Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới: Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới. Thế nhưng, sau 74 năm, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan vỡ thì các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng, dùng mọi thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, nhằm phủ nhận ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin...
Ánh sáng soi đường
Trong bài nói chuyện với các nhà báo Liên Xô, tháng 7-1957, dưới nhan đề “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường đưa chúng ta tới hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ con đường Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và đưa cách mạng nước ta đi đến thành công. Bác Hồ nói: “Cách mạng Tháng Mười ảnh hưởng tới Việt Nam tương đối chậm. Sở dĩ như vậy là vì bọn thực dân Pháp đã kìm giữ, nói đúng ra là hoàn toàn cô lập đất nước này, chúng tìm mọi cách để cố gắng ngăn cản không cho những sự thật về Liên Xô lọt vào nước chúng tôi và đồng thời chúng lại tung ra những tin tức dối trá về Liên Xô. Mặc dù vậy, những người cách mạng Việt Nam đã kiên trì đi tìm và đã tìm thấy sự thật. Dần dần, họ đã biết rõ toàn bộ ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Đối với nhân dân và đặc biệt là đối với những người cách mạng, Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc. Cách mạng Tháng Mười đã đem lại cho chúng tôi Chủ nghĩa Mác-Lênin. Học thuyết bất hủ đó đã vạch ra con đường mà chúng tôi phải đi theo. Có thể nói rằng nếu không có Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thì nhân dân Việt Nam không thể hoàn thành được cuộc Cách mạng Tháng Tám của mình...” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.12).
Cách mạng Tháng Mười thành công dẫn đến sự ra đời của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô) là một cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng lao động mà lực lượng tiên phong là giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích nhằm lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản cấu kết với bọn quý tộc phong kiến Nga Sa hoàng giành lấy chính quyền, thiết lập chuyên chính cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân Nga. Đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử và thời đại của cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.387).
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười
Sau 106 năm, ý nghĩa và sức sống của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn lan tỏa ở nhiều nước và phong trào cộng sản quốc tế. Song mưu đồ đen tối và thủ đoạn tinh vi của các thế lực phản động, thù địch, học giả tư sản, cơ hội chính trị vẫn ra sức tấn công vào giá trị, thành quả của cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới. Chúng rêu rao rằng, Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô là “quái thai của lịch sử”. Nhất là khi mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chúng tuyên bố về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” và phủ nhận thành quả cách mạng, ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười, nhằm xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng của CNXH khoa học và chủ nghĩa cộng sản. Cũng bằng việc phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Mười, chúng đi đến phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên CNXH của nước ta.
Chúng ta đều biết, sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trực tiếp nhất là do những sai lầm nghiêm trọng về đường lối trong quá trình cải tổ, đổi mới, về công tác cán bộ và tổ chức thực tiễn, sự phản bội của một số cá nhân giữ chức vụ cao trong Đảng đã xa rời những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, phản bội lại lý tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chứ tuyệt nhiên không phải vì bản chất của CNXH, lại càng không phải là “định mệnh” của CNXH khoa học. Thực tiễn sinh động ở các nước đi theo mô hình chế độ XHCN hiện nay đã minh chứng sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác-Lênin và ý nghĩa sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có nước ta. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn trung thành, kiên định và vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Rõ ràng là sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự phủ định CNXH trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, mà chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình phát triển cụ thể do không được điều chỉnh kịp thời khi mắc phải sai lầm và khi điều kiện thực tiễn đã thay đổi. CNXH hiện thực vẫn đang tồn tại, phát triển và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Ý nghĩa lịch sử vĩ đại và lý tưởng XHCN của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống chính trị và trong trái tim của những người cộng sản, nhân dân lao động, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trước sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Chủ nghĩa Mác-Lênin, các thế lực thù địch và học giả tư sản, cơ hội lại cho rằng: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với tiến bộ khoa học-công nghệ hiện nay sẽ thay thế cho cách mạng xã hội nói chung, cách mạng XHCN nói riêng”. Đây là quan điểm rất sai lầm, khi ngộ nhận và đánh đồng cách mạng xã hội với cách mạng khoa học-công nghệ, quy kết quy luật tự nhiên với quy luật xã hội là một, xóa nhòa tính giai cấp trong ứng dụng khoa học-công nghệ, quan hệ xã hội... Họ cố tình quên rằng vấn đề chính trị chỉ có con người mới giải quyết được.
Thực tế cho thấy, khi khoa học-công nghệ phát triển, chủ nghĩa tư bản tận dụng triệt để với mong muốn mang lại lợi nhuận khổng lồ về kinh tế và mưu toan cho những âm mưu chính trị khác. Trong chủ nghĩa tư bản, khoa học-công nghệ phát triển trở thành công cụ hữu hiệu để nâng tỷ lệ bóc lột lao động lên cấp số nhân; làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến bộ khoa học-công nghệ đã tác động to lớn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm gia tăng tính gay gắt của các mâu thuẫn kinh tế-xã hội vốn có trong xã hội tư bản, thúc đẩy sự chín muồi những điều kiện để cách mạng XHCN có thể nổ ra và giành thắng lợi. Cách mạng XHCN là giải pháp toàn diện, triệt để và hợp lý nhằm tạo ra những điều kiện kinh tế-xã hội để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của cách mạng công nghiệp và khoa học-công nghệ hiện đại, phù hợp với tiến trình lịch sử-tự nhiên của xã hội.
Đi theo lý tưởng XHCN của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh đạo nhân dân thực hiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thiết lập nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đưa cả nước đi lên CNXH. Lựa chọn con đường đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đảng ta vẫn kiên định lý tưởng XHCN của Cách mạng Tháng Mười, vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiến hành đổi mới, vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu phát triển trên các lĩnh vực của Việt Nam gần 40 năm đổi mới theo định hướng XHCN làm cho: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Thành tựu đó là minh chứng khẳng định ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị và sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta./.
Thượng tá, TS HÀ SƠN THÁI
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)