Hải Phòng là một thành phố cảng, thành phố công nghiệp nằm trong vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông đường biển, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh - quốc phòng. Trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hải Phòng là vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc với những chiến công trên sông Bạch Đằng: Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn; trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo... Thời kỳ đấu tranh cách mạng, Hải Phòng cũng diễn ra nhiều cuộc bãi công, đấu tranh của công nhân chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân tư bản Pháp. Với lợi thế có cảng biển, Hải Phòng là một trong những cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa nước ta với nước ngoài, nên đây chính là nơi đầu tiên đón nhận báo Thanh niên, tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để truyền bá và kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, góp phần nối phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới(1).

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tầm quan trọng của Hải Phòng với vị thế là “Cảng lớn của Bắc Kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp của miền Bắc và cả nước. Tất cả các lĩnh vực công tác cách mạng ở Hải Phòng đều được Người quan tâm chỉ đạo. Tất cả các giai cấp và tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các em nhỏ Hải Phòng đều nhận được sự chăm sóc ân cần của Người.

Ngay khi còn bôn ba nơi hải ngoại để tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát sao tình hình chỉ đạo và đánh giá cao phong trào cách mạng chung của cả nước trong đó có phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng. Có thể thấy, qua những bài viết của Người từ những năm 1920, 1939 như các bài: Cuộc bãi công của thuỷ thủ Hải Phòng và tình hình chính trị ở Đông Dương từ 1936 đến 1938, Người đã có những nhận định chính xác về phong trào đấu tranh của công nhân, thuỷ thủ và các tầng lớp lao động thành phố để chống lại áp bức bóc lột của chế độ thực dân Pháp.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và khi trực tiếp về nước lãnh đạo cuộc cách mạng của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Hải Phòng một sự quan tâm sâu sắc. Người đánh giá cao thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Hải Phòng, đó chính là nguồn cổ vũ, động viên nhiều phong trào yêu nước của nhân dân Hải Phòng như phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945…

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hải Phòng cùng cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trong khi vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, mặc dù bộn bề công việc phải lo toan, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian, sự quan tâm sâu sắc cho nhân dân Hải Phòng. Ngày 24/12/1945, Người tiếp đoàn đại biểu phụ lão Hải Phòng do cụ Thi Sơn dẫn đầu, thay mặt các tầng lớp nhân dân Hải Phòng lên Thủ đô “Xin yết kiến Cụ Hồ”. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện thân tình với các cụ về vận nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc, vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc nước, bất kỳ già trẻ, gái trai đều phải ra sức gánh một vai và mong các cụ “khua gậy đi trước”, “làm gương cho con cháu” noi theo. Cũng trong dịp này, Người chỉ thị cho mời một số nhân sĩ, trí thức yêu nước ở Hải Phòng như luật sư Vũ Trọng Khánh, nhà trí thức công giáo Nguyễn Mạnh Hà, nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà… về Hà Nội đảm nhận một số cương vị quan trọng ở các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương(2).

Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian gặp và giao trách nhiệm cho đồng chí Đỗ Trọng Giang - phóng viên báo Dân Chủ, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh miền biển - chuyển lại cho nhân dân Hải Phòng mấy lời khuyên “Đoàn kết, kỷ luật, công tác” mà Người đã viết vào sổ tay.

Tình cảm và sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng còn được thể hiện một cách sinh động qua sự kiện Người ghé thăm thành phố khi Người vừa từ nước Pháp trở về (tháng 10-1946). Đó là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân lao động Hải Phòng sau ngày đất nước được độc lập. Người đã nói chuyện với đồng bào tại cuộc mít tinh ở Nhà hát lớn thành phố. Người bày tỏ sự hài lòng và biểu dương đồng bào đất Cảng đã hết sức đoàn kết, giữ vững kỷ luật, ra sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ khối liên hiệp quốc dân, giữ vững đê điều, hăng hái theo đời sống mới… Người căn dặn, chúc đồng bào nỗ lực công tác đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào thành công: “Nhờ các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn Hải Phòng sẽ trở thành thành phố gương mẫu của nước ta”(3). Cũng trong chuyến thăm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp lại ông già Thuyết – người thủy thủ năm xưa đã giấu Bác dưới tàu sang Pháp, người bạn đồng nghiệp đã cùng sống với Bác trong một hiệu ảnh ở Pari. Không một chút khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước với một người dân bình thường, Bác ân cần nắm tay người bạn cũ dặn dò: “Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch một nước, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ nhân dân mà thôi. Đối với anh trước sau tôi cũng vẫn là một người bạn thân. Anh nhớ gửi thư cho tôi luôn” (4).

