện.

Chúng tôi là dân tại chỗ, không nắm được thông tin hành trình, nên cứ đoán già đoán non là thế nào Bác cũng về thăm quê nội trước nên đi đón Bác ở đầu Làng Sen. Nhưng không ngờ Bác lại về thăm Hoàng Trù quê ngoại trước. Chúng tôi chờ mãi ở Làng Sen đến khoảng 9 giờ mới thấy một chiếc ô tô xuất hiện. Trên xe có các anh Đinh Đăng Định (nhiếp ảnh), Phan Trọng Quỳ (quay phim)… Tôi nghĩ nhanh, thôi chết mình phán đoán sai, khéo lại lỡ mất việc rồi. Hỏi, các anh bảo Bác sang quê ngoại trước, giờ đi sang Làng Sen. Thế là chúng tôi kéo nhau vào Làng Sen chờ chụp ảnh Bác. Ở đây tôi đã chụp được một số ảnh trong đó có bức Bác về thăm quê, được đăng trên Báo Nhân Dân sau đó.

chup-anh-bh
Bác về thăm quê.  Ảnh: Trịnh Hải

Về thăm nhà, Bác rất vui mừng vì ngôi nhà đã được trở về nguyên trạng, với những kỷ vật xưa cũ. Bác ngắm, rồi sờ vào từng cái cột, phên vách, từng đồ vật rất xúc động…  Sau khi thăm nhà, nơi gắn bó suốt quãng đời niên thiếu của mình, Bác sang thăm nhà hàng xóm. Bác đứng trên thềm, dưới sân nhân dân tập trung rất đông chào đón Bác. Bác bảo: Hôm nay Bác về đây là đi công tác chứ không có mục đích về thăm cho nên Bác không có quà cho mọi người. Bác mở hộp thuốc lá nói: Bác chỉ còn mấy điếu thuốc lá, ai già nhất ở đây thì Bác mời. Có một người khoảng 50 tuổi giơ tay, Bác cười bảo: Chú còn trẻ con. Mọi người cười ồ lên vui vẻ. Ai cũng cảm thấy Bác thật gần gũi.

Tiếp đó, Bác ra Đền Làng Sen làm việc với Đảng ủy và UBND xã Kim Liên và nói chuyện với nhân dân. Bác bước vào vẫy tay chào mọi người rồi kéo chiếc ghế dài tự nhiên ngồi xuống. Bác nói nhiều chuyện với lãnh đạo xã, với nhân dân về tinh thần đoàn kết, phát triển sản xuất, xây dựng hợp tác xã vững mạnh... Bác dặn dò cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, phải lo cho dân từ tương cà mắm muối… Sau này còn nhiều dịp được chụp ảnh Bác, tôi thấy Bác thật giản dị. Có lần đến dự một Hội nghị của phụ nữ tham gia công tác chính quyền miền Bắc, Bác không ngần ngại ngồi bệt xuống nền đất trò chuyện với mọi người. Đó là sự giản dị của một vị lãnh tụ Việt Nam mà không đâu trên trái đất này có được.

Cũng hôm ấy, tại trụ sở Công đoàn của tỉnh Nghệ An, các vị lão thành cách mạng của tỉnh được mời về chào mừng Bác và nghe Bác nói chuyện. Tôi cầm máy ảnh đứng ngay sau Bác. Ngồi hàng trên có mấy người trẻ tuổi là cán bộ lãnh đạo của thị xã Vinh, còn các vị lão thành cách mạng ngồi phía sau. Có một bác đến hơi muộn, cứ đứng thập thò ngoài cửa không dám vào. Bác nhìn thấy bảo: Chú kia vào đây chứ. Bác chỉ mấy anh lãnh đạo trẻ ngồi phía trên nói: Các chú quay lại xem ông kia có già không? Các chú ngồi thế này thì người ta ngồi vào đâu? Chú này, Bác chỉ vào một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu, Bác nói: “Chú ra mời người ta vào đây và phải xin lỗi nhé!”. Thế là, các lãnh đạo trẻ cứ tự động rút lui ra phía sau, trống đến hai hàng ghế. Bác bảo: Các chú khác ngồi cao lên đây, trẻ không được ngồi trước già. Cho đến tận bây giờ, tôi thấy lời Bác dạy vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Nhữ Phong ghi

Theo http://daibieunhandan.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: