Công tác bảo vệ Hồ Chủ tịch được chính Người góp ý uốn nắn và có những nét rất khác so với lãnh đạo các nước.
Chuyện về Bác Hồ với những tấm gương đạo đức sáng ngời là những câu chuyện phổ biến trên báo đài, tuy nhiên, những câu chuyện về kinh nghiệm hoạt động bí mật của Người và công tác bảo vệ an toàn cho Người thì vẫn còn ít được biết tới.
Bậc thầy về hoạt động bí mật
Nhiều năm hoạt động dưới sự theo dõi, truy đuổi gắt gao của mật thám Pháp, Bác Hồ của chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm. Có thể nói không ngoa rằng, Người đã tích lũy được những kỹ năng của một điệp viên hoạt động trong lòng địch. Như trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Người có kể rằng nhiều lần mật thám Pháp đã theo dõi và vây bủa tứ phía nhưng Người đã trốn thoát an toàn không một dấu vết. Người không nói rõ mình đã thoát thân như thế nào nhưng qua lời kể của những cận vệ về những lời chỉ bảo của Người với họ, độc giả phần nào cũng hiểu được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận Biên giới (Thu đông năm 1950).
Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại.
Trong sách Những ngày được gần Bác, ông Việt Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát bảo vệ kể rằng: “Vào quãng tháng 7/1945, một buổi sáng, chúng tôi vừa rửa mặt xong chợt có tin một toán thổ phỉ tiến vào đèo De để dò la cứ địa của ta. Một bộ phận Giải phóng quân đã đi mai phục đánh chúng. Nhưng vì trận địa quá gần cơ quan, các đồng chí có trách nhiệm bảo vệ đã đề nghị ông Cụ (chỉ Bác Hồ) tạm thời rời khỏi chỗ này.
Được ông Cụ đồng ý, đơn vị bảo vệ để già nửa ở lại, nếu phỉ tràn vào sẽ đánh, còn 1 tổ 5 đồng chí do tôi chỉ huy thì bảo vệ ông Cụ và tài liệu rút lên núi. Trước khi ra đi, ông Cụ kiểm tra lại việc gói buộc tài liệu, bố trí hành quân, chuẩn bị súng đạn của chúng tôi một cách tỉ mỉ. Kiểm tra xong ông Cụ dặn “Các đồng chí phải giữ bí mật, không được gõ vào cây nứa gây tiếng động, không được phát đường, bẻ lá. Đồng chí đi sau cùng phải xóa dấu vết của anh em đi trước”.
Lên đến đỉnh núi, nơi có một gốc cây to, sạch sẽ và có chỗ ngồi bằng phẳng, chúng tôi dừng lại tạm nghỉ. Chúng tôi toan chặt lá để ông Cụ ngồi, ông Cụ xua tay rồi đến bên một hòn đá. Vừa ngồi xuống, ông Cụ liền giải thích cho chúng tôi rõ tại sao vừa qua phải giữ bí mật. Ông Cụ bảo làm như vậy là để nếu kẻ địch có vào tới lán của ta, chúng cũng không biết dấu vết của ta đi về phía nào mà truy tìm ta được”.
Các cận vệ làm việc bên Bác Hồ, trong các bài viết hay mẩu chuyện về tác phong công tác của Người, đều nhấn mạnh rằng Bác rất chú trọng công tác đảm bảo bí mật. Ông Hoàng Hữu Kháng, nguyên Tư lệnh Cục Cảnh vệ, nhiều năm làm công tác bảo vệ Bác viết trong sách Những năm tháng bên Bác (NXB Công an Nhân dân) rằng: “Bác chỉ thị cho các cơ quan Đảng, Chính phủ đóng trong khu vực căn cứ 3 tháng phải thay địa điểm 1 lần. Nếu cơ quan nào có người không chịu đựng được gian khổ mà trốn vào vùng địch tạm chiếm thì dù mình mới ở cũng phải chuyển đi ngay nơi khác. Riêng bộ phận của Bác trong mấy năm kháng chiến đã thay địa điểm 30 lần”.
Bài học bí mật còn trở thành một bài học nổi tiếng mà Bác Hồ đã dạy nhà tình báo lừng danh Vũ Ngọc Nhạ khi giao nhiệm vụ cho ông Nhạ vào Nam hoạt động. Ông Nhạ kể rằng khi Bác giao nhiệm vụ cho ông, Bác hỏi ông rằng một nhà tình báo thì điều gì quan trọng nhất. Ông Nhạ trả lời nhiều điều về trung thành, sáng tạo… nhưng Bác gạt đi bảo quan trọng nhất là bí mật, bí mật cho mình và cho đồng đội. Bài học ấy đã ghi vào đầu nhà tình báo suốt đời và trở thành một trong những bí quyết thành công của ông.