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc. Đó là 9 năm Người phải sống xa Hải Phòng nhưng tấm lòng của Người vẫn nhớ về Hải Phòng, Người viết: “Tôi thường nhận được thư của các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng và các anh chị em công nhân Hải Phòng bí mật gửi lên Việt Bắc”(5).

Từ đó, cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người theo dõi sát sao từng trận đánh, thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi khen ngợi mỗi chiến công, biểu dương mỗi gương chiến đấu dũng cảm, chia sẻ và động viên kịp thời trước mỗi khó khăn, nêu ý kiến định hướng cho mỗi bước đi lên của quân và dân Hải Phòng.

Khác với các địa phương, ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng lại bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới - đó là thời kỳ “300 ngày giải phóng quê hương”(6). Trong thời gian này, cuộc đấu tranh với địch trên các mặt trận kinh tế, chính trị diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của thực dân Pháp và bọn tay sai, bảo vệ vững chắc thành phố. Cảm động trước gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân, dân Hải Phòng “để giữ gìn đất Cảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm đặc phái viên cầm thư của Người gửi đồng bào Hải Phòng. Người biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng và khen tặng quân, dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ “Trung dũng”.

Ngày 13/5/1955, Hải Phòng là địa phương cuối cùng được giải phóng. Chia sẻ niềm vui lớn lao với đồng bào, Người viết “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa Xuân. Hàng vạn đồng bào già trẻ gái trai, đủ các tầng lớp, tủa ra hoan nghênh bộ đội, cán bộ. Nét mặt mọi người sung sướng vui mừng như mùa Xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn”(7).

Tuy nhiên, sau niềm vui giải phóng là những suy tư, trăn trở của người Hải Phòng về những nhiệm vụ mới của một sự nghiệp mới rất vinh quang nhưng cũng đầy thử thách. Trong bối cảnh lịch sử đó, tình cảm, sự quan tâm và những lời dạy bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã kịp thời đến với Hải Phòng. Ngày 18/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Nhân Dân, nhan đề Sau 83 năm, nói về nhiệm vụ của Hải Phòng sau khi được giải phóng “Mọi người, mọi ngành phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để khôi phục kinh tế miền Bắc và giúp đỡ đồng bào miền Nam đấu tranh… Mọi người phải giúp sức vào việc củng cố quốc phòng; mọi người không được thoả mãn, tự kiêu, mà phải tỉnh táo ngăn ngừa kẻ địch phá hoại”(8).

Ngày 23/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Hải Phòng đến chúc thọ, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 Ngày sinh của Người tại Phủ Chủ tịch và chưa đầy 20 ngày sau khi thành phố được giải phóng, ngày 2/6/1955, Người về thăm, động viên cán bộ, nhân dân Hải Phòng lần thứ 2. Người chỉ rõ: “Bây giờ trong hoà bình, chúng ta đoàn kết, cố gắng, chúng ta có sức, có vốn và có quyết tâm chúng ta lại có bạn giúp, cho nên chúng ta nhất định vượt được khó khăn, đi đến thắng lợi”(9).

Trong mỗi chuyến về thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành thời gian đến thăm từng nhà máy, xí nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp, thăm hỏi các cụ già, em nhỏ, nhắc nhở mọi người đoàn kết phấn đấu, phát huy truyền thống “Trung dũng”, quyết thắng trong các nhiệm vụ mới, xây dựng Hải Phòng thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.

Ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân huyện đảo Cát Hải, Cát Bà. Người động viên, thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào chiến sĩ nơi đảo xa. Đây là phần thưởng, nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, cổ vũ quân dân huyện đảo hăng say làm việc hơn nữa để bảo vệ vững chắc một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó trở đi, ngày 1/4 hàng năm trở thành ngày hội lớn không chỉ của nhân dân huyện đảo Cát Hải nói riêng mà còn của nhân dân Hải Phòng nói chung. Để ghi nhớ sự kiện ngày Bác Hồ về thăm Làng Cá, ngày 1/4/1979, lần đầu tiên ngành Thuỷ sản Việt Nam đã chọn và tổ chức thành Ngày truyền thống của ngành.

Ở Hải Phòng đầu những năm 1960, có hai phong trào thi đua khá sôi nổi là phong trào xây dựng các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa và phong trào thao diễn kỹ thuật ở Nhà máy cơ khí Duyên Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý động viên khuyến khích hai phong trào đó và Người đã tặng nhiều huy hiệu của Người cho những cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc. Cùng với việc về thăm, động viên cán bộ, công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải (ngày 16/3/1961), ngày 15/5/1961, với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Vài ý kiến về phong trào Duyên Hải” đăng trên báo Nhân Dân, khích lệ phong trào học tập và thi đua với Duyên Hải đang phát triển mạnh ở các xí nghiệp, công trường và nêu rõ những định hướng để phong trào thi đua chung phát triển một cách vững chắc.

Ngày 23/1/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp. Người căn dặn: “…Trong công tác phải tiến hành phòng bệnh hơn trị bệnh, làm thế nào cho ít bệnh. Bác nghe nói thành phố này còn nhiều bệnh lắm. Từ bác sĩ đến anh nuôi phải đoàn kết thành một khối phải nhớ thực hiện: “Lương y như từ mẫu, thái độ đối với người bệnh phải vui vẻ, niềm nở”(10).

 Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng đang trên đà phát triển ngày càng thuận lợi thì đế quốc Mỹ lại đưa hàng chục vạn quân xâm lược vào miền Nam nước ta, đồng thời gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và Hải Phòng từ đó trở thành trọng điểm bị đánh phá rất ác liệt. Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trong lòng mọi người dân Hải Phòng cũng như nhân dân trong cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(11). Quân dân Hải Phòng vừa chiến đấu, vừa giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, giữ vững các đầu mối giao thông vận tải để tiếp nhận sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới và phục vụ cho cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau này, dù không có điều kiện trực tiếp về thăm Hải Phòng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, khen ngợi cán bộ và bộ đội Hải Phòng đã chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi vẻ vang: Bắn rơi nhiều máy bay địch, đập tan các cuộc tiến công và trừng trị đích đáng các bước leo thang đầy tội ác của chúng, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt và tặng Huy hiệu của Người cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Người cũng nhắc nhở đồng bào, cán bộ và bộ đội không được vì thắng lợi mà chủ quan và phải làm tốt hơn nữa công tác phòng không nhân dân, đánh giỏi, thắng lớn hơn nữa “Giặc Mỹ hung ác, chúng còn âm mưu đánh phá Hải Phòng nhiều nữa. Quân và dân Hải Phòng cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu giỏi hơn nữa, sản xuất giỏi hơn nữa, bảo vệ trật tự trị an tốt hơn nữa và lập nhiều thành tích hơn nữa”(12).

Một vinh dự to lớn đã đến với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, ngày 29/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân Hải Phòng. Gần một năm sau, ngày 15/3/1968, Người lại viết thư khen quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ. Người còn tặng cho thành phố Hải Phòng lá cờ mang dòng chữ vẻ vang “Trung dũng quyết thắng”.

Phát huy truyền thống “trung dũng, quyết thắng”, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới và Cương lĩnh của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn vị thế, tiềm năng, lợi thế, đề ra chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá .Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 2001-2011, kinh tế thành phố ổn định, tăng trưởng khá nhanh và toàn diện; quy mô kinh tế được mở rộng, năng lực sản xuất kinh doanh được nâng lên, đặc biệt là nội lực. GDP tăng liên tục với tốc độ bình quân 11,1%/năm; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, tăng nhanh về giá trị, chủng loại sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm. Thu hút vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, bình quân 19,1%/năm. Năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế tăng mạnh. Thu ngân sách gấp hơn 6 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20,23%/năm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển được chú trọng đầu tư, theo hướng hiện đại, tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình phát triển Hải Phòng trở thành thành phố Cảng, công nghiệp văn minh hiện đại.

Có được những thành tựu quan trọng đó, là do hơn 55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố Cảng Hải Phòng luôn thực hiện theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong những lần Người về thăm và làm việc tại Hải Phòng.

Với tiềm năng, lợi thế của thành phố được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn, vị thế, vai trò của thành phố sẽ ngày càng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng tự tin phát triển trong những bước tiếp theo, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại.

Ghi chú:

(1) Bác Hồ với công nhân Hải Phòng, Hải Phòng, 1980, tr.15

(2) Báo Hải Phòng, thứ 6, ngày 20/10/2006.

(3) Báo Hải Phòng, thứ 6, ngày 20/10/2006.

(4) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, tr. 146-147

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.502.

(6) Theo sự thoả thuận giữa Chính phủ nước Việt Nam DCCH và Chính phủ Pháp, Hải Phòng nằm trong khu vực 300 ngày tập kết, nơi rút cuối cùng của quân đội Pháp trên miền Bắc nước Việt Nam. Việc chuyển giao thành phố phải được thực hiện vào ngày 13/5/1955.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.484.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.484.       

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.505.

(10) Bác Hồ với công nhân Hải Phòng, Sđd, tr.131.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.138.

Bùi Thế Đông/Phòng TT-GD
Theo Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Kim Yến (st)

Bài viết khác: