Nỗi lòng lính biển

Trước khi ra Trường Sa công tác, tôi về quê thăm mẹ tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Mẹ nói, xóm mình có cậu Dần con cô Dậu đang đóng quân ở Trường Sa, có dịp con đến thăm nó nhé. Tôi vâng lời mẹ, nhưng thoáng chút băn khoăn bởi tuy cùng xóm trên, xóm dưới, nhưng tôi hơn Dần mười mấy tuổi, lại xa quê gần 20 năm nên còn rất ít kỷ niệm về cậu ấy. Đến đảo Trường Sa Đông, tôi tìm gặp Nguyễn Văn Dần, em mừng rỡ khi gặp người cùng thôn giữa Trường Sa. Dần bảo, ngày xưa mỗi lần thấy anh về quê mặc bộ quân phục em rất thích, thế là sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ra trường được điều về công tác tại Lữ đoàn 147 Hải quân, sau hơn một năm em tình nguyện ra công tác tại Trường Sa.

Hoàn cảnh nhà Dần còn nhiều ưu tư. Mẹ sinh được ba chị em, bố đi bước nữa. Hai chị trưởng thành rồi đi lấy chồng xa, Dần lại công tác ngoài đảo xa, nhà chỉ còn mình mẹ già, nhiều đêm Dần trăn trở vì thương mẹ. Mặc dù vậy, khi tâm sự với tôi, Dần vẫn cứng cỏi: Là người lính thì phải biết chấp nhận và vượt lên những khó khăn, nhiều anh em cùng khóa với em cũng đã tình nguyện ra đảo học tập công tác. Em tự nhủ phải luôn phấn đấu thật tốt để mẹ và gia đình ở quê nhà tự hào về con trai mình đang làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác với Dần, Thượng úy Phạm Quốc Hưng, quê ở Thái Bình đã có vợ và con trai Phạm Quốc Vượng gần 2 tuổi. Hiện vợ, con anh đang thuê nhà và sống tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa). Hưng kể, thời gian công tác của anh tại Trường Sa cũng gần 3 năm. Năm 2011, Hưng ở đảo chìm Tốc Tan, trong thời gian nghỉ phép thì tranh thủ... cưới vợ. Trở về đơn vị sau 2 tháng thì nhận tin vợ có bầu, anh mừng đến phát khóc. Do điều kiện luân chuyển công tác, vợ sinh con, anh cũng không có điều kiện nghỉ phép về thăm nhà. Con trai tròn 1 tuổi, anh được đơn vị cho nghỉ phép về gia đình. Niềm vui được gặp vợ và con, nhưng khổ nỗi đứa con trai kháu khỉnh vừa tròn tuổi khi anh dang tay bế cứ khóc ngằn ngặt, không chịu theo. Đêm đến cũng nhất định không cho bố nằm chung. Vậy là phải mất một thời gian, tối đến chờ con ngủ say anh mới khẽ khàng nằm xuống bên cạnh và hôn lên bầu má đáng yêu của nó. Khi bé Quốc Vượng vừa bén hơi bố thì cũng là lúc Hưng hết phép phải trở lại đơn vị.

loi-the-giu-bien-a
Nhà giàn DK1/2

Trong thời gian ngắn ngủi tàu cập đảo chìm Thuyền Chài, tôi may mắn được gặp thêm một người đồng hương, đó là Thiếu úy Nguyễn Văn Tranh, nhân viên cơ yếu của đảo, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tranh chia sẻ, đã ra công tác tại đảo được gần 2 năm, giữa ngàn trùng sóng vỗ, nhiều khi thấy nhớ mùi đất liền quay quắt. Mới đây, vợ anh ở quê gọi điện ra nói rằng, đứa con gái 2 tuổi Nguyễn Thị Trang, khi được mẹ dắt đi chơi, gặp chú bộ đội Hải quân cùng xóm về nghỉ phép, bé tưởng là bố nên cứ gọi tên bố Tranh mãi. Nghe vợ kể, Tranh cười giòn tan trên điện thoại, nhưng trong lòng trào dâng niềm thương nhớ con. Vậy là đã hơn 1 năm, từ khi bé Trang 9 tháng tuổi, anh chưa có điều kiện về thăm gia đình. Cuối câu chuyện, Tranh bật mí thêm với tôi: Vợ em đã đăng ký theo tàu chở thân nhân của bộ đội đảo ra thăm Trường Sa vào giữa tháng 6-2013. Em chỉ lo vợ yếu dễ bị say sóng, nhưng cô ấy điện ra bảo rằng được gặp chồng và những người lính đang ngày đêm giữ đảo là em toại nguyện lắm rồi, dù vất vả đến mấy em cũng chịu đựng được...

Chiếc máy câu và lời hứa với những người giữ biển

Rời cuộc chiến, cựu chiến binh Trần Anh Tuấn, chuyển công tác về sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng trong ông vẫn còn vẹn nguyên “chất lính”. Được ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa lần này, gặp những người giữ biển, ông chia sẻ rằng, mỗi người đến với Trường Sa đều có cách trải nghiệm và thông điệp của riêng mình. Và ông đã thể hiện tình yêu biển, đảo của mình bằng hành động cụ thể, một nguồn động viên tinh thần để những người giữ biển thêm chắc tay súng giữ vững vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Trong lần ra Trường Sa công tác lần này, tôi được xếp ở cùng khoang tàu với một người đàn ông gần 60 tuổi, nước da nâu, vóc dáng khỏe mạnh. Ông lên tàu, ngoài hành lý tư trang còn mang theo lỉnh kỉnh các thiết bị phục vụ cho việc câu biển. Qua trò chuyện được biết, ông tên Trần Anh Tuấn, hiện đang công tác tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hà Nội.

Ông Tuấn cho hay, đây không phải là lần đầu đến với bộ đội Trường Sa. Lần đầu tiên ông đến với vùng biển, đảo thân thương này cũng mới hơn một năm. Ra đảo lần này, cùng với việc đại diện cho Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hà Nội mang lượng đất vi sinh do cán bộ công nhân viên công ty quyên góp tiền mua gửi tặng bộ đội Trường Sa trồng rau xanh, ông còn có một mục đích khác, đó là thực hiện lời hứa trong chuyến đi trước với đồng chí Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đó là, sau chuyến công tác sẽ về nghiên cứu chế tác tặng bộ đội Nhà giàn DK1/2 một chiếc máy câu biển.

loi-the-giu-bien-b
Chiếc máy câu của ông Trần Anh Tuấn tặng bộ đội Nhà giàn DK1/2.

Chuyện là, đầu năm 2012, trong lần đại diện cho công ty cùng với Đoàn công tác của Bộ Tài chính đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam, khi lên thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2, trò chuyện với anh em ông được biết: Do tính chất công việc đặc thù trên nhà giàn, ngoài thực hiện các nhiệm vụ canh trực, tuần tra quan sát trên biển, thời gian rảnh rỗi nhiều người có thói quen câu cá vừa để góp phần cải thiện cuộc sống, cũng là thú vui làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, gia đình. Tuy nhiên giữa trời biển mênh mông, tôm, cá nhiều, nhưng phương tiện câu của anh em thì còn rất giản đơn và thô sơ. Do tính chất nhà giàn cố định nên khi thả câu phải lựa mượn dòng chảy để thả mồi đi xa, đến khi cá cắn câu thì việc thu và dong cá về là rất khó khăn, mất nhiều sức, bởi anh em thường phải cuộn cước, thu mồi bằng cách thủ công.

Là một người vốn có thú đam mê câu cá, trong đất liền những lúc rảnh rỗi ông Tuấn thường cùng bạn bè rủ nhau đi câu giải khuây tại những con sông quanh khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, về mặt “sản lượng” và “chủng loại” thì không thể sánh với việc câu cá từ nhà giàn như thế này. Chia sẻ với anh em có mặt tại nhà giàn DK1 và sự có mặt của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến lúc đó, ông đã hứa sau chuyến đi này về đất liền sẽ nghiên cứu và chế tác tặng bộ đội nhà giàn một bộ máy câu biển.

