Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Mỹ Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng Minh ở vùng Hoa Nam, Trung Quốc để thoả thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương.
Cuộc gặp này được bố trí bởi Trung úy Hải quân Charles Fenn, công tác tại cơ quan Cứu trợ mặt đất của Mỹ ở Trung Hoa (AGAS), người đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Hồ Chí Minh cách đó 10 ngày (18/3/1945).
Sau này, trong cuốn sách viết về tiểu sử chính trị của Hồ Chí Minh xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1973 của Ch.Fenn, được trích dẫn lại trong cuốn “Tại sao Việt Nam?”(Why Vietnam?) của Đại tá Archimedes Patti, chi tiết này được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng vì sự xác lập được mối quan hệ đồng minh giữa Việt Minh và Hoa Kỳ cũng như xác lập được vị thế “đứng về phía Đồng Minh” trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít của Hồ Chí Minh nói riêng và lực lượng Việt Minh nói chung.
Tháng 8/1945, tạ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh
kỷ niệm với đơn vị OSS
Ch.Fenn cho biết, ông đã được nghe nói về một người An Nam tên gọi là “Hu Tze-ming” đã giúp cho viên phi công Mỹ tên là Trung uý Shaw, nằm trong số 9 viên phi công trên những phi cơ tham gia các cuộc không kích ở vùng sông Sài Gòn bị quân Nhật bắn hạ. Trung uý Shaw được Việt Minh cứu sống và Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho Phạm Văn Đồng tổ chức đưa viên phi công này qua Côn Minh (Trung Quốc) để giao lại cho Đồng Minh.
Thực hiện đề nghị của Hồ Chí Minh, Ch.Fenn đã bố trí cuộc gặp này và thuật lại trong hồi ức của mình: “Chelnault rất cảm ơn ông Hồ về việc người phi công được cứu thoát, ông Hồ đáp lại bao giờ ông cũng sung sướng được giúp đỡ người Mỹ và đặc biệt là giúp Tướng Chelnault mà ông ta hết mực ca tụng. Họ trò chuyện về đội “Hổ Bay” (biệt danh của các đơn vị tinh nhuệ trong Tập đoàn không quân số 14 của viên tướng này)... Họ bàn chuyện cứu các phi công bị nạn.
Không ai nói gì đến người Pháp hoặc nói chuyện chính trị. Tôi thở phào khi mọi người sắp từ biệt nhau. Lúc đó, ông Hồ nói rằng ông muốn xin một vật kỷ niệm nhỏ... Và tất cả cái mà ông ta muốn chỉ là một cái ảnh của tướng Chelnault.”
Viên tướng Mỹ vốn rất hãnh diện với diện mạo và những chiến tích của mình đã đưa ra một sấp ảnh khổ 8X10cm và đề nghị Hồ Chí Minh chọn lấy một chiếc. “Ông Hồ cầm lấy một chiếc và hỏi tướng Chelnault có vui lòng cho xin chữ ký? Chelnault liền viết ở dưới tấm ảnh “Bạn chân thành của Anh. Claire L.Chelnault”.
Sau này, cả hai viên sĩ quan tình báo của đơn vị OSS (Cơ quan tình báo chiến lược), tiền thân của CIA sau này, là Ch.Fenn và A.Patti, đều đánh giá rằng nhà cách mạng Việt Nam đã khôn khéo sử dụng tấm ảnh có lời đề tặng này để gây thanh thế đối với các nhà lãnh đạo Trung Hoa cũng như lực lượng người Việt đang có mặt tại vùng Hoa Nam (Trung Quốc).
Hơn thế, từ cuộc gặp mặt này, những mục tiêu của Hồ Chí Minh đã được thực hiện nhằm xác lập vị thế của Việt Minh và những sự hỗ trợ cụ thể (chủ yếu là phương tiện thông tin, vũ khí, tin tức tình báo) giữa hai bên góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám giành độc lập cho dân tộc Việt Nam gắn với cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít Nhật.
Về sau này, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, kể cả việc Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, 2 cựu sĩ quan Mỹ này vẫn giữ được sự trân trọng đối với cá nhân cũng như sự nghiệp của Hồ Chí Minh.
Chelnault đã cảm ơn việc cứu phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn sàng giúp cứu phi công Đồng Minh bị rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng “bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc có thể làm được để giúp đỡ Đồng Minh”.
Trước khi chia tay, viên tướng Mỹ đã tặng Hồ Chí Minh một tấm chân dung của mình kèm theo lời đề tặng “Bạn chân thành của ông”. Sau cuộc gặp này, nhiều hoạt động chuẩn bị được tiến hành và tháng 5/1945, Hồ Chí Minh về nước đưa theo 2 báo vụ viên và một số thiết bị liên lạc về Chiến khu Việt Bắc.
Theo X&N
Huyền Trang (st)