Cận vệ Hồ Chủ tịch kể chuyện
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hồ Chủ tịch trở về Hà Nội. Nhiều lần Người đi thăm các cơ quan, đơn vị, địa phương. Như tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới, mỗi chuyến đi thị sát của Người đều có bố trí lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ Hồ Chủ tịch được chính Người góp ý uốn nắn, có những nét rất khác so với lãnh đạo các nước.
Như ngày nay, Tổng thống Nga hay Mỹ đi đến đâu đều có cận vệ đeo kính đen luôn quan sát bốn phía để tìm những kẻ khả nghi. Những cận vệ này, khi Tổng thống xuất hiện trên truyền hình, nhiều khi trông rất lộ liễu, người xem biết ngay đó là lực lượng vệ sĩ.
Nhưng theo lời kể của ông Hoàng Hữu Kháng, Bác nhiều lần uốn nắn lực lượng bảo vệ Người để tránh những biểu hiện lộ liễu đó.
Một hôm Bác đi thăm nông dân gặt lúa, cảnh vệ đến trước bố trí anh chị em cùng gặt lúa với bà con nông dân. Trên cánh đồng có 5 tổ đang gặt nhưng chỉ có 4 tổ gặt gần đường được bố trí cảnh vệ gặt cùng còn tổ phía xa thì không bố trí. Nào ngờ sáng hôm sau Bác đến, Bác đi thẳng ra phía tổ gặt lúa phía xa. Thấy vậy, một đồng chí chạy ra gợi ý với Bác “Thưa Bác, chỗ kia nông dân gặt lúa đông quá ạ”. Bác quay lại nói ngay “Đông gì, các chú bố trí đấy”. Rồi Bác tiếp tục đi thẳng, đến chỗ lội, Bác xắn quần, tay xách dép gọn gàng tự nhiên đi ra với tổ đằng xa.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Dân Việt.
Có lần Bác nói với các đồng chí cận vệ rằng sở dĩ Nguyễn Hải Thần bị bà con ta ghét là vì y thích phô trương, mỗi lần đi đâu đều có nhiều vệ sĩ lăm lăm súng ống đi cùng. Bác không muốn như vậy, Bác muốn được gần dân, được nhìn thấy đời sống nhân dân và được nghe nhân dân nói thật.
Bác Hồ thăm lại bà con Pác Bó, Cao Bằng
Ông Hoàng Hữu Kháng nhớ mãi câu chuyện Bác kể về viên quan Bu Ta Khin ở nước Nga thời Sa Hoàng. Bác kể rằng, có lần Nga hoàng gọi Bu Ta Khin lên hỏi về tình hình làm ăn và đời sống của nhân dân. Bu Ta Khin trả lời rất trôi chảy, nào là nhân dân ấm no, giàu có, nào là nhà cao cửa rộng đường sá sạch sẽ đông vui. Nga hoàng nghe vậy thì rất hài lòng và báo cho Bu Ta Khin biết việc đi thị sát.
Bu Ta Khin hối hả trở về địa phương chuẩn bị. Viên này cho vẽ nhiều tranh rực rỡ, sửa sang đường sá, nhà cửa. Bố trí những người béo tốt ăn mặc sang trọng giả làm người lao động ở nhiều nơi để vua “tình cờ” trông thấy… Rồi Bác nói: “Các chú đừng bắt trước Bu Ta Khin. Khi nào Bác đến đâu, các chú đừng báo cho nơi ấy biết trước. Biết trước cũng sẽ lắm bày vẽ phô trương và như vậy Bác không thấy thực tế”.
Trong tâm thức Hồ Chủ tịch, Người rất coi trọng công tác giữ gìn an ninh. Chính người đã nhiều lần góp ý với lực lượng Cảnh vệ về công việc đảm bảo an ninh cho các lãnh đạo đi công tác. Tuy nhiên, đối với việc bảo vệ chính mình, Người đòi hỏi mọi người phải tế nhị, không phô trương khiến dân sợ, dân xa lánh. Bởi thế trong các bức ảnh chụp Người đi thăm địa phương, ta thấy người hòa giữa nhân dân. Tuyệt không có bức nào mà lực lượng bảo vệ xuất hiện rõ rệt trên ảnh. Đó chính là một nét đặc biệt trong phong cách Hồ Chí Minh.
Huyền Trang (st)