Về đất liền, ông đã dành thời gian tìm hiểu cách câu biển, tìm các loại sách nghiên cứu và cách câu cá, tốc độ săn mồi của các loài cá biển và phác thảo được “bản vẽ” của một chiếc máy câu. Trong quá trình hoàn thành chiếc máy câu biển để tặng bộ đội nhà giàn cũng có nhiều điểm thuận bởi trước đây khi từ quân ngũ trở về đã có thời gian ông làm thợ cơ khí. Mặc dù vậy cũng phải mất gần một năm cho việc sưu tầm, lựa chọn, gia công các chi tiết, lắp ghép và hoàn chỉnh chiếc máy câu để tặng cho bộ đội nhà giàn như hiện nay.

Nguyên lý hoạt động của máy câu là dùng mô-tơ giảm tốc có tốc độ vòng quay 230 vòng/phút; có bảng điều khiển tốc độ cuộn cước nhanh chậm. Theo đó, mồi câu được thả theo chiều của dòng chảy, khi cá cắn câu, người điều khiển có thể thu và dong cá nhanh chậm theo ý chủ quan của mình thông qua bảng điều khiển mà không phải tốn nhiều công sức như khi dùng “ru-lô” để cuộn như trước đây. Đặc biệt, ngay cả khi bình ắc-quy hết điện người đi câu vẫn có thể quay mô-tơ bằng tay bởi hệ thống vòng bi hết sức tiện lợi.

Khi tôi đang ngồi viết bài báo này thì nhận được điện thoại của chủ máy câu - ông Trần Anh Tuấn gọi đến bảo rằng: Hôm trước, tại Nhà giàn DK1/2 vì điều kiện thời gian của Đoàn công tác nên chỉ kịp bàn giao cho anh em, hướng dẫn cách đặt máy và cách thao tác máy khi câu biển chứ không có thời gian trực tiếp theo dõi anh em “vận hành”. Hôm rồi Thiếu tá Phạm Công Trãi, Chỉ huy trưởng nhà giàn điện về nói rằng, máy đang được anh em vận hành tốt, đã có những chú cá thu đầu tiên nặng tới hàng chục ký mắc câu, anh em rất phấn khởi và gửi lời cảm ơn ông.

Cựu chiến binh Trần Anh Tuấn chia sẻ rằng, ông rất phấn khởi khi sản phẩm máy câu - món quà nhỏ bé của mình đã đến được với những người lính nhà giàn và bước đầu mang lại giá trị sử dụng. Quan trọng hơn nữa đã góp phần đem lại niềm vui tinh thần cho những người đang ngày đêm chốt giữ vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Và ông cũng rất mừng vì đã thực hiện tròn lời hứa với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 và người chỉ huy cao nhất của Quân chủng Hải quân, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.

Tuy nhiên, trong ông dường như còn đang ấp ủ một mong muốn nữa, ông bảo rằng, khi người Chỉ huy trưởng nhà giàn gọi điện về báo tin về sản phẩm, ông rất muốn biết ngoài những ưu điểm như đã nói ở trên thì chiếc máy câu biển có những nhược điểm gì cần khắc phục, nhưng người chỉ huy đó có lẽ vì nể ông mà không tiết lộ một nhược điểm nào, chỉ nói là rất tốt. Như thế sẽ rất khó để ông rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong những lần chế tác tiếp theo.

Lần chế tác tiếp theo - vâng đó chính kế hoạch của ông đã được dự định từ trước khi chiếc máy câu biển đầu tiên tặng Nhà giàn DK1/2 phát huy hiệu quả. Với ông, chiếc máy câu tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 mới chỉ là chiếc máy câu “Trường Sa 01” và sẽ còn những chiếc máy câu tiếp theo để tặng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tặng bộ đội Trường Sa. Ông chia sẻ, mỗi người đến với Trường Sa đều có cách trải nghiệm của riêng mình. Việc làm của ông xem như được góp thêm "một viên đá nhỏ" để xây dựng Trường Sa...

Bài và ảnh: Ngô Duy Đông

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: